Chuyên gia: Sở Giao thông Vận tải cấm GrabTaxi là sai về mặt luật pháp

Theo các chuyên gia kinh tế và luật sư, dịch vụ kết nối GrabTaxi hoạt động kinh doanh taxi không làm thay đổi bản chất của hoạt động này và việc các Sở GTVT nghiêm cấm là sai về mặt luật pháp.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Theo một số chuyên gia kinh tế và luật sư, tích hợp dịch vụ kết nối GrabTaxi hoạt động kinh doanh taxi không làm thay đổi bản chất của hoạt động này và việc các Sở Giao thông Vận tải nghiêm cấm là sai hoàn toàn về mặt luật pháp.

Sự hiểu nhầm

Liên quan đến việc Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Grab dừng hoạt động tại 3 địa phương (Bà Rịa - Vũng Tàu, Thừa Thiên - Huế và Lâm Đồng) không nằm trong đề án thí điểm và sẽ tiếp tục xử lý nghiêm, Grab Việt Nam đã có phản hồi chính thức.

[Grab dừng hoạt động ‘chui’ tại 3 tỉnh không nằm trong thí điểm]

Theo đó, bà Nguyễn Thu An, Giám đốc Truyền thông Grab Việt Nam cho rằng, việc hạn chế chỉ áp dụng đối với GrabCar chứ không phải toàn bộ các dịch vụ Grab như dư luận hiểu nhầm.

“Hiện nay, Grab chỉ triển khai GrabTaxi và GrabBike tại 3 thị trường này chứ chưa có dịch vụ GrabCar,” bà An khẳng định.

Theo bà An, dịch vụ GrabTaxi không can thiệp vào giá cước cũng như cách vận hành, quản lý xe và tài xế của các đơn vị taxi. Giá cước hiển thị trên ứng dụng Grab chỉ là ước tính để hành khách tham khảo, căn cứ trên giá cước của các đơn vị taxi và dự kiến quãng đường di chuyển. Khách hàng vẫn trả số cước được hiển thị trên đồng hồ tính cước của xe taxi, theo đúng quy định tại Điều 6 Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô.

Bên cạnh đó, GrabTaxi là một trong những dịch vụ được tích hợp trong ứng dụng Grab, đã được đăng ký với Bộ Công thương là ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử có phạm vi hoạt động trên toàn quốc và được vận hành hoàn toàn hợp pháp theo quy định của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử.

“Sự hiểu nhầm này không những đã tạo ra rào cản rất lớn đối với các Sở Giao thông Vận tải và các doanh nghiệp taxi trong quá trình làm việc và hợp tác với Grab Việt Nam, mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động hợp pháp của Grab Việt Nam và các đối tác của đơn vị,” bà An khẳng định.

Sai về mặt luật pháp

Phân tích vấn đề này, các chuyên gia kinh tế và luật sư cho rằng, tích hợp dịch vụ kết nối GrabTaxi hoạt động kinh doanh taxi không làm thay đổi bản chất của hoạt động này và việc các Sở Giao thông Vận tải nghiêm cấm là sai về mặt luật pháp.

Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên VIAC-Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO thẳng thắn nhìn nhận, trong các điều kiện kinh doanh áp dụng cho hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi không có bất kỳ yêu cầu nào về hình thức kết nối giữa hành khách và tài xế hay giữa hành khách với doanh nghiệp taxi.

“Tại sao phải xin phép Sở Giao thông Vận tải trước khi thực hiện. Các Sở dựa trên căn cứ nào để đồng ý hay không? Hành vi cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp đã được quy định rất rõ tại Điều 6 của Luật Cạnh tranh. Trước đây đã có một số quyết định bị Bộ Công thương tuýt còi do vi phạm quy định này,” Luật sư Đức đặt ra câu hỏi.

Ông Trần Hữu Huỳnh, nguyên Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nếu áp dụng công nghệ mới để liên kết giữa taxi với khách hàng thì không có cơ sở nào để các Sở Giao thông Vận tải địa phương xét duyệt, cấp phép.

[‘Cơn bão’ Uber, Grab: Hình hài xe taxi hay chỉ kết nối công nghệ?]

Có chăng, theo ông Huỳnh, các hợp tác xã, hãng taxi chỉ cần thông báo tới Sở đã áp dụng công nghệ Grab để Sở biết để làm căn cứ khi có khiếu nại của khách hàng.

“Áp dụng công nghê GrabTaxi không làm ảnh hưởng đến cạnh tranh giữa các hãng taxi, cung cấp thêm cho người tiêu dùng một lựa chọn kết nối thuận tiện," ông Huỳnh đánh giá.

Phó giáo sư-tiến sỹ Ngô Trí Long, chuyên gia Kinh tế nhấn mạnh, ứng dụng kết nối lái xe với khách hàng là sản phẩm của cách mạng công nghiệp 4.0. Khởi đầu từ các doanh nghiệp nước ngoài như Uber, Grab, nhưng hiện nay đã lan tỏa rất mạnh sang các doanh nghiệp Việt Nam.

Thừa nhận một số hãng taxi lớn của Việt nam đã tự xây dựng phần mềm kết nối riêng của mình để cạnh tranh và nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, ông Long đưa ra lập luận, không phải đơn vị taxi nào cũng đủ tiềm lực để xây dựng phần mềm kết nối riêng.

Vì thế, ông đưa ra sự nghi ngờ, việc ngăn cản các doanh nghiệp, hợp tác xã taxi nhỏ sử dụng dịch vụ kết nối của Grab cần phải được làm rõ xem động cơ là gì, có phải nhằm bảo kê cho sự độc quyền trên địa bàn của một số hãng taxi nào đó hay không?

“Đã có trường hợp một địa phương nằm trong phạm vi thí điểm xe hợp đồng điện tử báo cáo lên Bộ Giao thông Vận tải lý do từ chối triển khai GrabCar, đại ý là vì chờ mãi không thấy Grabcar đến, nên đã cho doanh nghiệp khác triển khai và bây giờ hết chỗ cho GrabCar,” ông Long lấy dẫn chứng cụ thể./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục