Kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang trong 7 tháng năm 2021 tăng 19,8%

Nhiều mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của tỉnh tiếp tục đà tăng trưởng. Riêng mặt hàng rau quả đạt kim ngạch 17,62 triệu USD, tăng 15,68% về lượng và 15,60% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang trong 7 tháng năm 2021 tăng 19,8% ảnh 1Sơ chế thanh long xuất khẩu ở Tiền Giang. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Ông Đặng Văn Tuấn, quyền Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang cho biết trong 7 tháng năm 2021, Tiền Giang đã đạt kim ngạch xuất khẩu 1,96 tỷ USD, tăng 19,8% so cùng kỳ năm trước và đạt 60,2% kế hoạch cả năm 2021.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm gần 85% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Đáng chú ý, nhiều mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của tỉnh tiếp tục đà tăng trưởng trong 7 tháng năm 2021; trong đó, có mặt hàng rau quả các loại.

Cụ thể, Tiền Giang đã xuất khẩu được trên 461 triệu USD các sản phẩm kim loại kể cả sản phẩm ống đồng, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước; sản phẩm giày, dép đạt kim ngạch gần 338 triệu USD, tăng 32,3% so cùng kỳ năm trước; xuất được trên 8.300 tấn rau quả các loại, đạt kim ngạch 17,62 triệu USD, tăng 15,68% về lượng và 15,60% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Đặng Văn Tuấn, Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang đã phát huy vai trò trong việc phối hợp Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cung cấp thông tin kịp thời về tình hình thị trường xuất khẩu nói chung đến các doanh nghiệp; đặc biệt, là các mặt hàng nông sản thế mạnh địa phương để các đơn vị chủ động sản xuất, kết nối thị trường và khách hàng, không để ách tắc chuỗi cung ứng cho thị trường xuất khẩu trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

[Kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang đạt 1,6 tỷ USD, tăng 20,3%]

Đồng thời, ngành thường xuyên liên hệ, nắm bắt tình hình xuất khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang… thông tin đến các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa.

Mặt khác, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nói riêng, doanh nghiệp nói chung tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến.

Từ đó, thúc đẩy tiêu thụ, mở rộng thị trường cho các mặt hàng có lợi thế của địa phương như thủy sản chế biến, nông sản, rau quả, trái cây… sang thị trường các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, EU… đặc biệt là các thị trường đang sớm khôi phục sau đại dịch COVID-19.

Ngoài ra, ngành Công Thương tỉnh Tiền Giang cũng chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm xuất khẩu trên sàn giao dịch điện tử của tỉnh cũng như tại gian hàng Việt trên các sàn thương mại điện tử khác như: Sendo, Shopee, Tiki, Voso, Postmart./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.