Một trong những đề xuất sẽ có tác động mạnh mẽ của đề án cải cách bảo hiểm xã hội chính là việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Tăng tuổi nghỉ hưu là một xu hướng ở trên thế giới và tại nhiều nước trong khu vực. Việt Nam cũng đang tính toán đến việc tăng tuổi nghỉ hưu để phù hợp quá trình già hóa dân số và đảm bảo tính cân đối của hệ thống bảo hiểm xã hội.
[Không có việc vỡ quỹ bảo hiểm xã hội vào năm 2025]
Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc phỏng vấn với ông Nuno Cunha, Chuyên gia cao cấp về an sinh xã hội, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về các vấn đề xung quanh việc tăng tuổi nghỉ hưu.
- Thưa ông, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang đề xuất hai phương án tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60, nam lên 62 hoặc nữ lên 60, nam lên 65, ông có quan điểm thế nào về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu này?
Ông Nuno Cunha: ILO đề xuất xây dựng một lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu và bắt đầu triển khai từ từ cho phép người dân và doanh nghiệp có thời gian để điều chỉnh. Đối với phướng án tăng tuổi nghỉ hưu đang được đề xuất theo tôi chỉ có một vấn đề, đó là vẫn còn sự khác biệt giữa tuổi nghỉ hưu của nam và nữ.
Nhiều người nói sẽ là công bằng nếu cho phép phụ nữ nghỉ hưu sớm vì bên cạnh làm việc họ còn thực hiện chức năng chăm sóc gia đình. Một số người cũng nói là phụ nữ cần nghỉ hưu sớm vì sức khỏe của họ không bằng nam giới. Những điều này hoàn toàn sai lầm, đó là tư duy lạc hậu không còn phù hợp.
Phụ nữ ngày nay có tuổi thọ cao hơn nam giới. Về nguyên tắc, sức khỏe của phụ nữ sau giai đoạn chăm sóc con cái bằng thậm chí tốt hơn sức khỏe đàn ông. Thực tế, phụ nữ họ khỏe hơn và làm việc nhiều hơn.
Nếu nghỉ hưu sớm, phụ nữ sẽ có lương hưu thấp hơn lương hưu của đàn ông do thời gian đóng góp ít hơn và thông thường phụ nữ có lương thấp hơn với nam giới (trong cùng công việc), trong khi thực tế là phụ nữ lại sống lâu hơn nam giới. Do vậy cách công bằng nhất là cần phải tiến tới cân bằng tuổi nghỉ hưu nam và nữ, cho phép phụ nữ nghỉ hưu với mức lương hưu cao hơn.
Tôi đề xuất nên tăng tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ lên 65 tuổi vì tôi muốn phụ nữ khi về hưu sẽ hưởng lương hưu cao hơn vì đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dài hơn.
- Dù là với một phương án tăng tuổi nghỉ hưu lên đến 60 hay 65 tuổi thì việc tăng tuổi nghỉ hưu luôn là vấn đề rất khó chấp nhận với người lao động, ông có thể lý giải thêm về nguyên nhân cần phải điều chỉnh tuổi nghỉ hưu?
Ông Nuno Cunha: Chúng tôi hiểu là không ai hài lòng với việc tăng tuổi nghỉ hưu, đây là một quyết định khó khăn. Tuy nhiên nếu nhìn vào số liệu về tuổi thọ trung bình, đặc biệt là tuổi thọ của những người sống từ 60 trở lên thì cần phải nghiêm túc tính toán việc tăng tuổi nghỉ hưu.
Ngày nay, một phụ nữ Việt Nam khi đạt đến tuổi 60 thì có tuổi thọ trung bình đến 81,6. Như vậy nếu nghỉ hưu ở tuổi 55, phụ nữ Việt Nam sẽ nhận lương hưu hơn 26 năm. Hãy tưởng tượng là nếu người này bắt đầu tham gia lao động từ 25 tuổi, tối đa có thể đóng được 30 năm (thậm chí ít hơn). Như vậy, đóng 30 năm để hưởng lương hưu 26 năm là điều không thể. Từ thực tế này, không hề khó để thấy được thách thức mà hệ thống bảo hiểm xã hội cần xử lý.
Thậm chí, tình hình ngày càng khó khăn hơn khi vấn đề cần giải quyết không chỉ là việc tuổi thọ tăng mà còn nằm ở một yếu tố khác. Đó là cấu trúc dân số, tỷ lệ số lao động trên người già sẽ giảm từ 6,6 (năm 2015) xuống còn khoảng 2 (năm 2025). Chúng tôi không tưởng tượng nổi hệ thống sẽ tồn tại như thế nào nếu các tham số như tuổi nghỉ hưu không được điều chỉnh.
