Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Israel có tính bổ sung

Ước tính trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam sang Israel đạt trên 600 triệu USD và nhập khẩu từ thị trường này khoảng đạt 160 triệu USD.
Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Israel có tính bổ sung ảnh 1Chế biến hạt điều xuất khẩu. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Trong 8 tháng đầu năm 2019, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Israel đạt 677,0 triệu USD, trong đó Việt Nam tiếp tục duy trì xuất siêu với trị giá 395,4 triệu USD.

Phóng viên TTXVN dẫn lời ông Lê Thái Hòa, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Israel, cho biết trong bối cảnh tình hình chính trị và an ninh tại Israel có nhiều diễn biến căng thẳng phức tạp, chính quyền nước này ngày càng siết chặt các biện pháp quản lý về an toàn thực phẩm, gây tâm lý e ngại cho doanh nghiệp và ít nhiều ảnh hưởng tới giao dịch thương mại của doanh nghiệp cũng như xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này, dẫn tới tốc độ xuất khẩu giảm nhẹ trong 8 tháng đầu năm 2019.

Kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh, chủ yếu do giảm nhập khẩu nhóm hàng máy tính và linh kiện điện tử, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng và phân bón các loại.

Ước tính trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam sang Israel đạt trên 600 triệu USD và nhập khẩu từ thị trường này khoảng đạt 160 triệu USD.

Trong bối cảnh tình hình tại địa bàn thị trường có nhiều khó khăn và nhạy cảm, dự báo nếu không tiếp tục có gì biến động lớn gây ảnh hưởng tới thị trường, cả năm 2019 xuất khẩu của Việt Nam sang Israel có thể đạt trên 800 triệu USD, tăng nhẹ so với năm 2018, và nhập khẩu từ Israel đạt khoảng 250 triệu USD.

[Trao đổi thương mại Việt Nam-Israel có thể đạt hơn 800 triệu USD năm]

Cũng theo ông Hòa, nhìn chung, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước có tính bổ sung cho nhau, không bị cạnh tranh trực tiếp. Những mặt hàng Israel có nhu cầu nhập khẩu cũng là những mặt hàng xuất khẩu Việt Nam có thế mạnh.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp Israel bày tỏ quan tâm, đặt vấn đề muốn nhập khẩu trực tiếp các mặt hàng lương thực, thực phẩm như hạt điều, thủy hải sản các loại gồm cá ngừ, tôm đông lạnh, mực, nước giải khát các loại..., hay hàng dệt may, giày dép, hàng tiêu dùng và gia dụng, đồ dùng và vật dụng thể thao, trái cây chế biến và sấy khô từ Việt Nam.

Đáng chú ý, trong 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu giày dép tăng mạnh ở mức 27.3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi mặt hàng thủy sản lại giảm tới 32,1%, cà phê giảm 15,6%.

Tuy nhiên, mặt hàng gạo, cụ thể là sản phẩm gạo thơm, hạt dài, 5% tấm, đóng bao 5kg, và tôm đông lạnh chế biến đóng gói tiếp tục xâm nhập và có chỗ đứng ổn định và được phân phối trên thị trường Israel./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.