Nghị định 144/2020/NĐ-CP ra đời một mặt góp phần “cởi trói” giúp các cuộc thi hoa hậu trong nước được đà “mọc như nấm sau mưa,” cho phép tổ chức các cuộc thi sắc đẹp không giới hạn số lượng mỗi năm, song quyết định này cũng dẫn đến một “thị trường hoa hậu” bát nháo. Đặc biệt, kéo theo đó là vô vàn rắc rối đằng sau những cuộc thi bị trùng tên, gây hiểu nhầm cho công chúng cùng những màn tranh chấp tên gọi vô tiền khoáng hậu...
Để tránh những hệ luỵ không đáng có này, đại diện Cục Bản quyền tác giả cho biết sẽ có điều khoản bổ sung trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Sở hữu trí tuệ.
Sẽ có quy định rõ ràng, chặt chẽ
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa diễn ra sáng nay, 24/3, Phó Cục Trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phạm Thị Kim Oanh thông tin, năm 2022, Cục này nhận được hồ sơ đăng ký và đã cấp Giấy chứng nhận bản quyền cho Công ty Minh Khang tác phẩm viết Kịch bản chương trình cuộc thi Hoa hậu Hòa Bình Việt Nam 2023 theo trình tự thủ tục hồ sơ nộp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật.
“Cũng vào thời điểm đó năm 2021, Công ty Sen vàng có nộp hồ sơ để đăng ký hai tác phẩm, và chúng tôi đã cấp Giấy chứng nhận bản quyền cho Kịch bản cuộc thi nhan sắc Miss Grand Vietnam-Hoa hậu Hòa bình Việt Nam vào ngày 8/4/2022, và tác phẩm mỹ thuật ứng dụng logo Miss Grand Vietnam-Hoa hậu Hòa bình Việt Nam vào ngày 10/5,” bà Kim Oanh cho biết.
Theo bà Kim Oanh, trong quá trình nộp hồ sơ này cũng như các thủ tục kèm theo, Công ty Sen vàng đã nộp văn bản cho phép của Tổ chức Hoa hậu Hòa Bình quốc tế đó là Miss Grand International cùng với các nhãn hiệu hàng hóa Miss Grand International đã được bảo vệ tại Việt Nam. Do đó, trên cơ sở các thông tin, hồ sơ Cục Bản quyền tác giả đã cấp cho các bên liên quan theo trình tự pháp luật.
“Tuy nhiên, sau khi chúng tôi cấp giấy chứng nhận cho Công ty Sen Vàng và đang tổ chức việc xem xét xin ý kiến các cơ quan liên quan để tổ chức các cuộc thi theo quy định của Cục Nghệ thuật biểu diễn thì Công ty Minh Khang có xin đổi lại tên. Đó không còn là kịch bản cuộc thi Hoa hậu Hòa Bình Việt Nam 2023 nữa mà thành kịch bản cuộc thi Hoa hậu Hòa Bình Việt Nam. Lúc đó, phía Công ty Sen Vàng đã có văn bản phát ra cùng với văn bản của tổ chức quốc tế liên quan đến vấn đề bản quyền. Do đó, chúng tôi đã dừng việc cấp đổi của Công ty Minh Khang lại,” bà Oanh cho hay.
Trước thực trạng tranh chấp tên gọi các cuộc thi nhan sắc như hiện nay, đại diện Cục Bản quyền tác giả cho rằng mặc dù tên gọi của các tác phẩm không phải là một đối tượng độc lập được bảo hộ theo điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ, nhưng trên thực tế vừa qua cũng đã có tình trạng một số cá nhân, tổ chức lợi dụng việc này để gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức khác.
Để kịp thời ngăn chặn việc này, bà Kim Oanh cho biết: “Trong dự thảo nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan đang trình các cấp có thẩm quyền lên Chính phủ để ban hành thực thi luật đã có một điều bổ sung trong quy định về tên gọi của các tác phẩm. Đó là quy định đối với việc đặt tên cho tác phẩm thì không được vi phạm khoản 2 điều 7 của Luật Sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan.”
Theo đại diện Cục Bản quyền tác giả, đây là nội dung được bổ sung cho chặt chẽ trong quy định của pháp luật nhằm hạn chế những tranh chấp tương tự như trường hợp tên gọi cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam.
Tranh chấp “hòa bình” giữa thời bình
Trở lại câu chuyện tranh chấp trên, năm 2022, hai công ty cùng tổ chức và lấy tên gọi tiếng Việt giống nhau - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam, dù tên tiếng Anh của mỗi bên là Miss Grand Vietnam (Công ty Sen Vàng) và Miss Peace Vietnam (Công ty Minh Khang). Cho tới nay, cả hai đơn vị đều khẳng định mình mới là đại diện duy nhất có quyền sở hữu đối với tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam.
Vụ việc tiếp tục được “làm nóng” khi trưa ngày 22/3 vừa qua, đơn vị tổ chức cuộc thi Miss Peace Vietnam đã họp báo tại Hà Nội để thông tin về hai kết quả giám định của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ về việc sử dụng tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam do phía Công ty Minh Khang sở hữu.
[Miss Grand International sẽ quay trở lại Việt Nam vào năm 2023]
Trong kết quả giám định đó khẳng định không có căn cứ cho thấy việc Công ty Minh Khang sử dụng tên chương trình Hoa hậu Hòa bình là xâm phạm quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu “Miss Grand International” mà Công ty Sen Vàng được cấp quyền cho thực hiện tổ chức cuộc thi “Miss Grand Vietnam.”
Theo trưởng ban tổ chức Miss Peace Vietnam, bà Nguyễn Thị Thanh Thùy (nghệ danh Thùy Dương), đơn vị tổ chức Miss Grand International đã đăng ký và được bảo hộ nhãn hiệu Miss Grand International, MGI tại Việt Nam nhưng chưa có bất kỳ thông tin nào cho thấy đơn vị này đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Hoa hậu Hòa bình Việt Nam...
Vụ tranh chấp tên cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam kể trên không phải cá biệt. Giữa tháng 2/2023 vừa qua, tổ chức Miss Universe Organization thông báo: “Unicorp không còn quyền sử dụng tài sản trí tuệ của Miss Universe Organization, gồm thương hiệu Miss Universe và cả tên gọi theo bản dịch tiếng Việt - Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam vì giấy phép của họ không được gia hạn do đấu thầu thất bại.”
Tuyên bố này đưa ra cùng yêu cầu phía Công ty cổ phần Hoàn vũ Sài Gòn (Unicorp) - đơn vị 15 năm tổ chức Miss Universe Vietnam chấm dứt việc dùng tên gọi tiếng Việt Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đã “châm ngòi” cho cuộc tranh chấp giữa đôi bên.
Đáng nói, việc đơn vị tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam bị “nẫng tay trên” trong thương vụ mua bán bản quyền với chủ sở hữu mới kéo theo hệ lụy có thể có 2 cuộc thi trùng tên “Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam” sẽ diễn ra tại Việt Nam thời gian tới, khiến “thị trường hoa hậu” hai năm qua vốn đã bùng nổ nay càng thêm... loạn. Điều này đã dẫn tới tình huống cả hai công ty đang quyết liệt tranh giành tên gọi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam./.