Từ tháng ba này, người trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm diệp hạ châu của huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng), sẽ được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Diệp hạ châu Cát Tiên” được đăng ký độc quyền trong nước.
Theo quy chế vừa được Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành, nhãn hiệu “Diệp hạ châu Cát Tiên” được sử dụng cho các sản phẩm tươi và sản phẩm đã qua sơ chế, chế biến của loại cây dược liệu diệp hạ châu được trồng, chế biến, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện Cát Tiên.
Hiện nay, trên thị trường đã có mặt nhiều sản phẩm Diệp hạ châu Cát Tiên, gồm diệp hạ châu sấy khô, trà túi lọc diệp hạ châu, các loại cao và viên nang sử dụng chiết xuất diệp hạ châu… Trong đó, thông dụng nhất là các loại trà túi lọc diệp hạ châu với công dụng mát gan, giải độc, dùng cho người bệnh đái tháo đường.
Theo Ủy ban Nhân dân huyện Cát Tiên, với chủ trương chuyển đổi một số diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây công nghiệp, cây dược liệu có giá trị kinh tế, từ năm 2011 huyện đã trồng thử nghiệm cây diệp hạ châu với quy mô sản xuất trên diện tích 2ha.
Kết quả cho thấy giống diệp hạ châu đắng thân xanh thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của vùng đất Cát Tiên, có hàm lượng dược chất cao, không lẫn tạp và cho năng suất cao (3 tấn/ha).
Từ năm 2013, huyện đã mở rộng diện tích cây diệp hạ châu lên gần 30 ha và trồng theo quy trình VietGAP. Năm 2014, sản lượng diệp hạ châu khô toàn huyện đạt trên 76 tấn, hiệu quả kinh tế được ghi nhận cao hơn trồng bắp và một số giống lúa.
Trong thời gian tới, Cát Tiên tiếp tục phát triển sản xuất diệp hạ châu theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 200ha vào năm 2020, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm Diệp hạ châu Cát Tiên ra thị trường trong và ngoài nước./.