Cơ hội hợp tác kinh doanh-đầu tư với bang Andhra Pradesh của Ấn Độ

Andhra Pradesh là một trong những bang phát triển năng động nhất Ấn Độ, địa phương này có tiềm năng hợp tác với Việt Nam trên lĩnh vực thủy sản, nông sản, dệt may, CNTT, cảng biển, logistics.
Cơ hội hợp tác kinh doanh-đầu tư với bang Andhra Pradesh của Ấn Độ ảnh 1Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Thanh Hải phát biểu khai mạc hội thảo trực tuyến với chủ đề "Cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh giữa bang Andhra Pradesh và Việt Nam". (Ảnh: Ngọc Thúy/TTXVN)

Tiếp tục chương trình tăng cường thông tin thị trường Ấn Độ tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, chiều 12/4, Văn phòng thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp với Ban Phát triển Kinh tế bang Andhra Pradesh, Đông Nam Ấn Độ tổ chức hội thảo trực tuyến "Cơ hội hợp tác đầu tư và kinh doanh giữa bang Andhra Pradesh và Việt Nam."

Tham gia hội thảo về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Thanh Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á và châu Phi, Bộ Công Thương Việt Nam-ông Đỗ Quốc Hùng, Tham tán Thương mại tại Ấn Độ Bùi Trung Thướng, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư-thương mại và hội chợ triển lãm Cần Thơ, bà Nguyễn Kim Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam VIMC, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam, ông Lê Quang Trung.

Về phía Ấn Độ có Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sỹ Madan Mohan Sethi, Trưởng ban thư ký đặc biệt phụ trách Thương mại và Công nghiệp chính quyền bang Andhra Pradesh, ông R Karikal Valaven.

Ngoài ra, tham gia chương trình còn có lãnh đạo, đại diện Bộ Thủy sản, Bộ Nông nghiệp, Bộ Công nghệ Thông tin, Bộ Dệt may, Ban phát triển hàng hải, Ban phát triển kinh tế bang Andhra Pradesh cùng nhiều đại diện khác từ các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp Ấn Độ.

Hội thảo trực tuyến đã thu hút sự theo dõi của gần 100 doanh nhân hai nước.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại sứ Nguyễn Thanh Hải cho biết mặc dù tốc độ phát triển kinh tế trên toàn thế giới năm 2022 giảm do dịch COVID-19, thiên tai, xung đột tại một số khu vực và lạm phát, song Việt Nam vẫn là quốc gia có khả năng chống chịu khi đạt tốc độ tăng trưởng GDP 8,02%, thuộc nhóm cao nhất trong khu vực và thế giới.

Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021.

Bên cạnh đó, Việt Nam được xem là điểm đến thu hút FDI nhờ có môi trường kinh tế vĩ mô ổn định và khả năng kiểm soát tốt lạm phát.

Ông Sethi, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh, đánh giá các khu vực và tỉnh thành của Việt Nam đang phát triển và đạt được nhiều thành tựu kinh tế đáng kể.

Theo ông, hiện có khoảng 300 công ty Ấn Độ đang hoạt động và kinh doanh tại Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế và tài chính chiến lược của Việt Nam.

Ông Sethi nhận xét rằng hầu hết các tỉnh thành của Việt Nam đều đang trong giai đoạn phát triển khác nhau và được kết nối khá tốt bằng đường cao tốc và một số bằng đường hàng không.

Các tỉnh ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đóng vai trò quan trọng trong sản xuất các mặt hàng lương thực, trái cây và sản phẩm từ biển.

Một số tỉnh có ngành công nghiệp chế biến phát triển lớn trong khi những tỉnh khác đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực chế biến thực phẩm.

[Cơ hội cho DN Việt Nam trong chính sách ngoại thương mới của Ấn Độ]

Phó Giám đốc trung tâm xúc tiến đầu tư Cần Thơ, bà Nguyễn Kim Ngọc đã giới thiệu tới hội nghị những tiềm năng phát triển của tỉnh.

Bà khẳng định Cần Thơ là điểm đến an toàn, hiệu quả cho các nhà đầu tư Ấn Độ. Cần Thơ có nguồn nguyên liệu phong phú, cơ sở hạ tầng hiện đại kết nối các khu vực bằng đường biển, hàng không, đường bộ, hạ tầng khu công nghiệp được xây dựng hiện đại, đồng bộ.

Định hướng phát triển của Cần Thơ là trở thành thành phố trung tâm hiện đại phát triển kinh tế xanh.

Cơ hội hợp tác kinh doanh-đầu tư với bang Andhra Pradesh của Ấn Độ ảnh 2Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh, Tiến sỹ Madan Mohan Sethi phát biểu tại hội thảo trực tuyến. (Ảnh: Ngọc Thúy/TTXVN)

Theo ông Valarmathi Valaven, Chính quyền bang Andhra Pradesh luôn tạo nhiều điều kiện hỗ trợ cho các nhà đầu tư, kinh doanh nước ngoài hoạt động tại bang.

Cụ thể, bang áp dụng chính sách thúc đẩy đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở trang thiết bị cơ bản, tạo điều kiện cho hoạt động logistics.

Ông cũng đánh giá cao vai trò của chính quyền bang trong việc thúc đẩy hoạt động trao đổi thương mại đầu tư với các doanh nghiệp Việt Nam.

Ông đề nghị chính phủ, cơ quan hai bên cùng nỗ lực, hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động kết nối, qua đó giúp tạo ra thêm nhiều việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động.

Bang Andhra Pradesh có nhiều lợi thế để phát triển hoạt động kinh doanh, thương mại với đường bờ biển dài 974km, 6 cảng biển lớn, 6 sân bay và mạng lưới hơn 123.000km đường bộ, 3.965km đường sắt.

Bên cạnh đó, bang có cơ cấu lao động trẻ với hơn 70% dân số ở trong độ tuổi lao động.

Andhra Pradesh là một trong những bang phát triển năng động nhất Ấn Độ trong 5 năm qua. Địa phương này có tiềm năng hợp tác với Việt Nam trên lĩnh vực thủy sản, nông sản, dệt may, công nghệ thông tin, cảng biển, logistics.

Mục tiêu của hội thảo lần này là khám phá các khả năng tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai bên cũng như thu hút đầu tư toàn cầu vào Việt Nam và Andhra Pradesh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.