- Vậy thì ngoài tăng tuổi nghỉ hưu, còn có những cách nào giúp cân đối quỹ bảo hiểm xã hội thưa ông?
Ông Nuno Cunha: Có ba phương án chính để đảm bảo bền vững tài chính của một hệ thống an sinh xã hội: Giảm chế độ, tăng tuổi nghỉ hưu và tăng tỷ lệ đóng góp.
Mỗi phương án đều có tác động khác nhau đến hệ thống an sinh và đồng thời tác động đến cả từng người dân và doanh nghiệp. Do đó, cần tìm được giải pháp cân bằng ba phương án trên, thực hiện hiện cải cách từ từ để đảm bảo người dân và doanh nghiệp có đủ thời gian để điều chỉnh. Đấy chính là cách đảm bảo tính bền vững về tài chính và về xã hội của hệ thống bảo hiểm xã hội
- Ông đánh giá thế nào về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đang được đề xuất?
Ông Nuno Cunha: Hiểu rõ được các thách thức với hệ thống nên các phương án đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu cũng có lộ tình điều chỉnh từ từ.
Theo đề xuất, đối với lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng và bắt đầu tăng từ năm 2020, cứ 4 năm sẽ tăng 1 tuổi nghỉ hưu, nghĩa là đến tận 2024 mới có người phụ nữ đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 56, năm 2028 mới nghỉ ở tuổi 57 và phải đến tận năm 2040 phụ nữ mới về hưu ở tuổi 60.
Với lộ trình mỗi năm tăng 4 tháng thì cứ 3 năm lại tăng một tuổi nghỉ hưu, phụ nữ sẽ về hưu ở tuổi 60 vào năm 2035.
Việc tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình từ từ như vậy cho phép người dân và nền kinh tế điều chỉnh theo.
- Nhiều ý kiến cho rằng, lao động tại Việt Nam hiện nay chủ yếu là lao động trực tiếp sản xuất trong điều kiện vất vả, thu nhập còn rất thấp. Thậm chí, nhiều người bị sa thải hoặc buộc phải nghỉ việc ở độ tuổi 35-40. Nâng tuổi nghỉ hưu đối sẽ càng thêm khó khăn cho họ, ông đánh giá thế nào về ý kiến này?
Ông Nuno Cunha: Nếu người lao động bị vắt kiệt sức lực và bị sa thải hoặc buộc nghỉ việc ở độ tuổi 35-40, thì bạn phải đồng ý với tôi rằng đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu từ hiện nay là 55 và 60 lên 56 và 61 vào năm 2024 sẽ không có tác động gì cả với vấn đề nêu ở trên. Điều mà hệ thống hưu trí có thể hỗ trợ người này là cho phép họ được nhận lương hưu ở độ tuổi 35 và 40, thế nhưng điều này rõ ràng là không thể.
Hệ thống bảo hiểm xã hội đã có các công cụ khác như bảo hiểm thất nghiệp trong trường hợp bị sa thải, tuy nhiên cũng có các phương thức khác như cải thiện điều kiện việc làm, nâng cao năng lực người lao động, thay đổi phương thức làm việc,…
Việt Nam là một quốc gia có dân số đang già hóa nhanh, do vậy xã hội và nền kinh tế cần quan tâm đến việc sử dụng tiềm năng của từng con người theo cách thức tốt hơn. Việt Nam rất cần phải đảm bảo điều kiện làm việc thích ứng với thể trạng của con người.
Tôi hiểu rằng mỗi người dân đều có mối quan tâm, và họ đều lo lắng khi tuổi nghỉ hưu tăng. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải hiểu rõ tác động của những thay đổi này là gì và các vấn đề về cơ cấu đòi hỏi phải có các cải cách hoặc các chính sách khác, nhưng nó không liên quan mấy đền đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu ở mức từ từ như vậy.
- Hiện nay, việc tính toán lương hưu đối với lao động Nhà nước và tư nhân đang còn có sự khác nhau, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Ông Nuno Cunha: Giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam bắt đầu xây dựng hệ thống hưu trí trước tiên cho khu vực Nhà nước với khá nhiều ưu đãi cho những người có đóng góp trong xây dựng phát triển kinh tế.
Tuy nhiên tiêu chuẩn quốc tế tốt đòi hỏi các chế độ trong khu vực công phải giống với khu vực tư nhân, giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang hòa nhập 2 hệ thống và những khác biệt về chế độ sẽ dần biến mất.
- Xin cảm ơn ông!