Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước: Quyền lực của dòng tiền 'khôn'

Những tranh cãi “lùm xùm” về cổ đông chiến lược tại các doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian qua, cho thấy có rất nhiều vấn đề nổi cộm trong công tác cổ phần hóa.
Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước: Quyền lực của dòng tiền 'khôn' ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Chính phủ liên tục cam kết thúc đẩy cổ phần hóa mạnh mẽ tại các doanh nghiệp Nhà nước. Nghị định số 58/2016/QĐ-Ttg về Tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước đã xác định rõ danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa đến năm 2020 với tên tuổi nhiều tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn.

Tuy nhiên, những tranh cãi “lùm xùm” về cổ đông chiến lược tại các doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian qua, cho thấy có rất nhiều vấn đề nổi cộm trong công tác cổ phần hóa.

[Công bố quyết định thanh tra cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam]

Bài 1: Gần một thập kỷ 'se duyên' Habeco và Carlsberg

Gần đây nhất, Chính phủ và các Bộ ban, ngành đã phải vào cuộc trước những tranh cãi tại Hãng phim truyện Việt Nam, khi mà các nghệ sỹ đồng thời là người lao động đồng loạt lên tiếng, bất bình với phương thức quản trị và hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư tại Hãng phim truyện Việt Nam.

Hay như những vướng mắc trong đàm phán thoái vốn tại Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco), cổ đông chiến lược Carlsberg – Đan Mạch sau gần một thập kỷ “se duyên” đã không mang lại những giá trị kỳ vọng như cam kết ban đầu, thêm vào đó là sự dạn nứt thậm chí là mâu thuẫn với các cổ đông hiện hữu.

Lẽ phải thuộc về… ba bên?

Trong những cuộc tranh luận giữa cơ quan chủ quản, nhà đầu tư và các nghệ sỹ liên quan đến vụ việc của Hãng phim truyện Việt Nam, mỗi bên đều có những lý lẽ riêng .

Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ ra, phương án cổ phần hóa được thực hiện công khai, đúng quy định pháp luật với ý kiến thống nhất 100% của cán bộ, nghệ sỹ.

Chủ sở hữu mới của Hãng phim truyện Việt Nam thì cho rằng, họ đầu tư lại nhà nhằm mục đích phục vụ sản xuất phim. Việc làm phim như vậy là vẫn đang được duy trì, thậm chí Công ty còn có kế hoạch xây dựng các đoàn làm phim nhằm tạo ra nhiều việc làm hơn cho nghệ sỹ. Họ còn cam kết sẽ giải quyết các chế độ cho các nghệ sỹ thỏa đáng.

Tuy nhiên, các nghệ sỹ lại cho rằng quá trình cổ phần chưa minh bạch và khách quan cũng như cần xem xét lại việc thực hiện những cam kết của chủ đầu tư đối với cán bộ, nghệ sỹ và người lao động.

Dưới góc nhìn của Bộ Tài chính, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp nhấn mạnh, các phương án cổ phần hóa đều được đưa ra công khai và người lao động hoàn toàn có thể cho ý kiến ngay từ ban đầu.

“Quy trình  cổ phần hóa, kế hoạch thực hiện sẽ được phổ biến cho người lao động rõ ràng đồng thời giới thiệu cổ đông chiến lược, những thế mạnh, hạn chế đều được nêu ra. Một phương án cổ phần hóa không được người lao động đồng thuận sẽ phải dừng lại,” ông Tiến nói.

Song người lao động có vẻ đang đứng trên thế yếu, bởi trong thực tế, để nắm vững một quy trình cổ phần hóa cũng hiểu rõ cụ thể mọi nội dung trong các phương án cổ phần hóa thường phải là những người có chuyên môn.

Bài học đắt giá

Theo các chuyên gia kinh tế, một trong những giải pháp để đạt mục tiêu và hiệu quả của tiến trình cổ phần hóa mà Chính phủ đã đặt ra, cũng như nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa là thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược quốc tế.

