Chuyên gia: Châu Á cần chuẩn bị cho khủng hoảng năng lượng tiếp theo

Những gì các quốc gia châu Á cần thực hiện là thu hẹp sự bất đồng và bắt đầu xây dựng một kho dự trữ dầu liên châu Á sẽ góp phần ngăn ngừa tình trạng thiếu cung cầu khi bất ổn địa chính trị xảy ra.
Chuyên gia: Châu Á cần chuẩn bị cho khủng hoảng năng lượng tiếp theo ảnh 1Một cửa hàng bán xăng dầu ở New Delhi của Ấn Độ. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Giới chuyên gia cho rằng đã đến lúc các quốc gia châu Á phụ thuộc vào nhập khẩu dầu cần thiết xây dựng khả năng bảo vệ và sự ổn định trong một thị trường dầu thế giới đầy biến động.

Những gì các quốc gia châu Á cần thực hiện là thu hẹp sự bất đồng và bắt đầu xây dựng một kho dự trữ dầu liên châu Á sẽ góp phần ngăn ngừa tình trạng thiếu cung cầu khi những bất ổn địa chính trị xảy ra.

Hiện tại, đây dường như là một giải pháp không cần thiết khi giá dầu thế giới đã chạm mức thấp nhất trong 30 năm với lượng dầu dự trữ và nguồn cung "vàng đen" đang khá dồi dào.

Tuy vậy, những diễn biến của thị trường dầu thế giới không bao giờ có thể dự đoán trước một cách chính xác. Trong 50 năm qua, giá dầu đã tăng 200% hoặc 300% chỉ trong vài tuần vào 4 thời điểm khác nhau.

Sự biến động trên, xuất phát từ tình trạng bất ổn chính trị của nhiều khu vực sản xuất dầu và được kết hợp với sự đầu cơ mạnh mẽ trên thị trường giao dịch, là vấn đề 'đau đầu" đối với châu Á, vì dầu nhập khẩu đã trở nên có vai trò thiết yếu để đáp ứng với nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng ở châu lục này.

[Ngành dầu mỏ đối mặt với tình trạng sụt giảm đầu tư chưa từng thấy]

Trong thập niên qua, nhu cầu dầu trên toàn khu vực châu Á đã tăng gần 40% với dầu nhập khẩu tăng hơn 60% tại các nền kinh tế như Ấn Độ và Việt Nam.

Theo dữ liệu vừa được công bố trong đánh giá thống kê hàng năm về thị trường năng lượng thế giới của công ty dầu khí BP (Anh), hơn 50% số dầu được giao dịch trên thị trường quốc tế mỗi ngày hiện được tiêu thụ ở châu Á.

Hầu hết lượng dầu xuất khẩu của thế giới đến từ Trung Đông, nơi rủi ro xung đột vẫn còn cao trong khi phần lớn lượng dầu nhập khẩu của châu Á đều đi qua eo biển Hormuz - "điểm nóng" về tình hình an ninh của khu vực Trung Đông.

Tình trạng ngừng hoạt động do xung đột hoặc hành động khủng bố của eo biển Hormuz - với chiều rộng khoảng 33,8km ở cuối phía Nam của Vịnh Ba Tư từng gây quan ngại lớn cho các quốc gia nhập khẩu dầu ở châu Âu và Bắc Mỹ.

Năm 2018, lượng dầu nhập khẩu của các nước châu Á chiếm khoảng 75% trong số 21 triệu thùng dầu được vận chuyển qua eo biển Hormuz mỗi ngày.

Thời kỳ nguồn cung dầu dồi dào hiện nay có thể sẽ không kéo dài. Các công ty dầu mỏ lớn đã rút hàng tỷ USD khỏi những kế hoạch đầu tư của họ trong khi các doanh nghiệp quốc doanh lớn đang "tiếp bước" để chuyển sang các ưu tiên trước mắt hơn thay vì nâng cao doanh thu như trước đây.

Theo thời gian, mức đầu tư vào hoạt động sản xuất dầu sụt giảm ở các khu vực khác nhau trên thế giới chỉ có thể làm tăng thị phần của các nhà sản xuất như Saudi Arabia, Iraq và một ngày nào đó có thể là Iran.

Đối với các khu vực nhập khẩu như châu Á, việc sử dụng ngày càng tăng những nguồn cung dầu giá rẻ hiện tại có thể dễ dàng chuyển thành sự phụ thuộc với tất cả các rủi ro liên quan. Vì vậy, an ninh năng lượng nên là vấn đề quan tâm của mọi quốc gia ở châu Á.

Một thỏa thuận an ninh năng lượng tập thể có thể thiết lập lượng dầu dự trữ đáng kể do cả chính phủ và các công ty tư nhân nắm giữ và một cơ chế cho việc sử dụng của họ sẽ cung cấp một giải pháp ứng phó nguy cơ thiếu hụt nguồn cung "vàng đen" bất ngờ.

Một tiền lệ cho một sáng kiến như trên là thỏa thuận đã đạt được gần 50 năm trước đây trong bối cảnh các nhà sản xuất vùng Vịnh không bán dầu cho các quốc gia được coi là đã hỗ trợ Israel trong Chiến tranh Yom Kippur năm 1973.

Theo thỏa thuận này có tên Chương trình An ninh Năng lượng do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) quản lý - các nước ký kết sẽ thiết lập và sử dụng kho dầu dự trữ và trong trường hợp thiếu nguồn cung dầu nghiêm trọng.

Thỏa thuận đã được thực hiện ba lần, trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, cơn bão Katrina và Rita năm 2005 và gần đây nhất là trong cuộc nội chiến ở Libya năm 2011.

