WB khuyến nghị chính sách liên quan đến cải cách bảo hiểm xã hội

Ngân hàng Thế giới đã phát hiện một số vấn đề quan trọng về hệ thống bảo hiểm xã hội để chia sẻ, cùng chung tay với Việt Nam đưa ra phương án giải quyết trong thời gian tới.
WB khuyến nghị chính sách liên quan đến cải cách bảo hiểm xã hội ảnh 1Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp ông Ousmane Dione Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chiều 5/4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp người có công đã làm việc với Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dione, lắng nghe những phân tích, khuyến nghị của các chuyên gia liên quan đến cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm hưu trí.

Theo Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione, sau hai năm làm việc với cơ quan hữu quan của Việt Nam, Ngân hàng Thế giới đã phát hiện một số vấn đề quan trọng về hệ thống bảo hiểm xã hội để chia sẻ, cùng chung tay với Việt Nam đưa ra phương án giải quyết trong thời gian tới.

Chia sẻ về chính sách hưu trí tại Việt Nam, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết hệ thống hưu trí của Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức đồng thời do tốc độ lão hóa nhanh. Cơ cấu, tỷ lệ thanh toán của hệ thống bảo hiểm xã hội cao hơn mức mà người lao động đóng vào. Số người ngừng đóng bảo hiểm xã hội hoặc rút ra khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội sớm. Nghỉ hưu sớm và tuổi nghỉ hưu cuối cùng thấp, chưa cập nhật với cuộc sống và sức khỏe của người dân được cải thiện, tuổi thọ của người dân cao hơn.

[Số tiền nợ các loại bảo hiểm lên tới 12.960 tỷ đồng trong quý 1]

Những cải cách về chính sách bảo hiểm xã hội mà Việt Nam thực hiện từ năm 2014 là đúng hướng nhưng chưa đủ mạnh và đủ xa để đáp ứng được các thách thức đang diễn ra. Việt Nam mở rộng độ phủ bảo hiểm xã hội nhưng nếu không có những cải cách về hệ thống, về mặt ngắn hạn có thể giải quyết được nhưng về trung và dài hạn, sự mất cân đối thu-chi sẽ tăng lên, từ 1,7% sẽ tăng lên 3% vì số người được hưởng sẽ tăng lên. Tổng tài sản Bảo hiểm xã hội Việt Nam hiện có đạt giá trị cao nhất, ở mức 12% GDP và sẽ về bằng 0 trong khoảng 2036-2042. Do vậy, nhu cầu cải cách mang tính chất hệ thống là cấp thiết và tất yếu.

Ngân hàng Thế giới đề xuất bốn nhóm giải pháp trụ cột cải cách hệ thống hưu trí, đó là làm cho hệ thống hưu trí nhà nước do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý bền vững hơn, khuyến khích sự tham gia của khu vực phi chính thức, xây dựng một tầng lương hưu xã hội cơ bản cho xóa đói giảm nghèo và từng bước mở rộng trụ cột hưu trí tư nhân để đa dạng hóa hệ thống hưu trí.

Giải pháp được Ngân hàng Thế giới đưa ra là tăng lương hưu với tỷ lệ thấp hơn tăng tiền lương, tỷ lệ điều chỉnh lương hưu tăng theo chỉ số lạm phát; độ tuổi nghỉ hưu của nam-nữ bằng nhau và nhích tăng dần tuổi nghỉ hưu; giảm tỷ lệ tích lũy và giảm khoảng cách lương hưu giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân sao cho công bằng hơn; cần xem xét lại phương pháp điều chỉnh mức hưởng theo chỉ số lương.

Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra những khuyến nghị về mặt bền vững tài chính của hệ thống với nhìn nhận nếu không cải cách, việc thâm hụt quỹ bảo hiểm xã hội sẽ bắt đầu từ năm 2030 và mức thâm hụt sẽ lên 2,5-3% GDP trong những năm 2060-2070.

Giải pháp đưa ra là cần hạn chế việc ngừng đóng bảo hiểm xã hội sớm và về hưu sớm, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu; cải thiện tỷ lệ sinh lời trên tài sản bảo hiểm xã hội đang có bằng cách cho phép đầu tư vào những tài sản có kỳ hạn dài hơn, cải tiến hiệu quả đầu tư quỹ và quản lý hành chính; tạo ra chính sách hưu xã hội và cần có chiến lược truyền thông tốt để thông tin đến công chúng.

WB khuyến nghị chính sách liên quan đến cải cách bảo hiểm xã hội ảnh 2Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp ông Ousmane Dione Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Đánh giá cao Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã chủ động nghiên cứu đánh giá về chính sách Bảo hiểm xã hội ở Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng đánh giá này là hữu hiệu, giúp Chính phủ hoàn thiện đề án cải cách bảo hiểm xã hội sẽ trình Bộ Chính trị quyết định trong Hội nghị Trung ương 7 tới đây.

Chính phủ đã giao cho Bảo hiểm xã hội, Bộ Tài chính cùng các cơ quan liên quan đánh giá chính sách bảo hiểm xã hội hiện hành. Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp người có công đã tổ chức đoàn nghiên cứu khảo sát với quy mô rộng tại các bộ, ngành, địa phương; gần hai năm qua đã cộng tác với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) để nghiên cứu chính sách này trên phạm vi toàn thế giới và tổ chức khảo sát ở 15 nước. Hiện đề án đã hoàn thành, gửi các cơ quan để chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 7 quyết sách về vấn đề này.

Theo Phó Thủ tướng, một số điểm trong đề án trùng khớp với nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, đó là cùng có chung nhìn nhận nhu cầu cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội của Việt Nam đã đến lúc cấp bách và chín muồi.

Những nội dung cơ bản về xu hướng cải cách là phù hợp với tài liệu nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, tài liệu nghiên cứu này giúp cho Chính phủ và bản thân Phó Thủ tướng với vai trò là người được giao thực hiện Đề án này thấy tự tin hơn là đã đi đúng hướng. Phó Thủ tướng khẳng định những nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới là căn cứ quan trọng để Chính phủ Việt Nam vững tin hơn trong việc đưa ra những quyết sách.

Phó Thủ tướng đã trao đổi thêm một số nội dung về mô hình dự báo cân đối quỹ bảo hiểm xã hội. Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Thế giới có sự phối hợp chặt chẽ hơn với Bảo hiểm xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Tổng cục Thống kê; trao đổi chia sẻ với Tổ chức Lao động quốc tế trong cập nhật các tham số, yếu tố đầu vào để đưa ra những dự báo sát hơn.

Việc đánh giá dự báo tài chính cần thường xuyên, định kỳ, đòi hỏi những chuyên gia có năng lực, đề nghị Ngân hàng Thế giới hỗ trợ Việt Nam đào tạo đội ngũ này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Phó Thủ tướng cảm ơn Ngân hàng Thế giới luôn sát cánh cùng Việt Nam thực hiện các cải cách quan trọng, tin tưởng với sự hỗ trợ đó, Việt Nam sẽ thành công trong quá trình cải cách./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục