Tiếp tục thông tin về tình hình Biển Đông, phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga đã có cuộc trò chuyện với ông Anton Svetov, chuyên viên điều phối các chương trình nghiên cứu Đông Nam Á của Hội đồng đối ngoại Nga và ông Alexay Fenenko, phó giáo sư Học viện ngoại giao Nga, chuyên viên Viện Nghiên cứu các vấn đề an ninh quốc tế thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga xung quanh vấn đề này.
Trung Quốc đang đơn độc
Theo ông Anton Svetov, giới lãnh đạo Trung Quốc hiện đang ở trong tình thế rất khó khăn. Một mặt Bắc Kinh cần phải giữ thể diện của một cường quốc có khả năng gây ảnh hưởng đối với các quốc gia láng giềng, song mặt khác, rất khó có thể hình dung một quốc gia nào đó trên thế giới lại ủng hộ hành động này của Trung Quốc. Nghĩa là thuyết “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc sớm hay muộn cũng sẽ bị phương hại và khi đó Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ phải đón nhận các hậu quả tiêu cực.
Các nước trong diện tranh chấp hoàn toàn có thể lợi dụng yếu điểm này của Trung Quốc để đưa ra đề nghị “nếu để yên thì sẽ im lặng,” và Việt Nam là một trong những nước đầu tiên có cơ hội giải quyết xung đột bằng phương pháp này.
Còn theo ông Alexay Fenenko, Trung Quốc không hề có một láng giềng tốt nào đúng nghĩa bởi với nước nào Trung Quốc cũng có xung đột lãnh thổ.
Vòng từ trái qua phải có thể thấy Trung Quốc tranh chấp lần lượt với Ấn Độ, Kyrgyzstan, Kazhakhstan, Nga, Nhật Bản, Philippines và Việt Nam. Rõ ràng khi Trung Quốc có vấn đề với tất cả các quốc gia láng giềng thì Bắc Kinh cần phải xem xét lại chính sách của mình.
Việt Nam được ASEAN ủng hộ
Ông Anton Svetov cho rằng ASEAN đã phối hợp tương đối khăng khít. Hội nghị thượng đỉnh vừa qua đã đưa ra được tuyên bố chung, không giấu giếm lời kêu gọi Trung Quốc giải quyết vấn đề một cách hòa bình.
Trong điều kiện một số nước thành viên ASEAN không tham gia vào tranh chấp và mong muốn giữ quan hệ tốt với Trung Quốc nhiều hơn là sự đoàn kết với các thành viên còn lại thì việc đưa ra được tuyên bố chung này là một thành công, chưa kể hội nghị thượng đỉnh năm nay lại diễn ra ở Myanmar, một trong những đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á.
Tại hội nghị lần trước ASEAN đã không thể thông qua văn kiện tổng kết chỉ vì lập trường không ủng hộ của Campuchia.
Các nước ASEAN đã thể hiện khả năng đàm phán nội bộ. Mặc dù ASEAN còn xa mới có thể đi tới sự đồng thuận hoàn toàn song đây là những bước đi tích cực đầu tiên.
Tùy thuộc vào việc các thành viên của ASEAN sẽ thỏa thuận với nhau như thế nào và các mối quan hệ nội bộ được củng cố đến đâu có thể sẽ xuất hiện tia hy vọng về việc ASEAN sẽ đoàn kết nhau lại để trở nên độc lập hơn về kinh tế trước Trung Quốc.
Các nước ASEAN dù sao cũng mong muốn các mối quan hệ ngang bằng, tuy ở mức thấp song an toàn hơn là ở mức cao với Trung Quốc song bất ổn.
Việt Nam có thể sử dụng biện pháp mạnh
Theo quan điểm của ông Alexay Fenenko, trong tương lai, Việt Nam cần xây dựng hạm đội hải quân hùng mạnh, có thể chưa cần phải sở hữu tàu sân bay song nhất thiết phải có lực lượng phòng vệ bờ biển đủ khả năng gây thiệt hại nặng nề cho đối phương nếu lợi ích quốc gia bị xâm hại.
Trong trường hợp Trung Quốc không rút giàn khoan khỏi vùng đặc quyền kinh tế, Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng các biện pháp mạnh để cưỡng chế hành vi trái phép này.
Nếu xảy ra tình huống này, theo ông Fenenko trước hết Mỹ sẽ ủng hộ, Nga, Nhật Bản, Philippines và cộng đồng quốc tế cũng sẽ có tiếng nói đồng thuận.
Ông Fenenko cho rằng vấn đề Biển Đông không phải quá khó để giải quyết mà vướng mắc cơ bản là ở lập trường của Bắc Kinh cho rằng tất cả thuộc về Trung Quốc, các nước xung quanh không có gì. Nếu vẫn giữ lập trường như vậy thì đương nhiên rất khó đối thoại./.