Cơ hội tăng xuất khẩu hàng Việt vào Thái Lan qua Tập đoàn Central

Thái Lan là một trong những thị trường còn nhiều tiềm năng xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam, tuy nhiên chưa có nhiều hàng hóa Việt Nam thâm nhập được vào các hệ thống phân phối, bán lẻ tại Thái Lan.
Cơ hội tăng xuất khẩu hàng Việt vào Thái Lan qua Tập đoàn Central ảnh 1Hội thảo quy chuẩn hàng hóa vào hệ thống phân phối, nhập khẩu quốc tế tại Thái Lan được tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Thái Lan là một trong những thị trường còn nhiều tiềm năng xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam ở khu vực ASEAN, tuy nhiên muốn khai thác hiệu quả thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược phù hợp và kiên trì theo đuổi mục tiêu.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo quy chuẩn hàng hóa vào hệ thống phân phối, nhập khẩu quốc tế tại Thái Lan do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Tập đoàn Central Group Việt Nam tổ chức ngày 7/5.

Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC cho biết, Việt Nam và Thái Lan đều là thành viên của cộng đồng ASEAN, có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại.

Hàng hóa Thái Lan hiện diện tại Việt Nam rất nhiều và được người tiêu dùng đánh giá cao tuy nhiên ở chiều ngược lại, chưa có nhiều hàng hóa Việt Nam thâm nhập được vào các hệ thống phân phối, bán lẻ tại Thái Lan.

Cùng nhận định, ông Nich Reitmeier, Phó Chủ tịch điều hành, Giám đốc Thu mua ngành hàng thực phẩm, ẩm thực quốc tế và thức uống có cồn Central Group Thái Lan cho biết, Central Group là một trong những hệ thống thu mua, phân phối, bán lẻ lớn nhất tại Thái Lan và đang hoạt động hiệu quả tại Việt Nam với chuỗi siêu thị Big C.

Tại Việt Nam, Central Group có khoảng 40.000 nhà cung ứng, trong đó hơn 90% là hàng Việt Nam. Tuy nhiên, tại Thái Lan, mới có khoảng 50 sản phẩm hàng hóa Việt Nam có mặt trong các siêu thị thuộc Central Group, chủ yếu là càphê và trái cây sấy.

Theo ông Nich Reitmeier, các sản phẩm Việt Nam, đặc biệt là nông sản có chất lượng tốt, hương vị cũng rất ngon nhưng chưa phát triển được thị trường ở Thái Lan vì nhiều nguyên nhân.

[Thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa vào Nhật Bản thông qua Tập đoàn AEON]

Việt Nam có lợi thế về chủng loại sản phẩm phong phú nhưng doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng tới việc xây dựng thương hiệu và cung cấp thông tin sản phẩm cho người tiêu dùng Thái Lan, mẫu mã, sản phẩm cũng chưa đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người Thái Lan.

“Tôi đã ăn bánh phồng tôm của Việt Nam và thấy ngon hơn rất nhiều so với các loại bánh tương tự ở Thái Lan, đây là sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu lớn nhưng doanh nghiệp này chưa có chiến lược xuất khẩu phù hợp.

Cụ thể, ngôn ngữ chính trên bao bì vẫn là tiếng Việt, chỉ có một dòng chữ tiếng Anh bên sườn hộp, trong khi người Thái Lan chỉ quen với sản phẩm có tiếng Anh và cả tiếng Thái.

Ngoài ra người Thái cũng quan tâm đến những câu chuyện liên quan đến quá trình tạo ra sản phẩm hay các màu sắc bắt mắt và đó là những điều cơ bản đầu tiên mà doanh nghiệp Việt phải thay đổi ngay nếu muốn đẩy mạnh xuất khẩu vào Thái Lan,” ông Nich Reitmeier nêu dẫn chứng.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch phụ trách Trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững Tập đoàn Central Group Việt Nam cho biết, Central Group mong muốn tìm kiếm nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể cung ứng cho Central Group Thái Lan nhằm đưa nhiều hàng hóa Việt Nam vào với hệ thống phân phối trên toàn cầu của Central, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam xuất khẩu, không chỉ vào thị trường Thái Lan mà còn tiếp cận các thị trường khác. 

Tuy nhiên, Thái Lan không phải là một thị trường dễ tính mà đòi hỏi các tiêu chuẩn chất lượng rất cao. Cụ thể, với hàng hóa là thực phẩm, đồ uống phải có chứng nhận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Thái Lan (FDA Thailan), trên bao bì phải công khai đầy đủ, cụ thể các thành phần nguyên liệu có trong sản phẩm, với hàng điện tử phải thông qua cơ quan quản lý công nghiệp…

Thời gian xem xét cấp chứng nhận của các cơ quan Thái Lan là từ 3-6 tháng với các sản phẩm thông thường, với một số sản phẩm đặc biệt như thực phẩm dành cho trẻ em có thể kéo dài tới 2 năm.

Có thể nói, các tiêu chuẩn chất lượng hàng nhập khẩu của Thái Lan vào hàng khó trên thế giới nhưng đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam bởi nếu xuất khẩu được vào Thái Lan thì có thể dễ dàng tiếp cận các thị trường khó tính khác, trong khi chi phí thâm nhập thị trường Thái Lan khá rẻ, vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam vào Thái Lan cũng rất thuận tiện.

Chia sẻ kinh nghiệm trở thành nhà cung ứng cho thị trường Thái Lan, bà Trần thị Xuân Quyên, Trưởng phòng cấp cao phát triển khách hàng - kênh bán hàn đại siêu thị của Tập đoàn Unilever Việt Nam cho biết, để trở thành nhà cung ứng và đạt được doanh số cao trong các kênh phân phối đa quốc gia, doanh nghiệp phải đáp ứng và duy trì các tiêu chuẩn đã cam kết từ đầu trong suốt quá trình cung ứng.

Thêm vào đó, doanh nghiệp phải xác định chính xác phân khúc thị trường, thị hiếu của khách hàng mục tiêu để có sản phẩm phù hợp.

Theo bà Trần Thị Xuân Quyên, với những trường hợp thị trường mục tiêu có cơ cấu sản phẩm tương đồng như Thái Lan doanh nghiệp phải thường xuyên phát triển sản phẩm mới, tạo ra các giá trị khác biệt và có chiến lược truyền thông hiệu quả mới có thể thu hút được khách hàng.

Hơn hết, người tiêu dùng thường ưu tiên lựa chọn nhãn hàng quen thuộc, vì vậy các doanh nghiệp mới thâm nhập cần phải kiên trì trong việc xây dựng thương hiệu và tạo ra động lực thay đổi thói quen tiêu dùng của thị trường. Kinh nghiệm thực tế là doanh nghiệp nào duy trì việc tiếp thị sản phẩm qua 3 năm thì khả năng tăng doanh số ở những năm tiếp theo là rất cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.