Trong mỗi trường hợp, việc sử dụng kho dầu dự trữ đã giúp ổn định thị trường "vàng đen" thế giới và ngăn chặn tình trạng mua vào một cách ồ ạt và thiếu kiểm soát. Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand là thành viên của thỏa thuận trên trong khi các nước châu Á còn lại không tham gia thỏa thuận này.

Tất cả quốc gia ở châu Á nhập khẩu dầu đều có mối quan tâm đến cơ chế ổn định như trên song một số nước, đặc biệt là Trung Quốc, có thể nghĩ rằng rủi ro có thể được quản lý bằng các thỏa thuận song phương với các nhà sản xuất.

Thỏa thuận được đề xuất giữa Trung Quốc và Iran, nơi Trung Quốc sẽ mua dầu được giảm giá của Iran trong 25 năm để đổi lấy các khoản đầu tư, chỉ là một ví dụ về những gì có thể được thực hiện.

Nhập khẩu dầu của Trung Quốc đã tăng từ 5 triệu thùng/ngày trong năm 2009 lên gần 12 triệu thùng/ngày trong năm 2019. Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã không ảnh hưởng tới xu hướng trên, khi nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng trở lại, lên tới hơn 11 triệu thùng/ngày trong tháng 5/2020 sau khi sụt giảm trong quý I/2020.

Một trở ngại cho thỏa thuận này là Trung Quốc dường như không thể chia sẻ chi tiết về các kho dự trữ chiến lược hoặc các mối quan hệ song phương với các nước sản xuất dầu như Venezuela và Angola, có thể cung cấp dầu cho Trung Quốc để đổi lấy các khoản vay và đầu tư rất cần thiết.

Tuy vậy, xu hướng tăng trưởng nhập khẩu không chỉ giới hạn ở Trung Quốc khi phần còn lại của châu Á chi phối thêm 15 triệu thùng dầu nhập khẩu/ngày với nhu cầu dầu tăng ở nhiều nước châu Á, trừ Nhật Bản.

Đối với hầu hết các nhà nhập khẩu dầu châu Á, chính sách dầu mỏ kiểu Trung Quốc không phải là một lựa chọn tối ưu. Sự ứng phó với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung dầu ở quy mô châu lục sẽ có ý nghĩa hơn đối với tất cả nền kinh tế châu Á nhỏ hơn và đối với những nước như Ấn Độ có tham vọng tăng trưởng dựa trên việc tăng gấp đôi mức tiêu thụ năng lượng trong 20 năm tới.

Trong khi đó, theo dự báo mới đây của IEA, đại dịch COVID-19 sẽ giáng một đòn mạnh vào kinh tế toàn cầu, bao gồm cả nhu cầu dầu mỏ trong năm nay, nhưng việc cắt giảm nguồn cung của các nước sản xuất dầu mỏ cộng với nhu cầu dự đoán tăng trở lại ở mức kỷ lục vào năm tới sẽ giúp cân bằng lại thị trường.

Báo cáo tình hình thị trường dầu mỏ hàng tháng công bố ngày 16/6 của IEA cho rằng nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ giảm 8,1 triệu thùng/ngày trong năm 2020, thấp hơn đôi chút so với dự báo hồi tháng trước, nhưng nhu cầu trong năm 2021 sẽ bật tăng trở lại ở mức kỷ lục 5,7 triệu thùng/ngày.

IEA nhận định nền kinh tế toàn cầu đã phần nào phục hồi trong thời gian gần đây sau một thời gian phong tỏa vì đại dịch COVID-19 cũng đã bắt đầu giúp nhu cầu dầu thô phục hồi.

Hồi tháng 4/2020, nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc đã trở lại gần bằng con số của một năm trước đó và nhu cầu dầu của Ấn Độ cũng tăng lên trong tháng 5/2020.

IEA đánh giá rằng nếu xu hướng phục hồi này tiếp tục trong những tháng tới và các nước sản xuất dầu chủ chốt vẫn kiên định với kế hoạch cắt giảm sản lượng của họ, thì thị trường sẽ phát triển khá ổn định từ nay cho tới cuối năm 2020.

Cũng theo IEA, sản lượng dầu thế giới trong tháng 6/2020 đã chạm mức thấp nhất 9 năm qua khi các nhà sản xuất dầu ứng phó với tình trạng nhu cầu dầu sụt giảm do khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Tuy nhiên, sản lượng “vàng đen” đang bắt đầu phục hồi. Mặc dù IEA cảnh báo dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại một số khu vực trên thế giới đã khiến những dự đoán về tương lai càng khó khăn hơn, nhưng tình hình thị trường dầu thế giới đang có sự cải thiện.

IEA cho hay trong tháng 6/2020, sản lượng dầu thế giới đã chạm mức thấp nhất trong 9 năm khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và một số quốc gia sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+, đã cắt giảm sản lượng dầu trong khi các nhà sản xuất dầu ở Mỹ cũng như những nước khác đã triển khai biện pháp ứng phó với tình trạng giá dầu tương đối thấp kéo dài và thu hẹp hoạt động sản xuất.

Kể từ tháng 7/2020, sản lượng dầu bắt đầu xu hướng gia tăng khi các nhà sản xuất phản ứng với những dấu hiệu cho thấy nhu cầu dầu đang phục hồi khi các lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lan rộng được nới lỏng.

Biện pháp phong tỏa mà nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu áp dụng hồi đầu năm 2020 nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan đã khiến nhu cầu dầu thế giới giảm mạnh khi hoạt động đi lại bị hạn chế và nhiều nhà máy đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng.

IEA ước tính nhu cầu dầu thế giới giảm 16,4 triệu thùng/ngày trong quý 2/2020 khi phần lớn khu vực châu Âu và Bắc Mỹ vẫn trong tình trạng áp dụng lệnh phong tỏa chống COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.