Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, ngày 5/8, trong chuỗi các sự kiện FYIstival The ASEAN Edition, Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF) đã tổ chức hội thảo trực tuyến về “Chuyển đổi kinh tế và Cơ hội trong các ngành của Việt Nam,” thu hút gần 300 người tham dự đến từ Singapore, Việt Nam, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), Mỹ, châu Âu…
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng khẳng định dù tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, nhưng trong 6 tháng đầu năm nay, nhờ có những giải pháp chủ động và hiệu quả, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng 5,64%, kinh tế vĩ mô ổn định, trong khi lạm phát được kiểm soát.
Mục tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 5 năm từ 2021-2025 vẫn được Việt Nam duy trì ở mức 6,5-7%. Đại sứ Mai Phước Dũng cũng truyền tải thông điệp: Chính phủ Việt Nam đang lắng nghe, đối thoại cùng doanh nghiệp để đưa ra những quyết sách kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn; tác động của dịch COVID-19 tới nền kinh tế Việt Nam chỉ là ngắn hạn và những cơ hội đầu tư trung và dài hạn vẫn đang chờ đợi nhà đầu tư nước ngoài.
Theo Đại sứ Mai Phước Dũng, đối với đầu tư nước ngoài, Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; các dự án đầu tư có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; cũng như các dự án liên quan đến thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế xã hội của Việt Nam.
Riêng đối với các doanh nghiệp Singapore, Đại sứ Mai Phước Dũng khẳng định Việt Nam luôn đánh giá cao các đối tác đến từ Singapore về năng lực tài chính, công nghệ và trình độ quản lý. Đại sứ cũng cho rằng Việt Nam và Singapore cần đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực mà hai bên có lợi thế hợp tác phát triển, cụ thể là các lĩnh vực: sản xuất công nghệ cao, phát triển hạ tầng và logistics; giải pháp đô thị (thành phố thông minh); năng lượng đặc biệt là năng lượng tái tạo; công nghệ tài chính (fintech); y tế, giáo dục; và đặc biệt là thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam với các Doanh nghiệp và tổ chức tài chính tại Singapore.
Trình bày tại hội thảo, ông Terrence Oh - đại diện Western Union (WUBS) - cho rằng dự kiến đến năm 2029, tăng trưởng của kinh tế Việt Nam sẽ đạt khoảng 175% so với năm 2019. WUBS cũng cho biết dự kiến trong 5 năm tới, những lĩnh vực, ngành nghề tăng trưởng nhanh nhất tại Việt Nam là các mặt hàng công nghệ cao, các trang thiết bị giao thông vận tải và các kim loại cơ bản, đồ nội thất, trang thiết bị điện tử.
[Diễn đàn Kinh tế phương Đông mở ra cơ hội mới cho vùng Viễn Đông]
Ngược lại, khai thác dầu mỏ và khí tự nhiên, công nghiệp giấy và bột giấy, các khoáng chất phi kim loại… sẽ là những ngành nghề có tốc độ tăng trưởng chậm nhất.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Xuân Thành - đại diện ngân hàng Standard Chartered tại Việt Nam, chiến lược phát triển kinh tế trong vòng 30 năm trước đây của Việt Nam là chiến lược “Kinh tế song hành,” trong đó duy trì vai trò quyết định, chi phối của lĩnh vực kinh tế nhà nước đồng thời mở cửa đón dòng vốn đầu tư nước ngoài và cho phép sự phát triển của lĩnh vực kinh tế tư nhân năng động.
Hội nhập kinh tế, mở cửa và các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là yếu tố chính của chiến lược kinh tế này. Điều này đã giúp Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới vào năm 2019 (theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới), chỉ đứng sau Singapore và xếp trên Malaysia, Thái Lan.
Ông Nguyễn Xuân Thành cũng cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục là nền kinh tế định hướng xuất khẩu và có sự dẫn dắt tăng trưởng từ FDI. Hội nhập kinh tế tiếp tục là yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển dài hạn của Việt Nam; đồng thời Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực khai thác sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu để thu hút FDI và nâng cấp, cải thiện các ngành nghề công nghiệp của mình.
Ông Nguyễn Xuân Thành cũng cho biết dự kiến đến năm 2035, hơn 50% dân số Việt Nam sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu. Lĩnh vực tiêu dùng sẽ là động lực tăng trưởng lớn nhất của kinh tế, quan trọng hơn 2 động lực tăng trưởng truyền thống là xuất khẩu và đầu tư.
Với xu hướng đó, Chính phủ Việt Nam đang tiến hành điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế của mình, theo hướng từ bỏ chiến lược “Kinh tế song hành” (giảm hỗ trợ đối với các doanh nghiệp Nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm thiểu sự phân tán, manh mún trong thực thi chính sách).
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam sẽ tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải để hỗ trợ các khu vực chế tạo sản xuất mới có chi phí nhân công và thuê đất thấp (như khu vực xung quanh Thành phố Hồ Chí Minh, đồng bằng sông Hồng và miền Trung…).
Cũng tại hội thảo, người tham dự đã được nghe đại diện Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF) trình bày về những kinh nghiệm trong việc khai thác, tận dụng những lợi ích, lợi thế do các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại đối với lợi thế cạnh tranh; và nghe đại diện tập đoàn YCH giới thiệu về dự án “Siêu cảng của Việt Nam” đang được YCH triển khai tại Vĩnh Phúc.
Diễn đàn FYIstival là sáng kiến tổ chức theo hình thức trực tuyến được SBF đưa ra vào tháng 8/2020, bao gồm các cuộc hội thảo, các thông tin tóm tắt về một thị trường, một quốc gia cụ thể và cung cấp nền tảng kết nối trực tuyến cho các doanh nghiệp tìm kiếm các đối tác tiềm năng nước ngoài.
Trong năm 2021, các sự kiện FYIstival sẽ tập trung vào những thị trường thuộc khu vực Nam Á, Nhật Bản và ASEAN./.