Cơ hội và thách thức trong đào tạo, bồi dưỡng báo chí

Cục Báo chí ( phối hợp với Viện Đào tạo nâng cao báo chí Thụy Điển tổ chức Hội thảo "Cơ hội và thách thức trong đào tạo, bồi dưỡng báo chí."

Ngày 5/11, tại tỉnh Ninh Bình, Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với Viện Đào tạo nâng cao báo chí Thụy Điển (FOJO) tổ chức Hội thảo "Cơ hội và thách thức trong đào tạo, bồi dưỡng báo chí," thu hút hơn 40 cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí và phóng viên đến từ các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế tham dự. 

Tại hội thảo, các đại biểu được nghe Cục trưởng Cục Báo chí Hoàng Hữu Lượng trình bày tham luận "Truyền thông tại Việt Nam - cái nhìn tổng thể về sự phát triển của báo chí Việt Nam và nhu cầu đào tạo nâng cao báo chí."

Đại diện Đại sứ quán Thụy Điển tổng kết những thành tựu của Dự án SIDA hỗ trợ cho truyền thông Việt Nam giai đoạn 1996-2013. Bà Anette Novak (chuyên gia FOJO) giảng về nội dung "Truyền thông thế giới, làm thế nào để quản lý và đào tạo trong sự biến đổi nhanh chóng của toàn cầu hóa" và "Nhìn về tương lai của truyền thông Việt Nam, những thách thức và cơ hội."

Theo Chủ tịch Hội đồng cố vấn và đào tạo báo chí Đỗ Quý Doãn, toàn cầu hóa là một xu thế tất yếu khách quan, đã và đang tác động mạnh mẽ tới tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội ở mọi quốc gia trên thế giới. Nhờ sự phát triển của công nghệ số, thế giới trở thành ngôi nhà chung, do đó báo chí và truyền thông đã có sự biến đổi chưa từng có. Báo chí truyền thống, báo chí đa phương tiện... đã trở thành nhân tố của toàn cầu hóa, thúc đẩy toàn cầu hóa ngày càng sâu sắc.

Hội thảo "Cơ hội và thách thức trong đào tạo, bồi dưỡng báo chí" là diễn đàn để các đại biểu đóng góp ý kiến về những cơ hội và thách thức trong lĩnh vực phát triển truyền thông, đào tạo những người làm báo Việt Nam, qua đó tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác giữa Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ báo chí của Việt Nam với các tổ chức đào tạo và phát triển báo chí, đặc biệt là Viện Đào tạo nâng cao báo chí Thụy Điển trong tương lai.

Một số đại biểu đề nghị, thời gian tới, đào tạo báo chí và phát triển nghiệp vụ báo chí phải mang hơi thở cuộc sống, công nghệ đào tạo trong lĩnh vực báo chí truyền thông cần đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội.

Trong thời gian hoạt động ở Việt Nam từ năm 1998 đến nay, Viện Đào tạo nâng cao báo chí Thụy Điển đã góp phần hình thành Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ báo chí, thực hiện chức năng tổ chức các khóa bồi dưỡng nâng cao về kỹ năng nghiệp vụ báo chí cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên ở các cơ quan báo chí trên toàn quốc; tập huấn, phổ biến kiến thức, các kỹ năng nghiệp vụ tuyên truyền về những sự kiện đặc biệt, đợt thông tin đột xuất; tổ chức các dịch vụ tư vấn liên quan đến hoạt động báo chí.

Từ năm 1999, Chính phủ Thụy Điển đã hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực thông tin, được triển khai ở tất cả các loại hình báo chí cho mọi đối tượng, từ lãnh đạo cơ quan báo chí cho đến phóng viên, biên tập viên. Thông qua dự án 'Đào tạo nâng cao báo chí Việt Nam,” đã có 5.000 nhà báo Việt Nam được học qua các lớp bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ báo chí./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục