Giá dầu thế giới tăng trong phiên 12/4 trong bối cảnh tình trạng phong tỏa tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) được nới lỏng và sản lượng dầu và khí đốt ngưng tụ của Nga giảm xuống mức thấp của năm 2020.
Trong khi đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cảnh báo không có khả năng “lấp” khoảng trống nguồn cung năng lượng từ Nga.
Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc tăng 6,16 USD/thùng (6,3%) lên 104,64 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 6,31 USD/thùng (6,7%) lên 100,60 USD/thùng. Trong phiên 11/4, giá hai loại dầu chủ chốt này đều giảm khoảng 4%.
Thành phố Thượng Hải của Trung Quốc đã được xếp vào khu vực có rủi ro thấp sau 14 ngày không báo cáo số ca mắc COVID-19 mới.
[Giá dầu châu Á tăng khi thị trường bớt lo ngại về nhu cầu ở Trung Quốc]
Trong khi đó, OPEC cảnh báo tổ chức này sẽ không thể thay thế nguồn dầu và các chất lỏng khác bị thiếu hụt từ Nga, lên tới 7 triệu thùng/ngày, trong trường hợp có các lệnh trừng phạt hoặc các hành động điều chỉnh sản lượng tự nguyện.
Ngày 11/4, hai nguồn thạo tin cho biết sản lượng dầu và khí đốt ngưng tụ của Nga đã giảm xuống dưới 10 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020, do các lệnh trừng phạt và hạn chế logistics làm cản trở hoạt động động giao dịch.
Các nguồn tin cho hay sản lượng dầu trung bình của Nga đã giảm hơn 6% xuống 10,32 triệu thùng/ngày trong thời gian từ 1-11/4, so với mức 11,01 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2022.
Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa áp lệnh cấm vận lên dầu Nga, tuy nhiên một số ngoại trưởng cho biết lựa chọn này đã được đưa ra thảo luận.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của Công ty dịch vụ tài chính OANDA (Mỹ) cho hay thị trường dầu vẫn "dễ bị tổn thương" bởi một cú sốc lớn nếu lĩnh vực năng lượng Nga bị đưa vào danh sách trừng phạt.
Trong ngày 12/4, OPEC đã hạ dự báo sản lượng chất lỏng của Nga xuống khoảng 530.000 thùng/ngày cho năm 2022, song cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới, do tác động của căng thẳng Nga-Ukraine, giá dầu thô tăng cao và sự bùng phát dịch COVID-19 tại Trung Quốc.
Các nước thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đang có kế hoạch giải phóng 240 triệu thùng trong vòng sáu tháng tới kể từ tháng 5/2022 trong nỗ lực hạ nhiệt thị trường.
Mặc dù động thái này sẽ giúp làm giảm bớt tình trạng thiếu hụt nguồn cung ngay lập tức, song các nhà phân tích cho rằng điều này sẽ không giải quyết được tình trạng thiếu hụt mang tính cơ cấu và các kho dự trữ sẽ cần được bổ sung.
Một cuộc thăm dò sơ bộ của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ có khả năng đã tăng 1,4 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 8/4 sau khi giảm trong ba tuần liên tiếp./.