Ngày 5/6, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2014 (VBF 2014) với chủ đề “Từ Chương trình tới Hành động – Chuẩn bị cho các Hiệp định Thương mại mới” do Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.
Tại Diễn đàn, các đối tác đầu tư đã chia sẻ và đánh giá cao những giải pháp của Chính phủ trong việc ổn định môi trường đầu tư đồng thời cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ cũng như đặt niềm tin vào thị trường Việt Nam.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lên án, sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe dọa trực tiếp tới hoạt động hàng hải, thương mại quốc tế và gây mất an ninh, phá vỡ sự ổn định tại Biển Đông và trong khu vực.
Ông Lộc chia sẻ, sự việc đáng tiếc từ các hoạt động tuần hành biểu thị lòng yêu nước của người dân trước hành động trái pháp luật của Trung Quốc, trong hai ngày 13 và 14/5 vừa qua, tại Bình Dương, Đồng Nai và Hà Tĩnh, trong đó một số đối tượng quá khích đã có những hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng tới trật tự an ninh xã hội, gây thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đặc biệt là các doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan…
Ghi nhận những biện pháp khắc phục và ổn định môi trường đầu tư của Việt Nam, bà Virginia Foote, Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam đã hoan nghênh các hành động kịp thời của Chính phủ sau sự kiện đáng tiếc vừa qua và tin tưởng rằng Việt Nam sẽ có các biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả một cách minh bạch, hợp lý và chuyên nghiệp.
Bà Virginia Foote thay mặt các đối tác đầu tư khẳng định sẽ luôn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và nâng cao vai trò của tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu với mức độ phức tạp ngày càng cao.
“Tất cả chúng ta đang làm việc và cùng tin tưởng vào con người cũng như công nghệ từ Việt Nam và nhiều quốc gia để góp phần phát triển hoạt động kinh doanh, du lịch và chuỗi cung ứng hiệu quả.
Một ủy ban thực hiện các biện pháp bồi thường, khắc phục sự cố với sự góp mặt của quốc tế và tuân theo các tiêu chuẩn toàn cầu sẽ có thể có tác động tích cực to lớn và nâng cao đến hình ảnh, danh tiếng của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ khi có yêu cầu,” bà Virginia Foote đề xuất.
Ông Kim Jung In, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cũng chia sẻ sự cảm thông sâu sắc tới Chính phủ Việt Nam và những công ty có vốn đầu tư nước ngoài đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do biến động vừa qua.
Khẳng định niềm tin, ông Kim Jung In phát biểu: “Chúng tôi tin rằng chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này bằng việc chung tay giải quyết khủng khoảng với sự cảm thông lẫn nhau và đánh giá tình hình.”
Bên cạnh đó Kim Jung In đưa ra kiến nghị, Chính phủ Việt Nam nên có một công bố chính thức cho các nhà đầu tư nước ngoài về những giải pháp cụ thể để ổn định môi trường kinh doanh cho các công ty đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, như xem xét bù đắp thiệt hại kịp thời, những khoản vay với lãi suất thấp; miễn thuế cho các công ty bị thiệt hại; giải pháp phù hợp dành cho người lao động bị mất việc bởi sự cố này.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp từ các đối tác kinh tế, ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, trước sự cố đáng tiếc trên, Chính phủ Việt Nam đã hết sức nỗ lực khắc phục. Trong thời gian rất ngắn Chính phủ đã khẩn trương ra 6 văn bản chỉ đạo, bên cạnh đó các Bộ, ngành, địa phương cũng nhanh chóng vào cuộc, giải quyết giúp đỡ doanh nghiệp hoạt động trở lại, có chính sách thiết thực hỗ trợ kinh doanh, bồi thường, hỗ trợ thuế…
Ông Vinh nhấn mạnh, đây là sự việc bất ngờ và các chính sách giải quyết cụ thể chưa có tiền lệ, do đó cần phải có thời gian. Song quyết tâm của Chính phủ đã giúp cho hầu hết các doanh nghiệp bị thiệt hại hoạt động trở lại.
“Đối với những doanh nghiệp bị thiệt hại nặng, Chính phủ Việt Nam sẽ có những biện pháp hỗ trợ cụ thể,” ông Vinh khẳng định./.