Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu sang Nga

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên bang Nga hiện đang có nhu cầu thúc đẩy hợp tác với các nước thân thiện, trong đó có Việt Nam.
Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu sang Nga ảnh 1Công nhân thực hiện phân loại kích cỡ tôm trong các nhà máy chế biến thủy sản. (Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN)

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên bang Nga hiện đang có nhu cầu thúc đẩy hợp tác với các nước thân thiện, trong đó có Việt Nam. Đây là cơ hội rất lớn để doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường Liên bang Nga trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm, chế biến, may mặc, giày dép.

Ông Dương Hoàng Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Liên bang Nga cho hay, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nga đang có chiều hướng suy giảm, cụ thể là nhóm hàng máy tính, sản phẩm điện tử, điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, giày dép, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng.

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nga vừa kiến nghị Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ sớm phối hợp với Liên bang Nga tổ chức họp liên Chính phủ, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực thanh toán, vận tải hàng hóa, di chuyển của các thương nhân.

Cùng với đó, gần đây các chuỗi siêu thị, doanh nghiệp của Nga đang rất quan tâm đến việc thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư với Việt Nam. Số lượng các công ty Nga sang Việt Nam tham dự các hội chợ triển lãm, tìm kiếm cơ hội kinh doanh xuất nhập khẩu với Việt Nam ngày càng tăng.

Do đó, Thương vụ Việt Nam tại Nga đề xuất Cục Xúc tiến thương mại, các sở công thương địa phương, hiệp hội ngành hàng quan tâm hỗ trợ các đối tác Nga tham dự các sự kiện triển lãm tại Việt Nam.

Với các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp, ông Dương Hoàng Minh khuyến nghị, căng thẳng giữa Nga và Ukraine có những diễn biến rất khó lường, khó dự báo. Do đó, các hiệp hội và doanh nghiệp có hợp tác với thị trường Nga cần theo dõi sát tình hình thị trường để có các biện pháp ứng phó phù hợp.

[Nhật Bản mở rộng danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu sang Nga]

Trước khi giao dịch, ký hợp đồng ngoại thương cần tiến hành tìm hiểu, kiểm tra kỹ về đối tác (có thể thông qua Thương vụ). Nội dung của hợp đồng cần đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam.

Để thúc đẩy xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường Nga, doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm tham dự các hội chợ triển lãm lớn tại Nga. Cơ quan quản lý nên khuyến khích, hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại khoảng 10 - 15 doanh nghiệp tham dự các triển lãm chuyên ngành cụ thể như may mặc, đồ gỗ, thực phẩm, đồ uống, cà phê, chè, công nghiệp, cơ khí chế tạo tại Nga trong năm nay.

Ngoài ra, Cục Xúc tiến Thương mại, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ phối hợp kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với Công ty Leroy Merlin East chuyên về bán lẻ vật liệu xây dựng, đồ nội thất, ngoại thất tại Liên bang Nga-công ty con của Tập đoàn Leroy Merlin để đưa hàng vào chuỗi siêu thị bán lẻ Leroy Merlin tại Nga.

Tập đoàn sẽ cử đoàn công tác sang làm việc trực tiếp với các đối tác Việt Nam nếu tìm được khoảng 10 – 15 doanh nghiệp.

Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sản xuất sản phẩm cơ khí, điện, điện tử, tiêu dùng, đồ nội thất, ngoại thất, vật liệu xây dựng thâm nhập thị trường và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang Liên bang Nga, ông Dương Hoàng Minh cho biết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.