Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, Diễn đàn Triển vọng Khu vực 2023 (ROF 2023) đã được Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) tổ chức tại khách sạn Shangri-La ngày 10/1.
ROF là hội thảo do Viện ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore tổ chức hằng năm để phân tích các xu hướng và vấn đề lớn sẽ có tác động lớn nhất đối với khu vực Đông Nam Á trong ngắn hạn và trung hạn, đồng thời dự đoán diễn biến tình hình tại các quốc gia trong khu vực.
ROF 2023 được nối lại dưới hình thức trực tiếp sau 2 năm phải tổ chức trực tuyến do đại dịch COVID-19.
[Tân Tổng Thư ký ASEAN nêu bật 6 ưu tiên trong thời gian tới]
Diễn đàn thu hút sự quan tâm tham gia của các cựu quan chức và học giả hàng đầu khu vực.
Với chủ đề “Hiểu các động lực của sự thay đổi trong một thế giới bị gián đoạn,” ROF 2023 tập trung thảo luận về những tác động của các cuộc xung đột trên thế giới đối với môi trường an ninh khu vực Đông Nam Á, các động lực của sự thay đổi và gián đoạn trong bức tranh kinh tế khu vực, đồng thời thảo luận tình hình tại các nước Thái Lan, Myanmar, Malaysia và Indonesia.
Trả lời phòng vấn của phóng viên TTXVN bên lề diễn đàn, bà Sharon Seah, Điều phối viên và là chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu ASEAN thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak, nhận định trong bối cảnh ASEAN dự báo đối mặt nhiều thách thức trong năm 2023, ASEAN cần phải “hiện thực hóa” sự thống nhất, đoàn kết nội khối, cũng như thúc đẩy và thực thi một phiên bản rõ ràng hơn của “Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Theo bà Sharon Seah, trong năm nay, ASEAN sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức,- từ thách thức trước mắt đến từ các cuộc bầu cử tại Malaysia, Philippines trong năm 2022; bầu cử tại Campuchia, Thái Lan và Myanmar năm 2023, cho tới thách thức dài hạn liên quan việc duy trì sự đoàn kết, tính trung tâm của ASEAN trong một cục diện thế giới, khu vực đang thay đổi.
Bà Sharon Seah nhấn mạnh thách thức lớn nhất đối với ASEAN là triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ rất khó khăn trong năm nay.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống còn 2,7%.
Khoảng 1/3 số nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay, trong khi 2/3 số nền kinh tế còn lại cũng gặp khó khăn khi phải ứng phó các vấn đề gián đoạn nguồn cung, lạm phát, giá cả leo thang...
Trong bối cảnh đó, bà Sharon Seah cho rằng nước Chủ tịch ASEAN năm 2023 là Indonesia cần thực hiện hài hòa các hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)... để tối đa hóa lợi ích của khối, bởi thương mại là lĩnh vực sống còn đối với ASEAN./.