Đến thăm Bạc Liêu, du khách ai cũng muốn một lần đến thăm Chùa Xiêm Cán, một công trình kiến trúc tuyệt đẹp của người Khmer và cũng là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của địa phương này.
Là ngôi chùa thuộc hệ phái Phật giáo Tiểu thừa của đồng bào dân tộc Khmer nhưng cái tên Xiêm Cán của chùa xuất phát từ tiếng Tiều (tiếng của người gốc Triều Châu, Trung Quốc hiện đang sinh sống nhiều ở Bạc Liêu) có nghĩa là “giáp nước” bởi địa hình vùng đất này trước đây bên cạnh bãi bồi ven biển.
Theo con đường rợp bóng những cây nhãn cổ thụ thuộc xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu, chùa Xiêm Cán hiện ra trong mắt chúng tôi với một kiến trúc độc đáo, nổi hẳn lên bầu trời xanh trong một ngày đầy nắng.
Chùa quả thực không hổ danh là một trong những ngôi chùa Khmer lớn nhất và lộng lẫy nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Nam Bộ.
Ấn tượng đầu tiên là cổng chùa nằm về hướng Đông với những đường nét, kiến trúc hết sức đa dạng và có một màu vàng đất dịu mắt, mang đậm sắc thái Khmer. Phía trên là hình ba ngọn tháp, mô phỏng theo kiểu kiến trúc Angkor của người Campuchia và tượng hình rắn nhiều đầu được chạm trổ công phu. Ngoài ra, bao quanh chùa nối với cổng là bức tường rào chạm khắc rắn thần và nhiều hoa văn sặc sỡ, đẹp mắt.
Từ cổng vào trung tâm chùa Xiêm Cán khoảng 100m, du khách sẽ đi qua một khuôn viên rộng đầy những cây sao, cây dầu cao vút, xếp thẳng hàng và tỏa bóng mát rượi.
Lúc này, du khách dễ dàng cảm nhận được không gian trang nghiêm và thanh bình của một ngôi chùa cổ được xây dựng từ năm 1887.
Theo quan niệm của người Khmer, chánh điện thường quay về hướng Đông vì họ cho rằng con đường tu hành của Phật đi từ Tây sang Đông. Tọa lạc trên nền gạch cao 1,5m với ba bậc cấp cùng một hành lang bao quanh, chánh điện chùa Xiêm Cán có góc mái của mỗi đỉnh đều được đắp khúc đuôi rắn dài, uốn cong, mềm mại.
In lên nền trời xanh là cấu trúc mái theo nhiều tầng lớp chồng lên nhau, tạo ra khoảng không gian cao vút, hòa với đỉnh nhọn như một chóp tháp. Trên các nếp mái lại đắp các tượng rồng Khmer, đầu rồng dạng kép, thân rồng nằm xoãi và đuôi rồng thì uốn cong ngược lên như những ngọn lửa. Chính sự kết hợp giữa đầu, thân và đuôi rồng tạo nên hình ảnh những chiếc ghe ngo - tài sản chung của đồng bào dân tộc Khmer ở mỗi phum, sóc (đơn vị cư trú của người Khmer ở nông thôn - PV) và được bảo quản chu đáo tại chùa.
Bước vào chánh điện, du khách cần bỏ mũ nón, đi chân không để tỏ lòng tôn kính. Tại đây, cao hơn hết là một bàn thờ Phật với một tượng Phật to lớn, đặt trên các tượng Phật khác ở nhiều tư thế khác nhau - biểu hiện cho các thời kỳ hóa thân của Phật.
Điều đặc biệt trong chánh điện chùa Xiêm Cán chính là các phù điêu, bích họa trang trí nhiều màu sắc trên vách, trên trần và các cột. Riêng các bích họa kể lại cuộc đời của Phật và truyện Reamker (phiên bản Campuchia của trường ca Ramayana, một sử thi Ấn Độ nổi tiếng) đều đã để lại nhiều cảm xúc cho du khách viếng thăm chùa và càng khâm phục những nghệ nhân tạo nên các bích họa đó.
Phía bên ngoài, đối diện chánh điện là cột trụ biểu với hình tượng của con rắn 5 đầu, dùng để thắp nến vào những ngày lễ. Ở đây muốn ngụ ý rằng giáo lý Phật pháp sẽ soi sáng cho nhân loại, giúp mọi người sống hướng thiện như chính loài rắn được thuần hóa nhờ tấm lòng từ bi hỷ xả của Đức Phật.
Ngoài ra, chùa Xiêm Cán còn được bố trí khá hài hòa với Sala, tăng phòng, am, tháp cốt; trong đó, Sala là nhà hội của sư sãi và các tín đồ Phật giáo Khmer dùng để bàn bạc, chuẩn bị trước khi lên chánh điện hành lễ. Sala cũng được trang trí các tiết họa, các bích họa trên vách và trên trần. Xung quanh chánh điện là rất nhiều tháp để cốt của người quá cố. Đây là đặc trưng để nhận ra các ngôi chùa Khmer từ bên ngoài khi các ngọn tháp nhọn cao vút, xếp xen kẽ với nhau.
Không chỉ là nơi thực hiện các hoạt động tôn giáo, chùa Xiêm Cán cũng như các ngôi chùa Khmer khác ở Nam Bộ còn là trung tâm văn hóa, giáo dục của phum, sóc, lưu giữ các tập truyện kể dân gian xưa và nay hoặc các vốn văn hóa truyền thống. Tại đây, trẻ em trước tuổi trưởng thành (18 tuổi) được đưa đến chùa khoảng 3 năm để học chữ Khmer, chữ Pali, dạy kinh… và tìm hiểu được những bản sắc văn hóa của dân tộc mình./.