 

Về lý thuyết, việc thu hút nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sẽ có những tác dụng tích cực, như cải thiện hoạt động kinh doanh, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Việc tìm kiếm đối tác chiến lược không phải là dễ và đòi hỏi nhiều thời gian, chi phí… Song kể cả khi tìm được đối tác chiến lược rồi, những mâu thuẫn về mục tiêu của các bên cũng thường xảy ra, khiến quá trình hợp tác không mang lại những giá trị như sự kỳ vọng ban đầu.

Câu chuyện sau cổ phần hóa tại Habeco có thể là bài học kinh nghiệm cho các doanh nghiệp khi đưa ra các quyết định lựa chọn cổ đông chiến lược.

Cụ thể, hãng bia Carlsberg trở thành cổ đông chiến lược tại Habeco từ năm 2008, tỷ lệ ở hữu trên 17 %. Tại thời điểm đó, nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm có gần 170 kinh doanh trong ngành bia quốc tế này đã đưa ra những cam kết vô cùng “hấp dẫn” hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nếu trở thành cổ đông chiến lược, như công tác đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao kỹ thuật công nghệ, trang thiết thiết bị tiên tiến, phát triển thị phần nội địa, nâng cao hoạt động quản trị công ty…

Tuy nhiên sau 10 năm hợp tác, người đại diện cho vốn chủ sở hữu Nhà nước tại Habeco đã rất thất vọng lên tiếng, nhà cổ đông chiến lược đến từ Đan Mạch không thực hiện được những “lời hứa màu hồng,” thay vào đó họ nắm rõ đường đi, nước bước hoạt động kinh doanh cũng như tất cả hệ thống phân phối, phương thức phát triển thị trường của Habeco.

Cuối cùng, Carlsberg cũng đã thể hiện sự nôn nóng muốn "thôn tính" Habeco, với nguyện vọng mua lại 51% cổ phần của Nhà nước.

Việc trở thành cổ đông chiến lược, Carlsberg đương nhiên sẽ được ưu tiên mua cổ phần khi Nhà nước rút vốn. Với lợi thế đó, nhà đầu tư này muốn ép giá thấp hơn so với mức giá đang giao dịch trên thị trường chứng,  khiến cho kế hoạch thoái vốn của Nhà nước tại Habeco vẫn “giẫm chân” trong thời gian qua.

Một trường hợp tương tự, Tập đoàn Diageo - Anh, nhà sản xuất rượu mạnh lớn nhất toàn cầu, với tiếng tăm và tiềm lực mạnh mẽ đã dễ dàng nắm trong tay 45,5% cổ phần tại Công ty cổ phần cồn rượu Hà Nội – Halico. Tuy nhiên, mối lương duyên này cũng không mang lại sự phát triển như kỳ vọng cho thương hiệu Việt có trăm năm lịch sử như Halico. Thậm chí, kết quả kinh doanh của Công ty liên tục giảm sút và nhãn hiệu Vodka Hà Nội một thời đình đám thì nay vắng bóng trên thị trường một cách khó hiểu.

Theo chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Võ Trí Thành, Nhà nước phải làm rõ mục tiêu cổ phần hóa tại các doanh nghiệp là khác nhau. Nếu là mục tiêu bán vốn, Nhà nước chỉ cần thu tiền về và đầu tư vào các công việc khác. Hay, mục tiêu hợp tác phát triển ngành nghề của doanh nghiệp, thì lúc này cam kết của nhà đầu tư rất cần thiết và phải tìm một nhà đầu tư chiến lược thích hợp.

Như trường hợp của Hãng phim truyện Việt Nam, ông Thành cho rằng không nhất thiết phải suy nghĩ cố hữu, “duy trì làm nghệ thuật, không nhất thiết phải tiếp tục giữ nguyên doanh nghiệp, tại vị trí cũ và đúng ngành nghề. Nhà đầu tư cũng có thể xây dựng một dự án kinh doanh mới, sau đó họ có thể sử dụng lợi nhuận thu được làm nghệ thuật với một vị thế khác, ở một công ty khác. Mỗi phương án cổ phần hóa luôn phải đầy đủ yếu tố mục đích và thị trường”./.

Ông Phan Đức Trung, Trưởng Ban Cải cách và Phát triển Doanh nghiệp – CIEM

Bài 2: Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chậm vì thiếu hấp dẫn

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.