Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình: Điểm đến thu hút du khách yêu thiên nhiên

Là ngôi nhà chung của 47 cá thể gấu, cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình đã tham gia vào bản đồ du lịch Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn về công tác cứu hộ và bảo vệ động vật hoang dã.
Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình: Điểm đến thu hút du khách yêu thiên nhiên ảnh 1Du khách quốc tế tham quan, tìm hiểu tại Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)

“Một ngày đến tham quan khu bảo tồn gấu ở Ninh Bình, em được trang bị những kiến thức rất hữu ích về hoạt động phúc lợi động vật, sẵn sàng nói KHÔNG với sử dụng mật gấu và thấy được mình cần phải có trách nhiệm hơn trong bảo vệ động vật hoang dã nói riêng, bảo vệ thiên nhiên, môi trường sống nói chung” là chia sẻ của Hoàng Lam Khuê, học sinh trường Phổ thông Trung học Chuyên Đại học Ngoại ngữ khi nói về chuyến dã ngoại của mình mới đây.

Lam Khuê cũng bày tỏ mong muốn sẽ có dịp được quay trở lại đây để cùng các bạn tham gia thêm nhiều hoạt động bảo tồn gấu của trung tâm.

Tổ chức tham quan, trải nghiệm cho học sinh chỉ là một trong nhiều hoạt động được Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình tổ chức nhằm gắn việc bảo tồn gấu với phát triển du lịch.

Thời gian qua, cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình chú trọng việc phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm, gắn với bảo vệ loài gấu và lồng ghép nhiều chương trình giáo dục, nhằm lan tỏa thông điệp nâng cao ý thức bảo vệ động vật hoang dã tới cộng đồng.

Ngôi nhà chung cho những cá thể gấu bị buôn bán trái phép

Nằm cách thành phố Ninh Bình khoảng 40km theo trục đường Cúc Phương-Bái Đính, Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình đặt tại xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, nổi bật giữa bạt ngàn cây xanh với hệ thống nhà gấu, khu bán hoang dã, là nơi nhiều cá thể gấu đang được sống với môi trường tích cực.

Cơ sở được thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn nuôi giữ hiện đại với 8 khu bán hoang dã với tổng diện tích trên 22.000 m2, tạo cho gấu không gian sống gần với tự nhiên. Ở đây có hồ nước để cho gấu bơi lội, có các bậc sàn cao, bãi cỏ để cho gấu leo trèo, tắm nắng, chơi đùa cùng nhau.

Gấu ngựa được đưa về Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình trong những trường hợp khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là nạn nhân của việc nuôi nhốt lấy mật hoặc của việc buôn bán trái phép động vật hoang dã.

[Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình: Nơi những cá thể gấu được về với tự nhiên]

Qua khảo sát tại Việt Nam, hiện có hàng trăm cá thể gấu bị nuôi nhốt, ngược đãi trong môi trường hết sức chật hẹp và tồi tàn. Cá biệt, có nhiều cá thể gấu bị lạm dụng chích hút mật dẫn đến sức khỏe bị suy giảm nghiêm trọng.

Trước thực trạng này, năm 2016, Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã nước Việt tại Ninh Bình, trực thuộc FOUR PAWS Quốc tế (một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực phúc lợi động vật, có trụ sở chính tại Thủ đô Viên, nước Áo) đã đầu tư xây dựng Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình.

Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình: Điểm đến thu hút du khách yêu thiên nhiên ảnh 2Các cá thể gấu sau khi được cứu hộ được sống ở môi trường bán hoang dã. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ FOUR PAWS Quốc tế (Áo) , nhiều cá thể gấu cũng như các động vật hoang dã bị nuôi nhốt trong các điều kiện không phù hợp với tập tính của loài đã được cứu trợ thành công. Trong đó, việc cứu trợ các cá thể gấu ngựa đã đạt được những thành công ngoài mong đợi.

Hiện Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình thực hiện 1 quy trình khép kín bao gồm: nắm thông tin từ phía các cơ quan chức năng, hoặc người dân trình báo - sau đó cán bộ, nhân viên của Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình tới tận nơi để khảo sát, thăm khám sức khỏe của mỗi cá thể gấu để có phương án thích hợp vận chuyển về cơ sở.

Về tới Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình, các cá thể gấu được cách ly 21 ngày. Trong thời gian này, gấu tiếp tục được thăm khám, điều trị bệnh rồi đưa vào 1 trong 3 nhà gấu tại Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình.

Tại mỗi nhà gấu, hằng ngày các cán bộ, nhân viên của Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình đều dọn dẹp vệ sinh và cho gấu ăn. Khẩu phần của mỗi cá thể gấu gồm 4kg thức ăn/ngày chia 3 bữa với các loại rau, củ, quả, trứng luộc, mật ong.

Qua quá trình chăm sóc phục hồi sức khỏe, các cá thể gấu dần thích nghi với môi trường mới, sức khỏe bình phục và tinh thần ổn định.

Ba nhà gấu của Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình đều sát các khu vực bán hoang dã được rào chắn cẩn thận. Khi ở môi trường mới, các cá thể gấu sẽ quen dần với hiệu lệnh của cán bộ, nhân viên chăm sóc và hòa nhập vào các khu vực bán hoang dã. Như vậy là kết thúc 1 quy trình cứu trợ gấu.

Với mục tiêu hỗ trợ các loài động vật yếu thế một cách nhanh chóng và trực tiếp, cán bộ, nhân viên của cơ sở đã tìm đến nhiều tỉnh, thành để giải cứu các cá thể gấu bằng sự thuần thục, chuyên nghiệp.

Gắn bảo tồn gấu với phát triển du lịch

Không chỉ cứu hộ và chăm sóc cho những cá thể gấu, từ năm 2019, Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình đưa vào thử nghiệm và triển khai mô hình gắn bảo vệ loài gấu với phát triển du lịch bền vững.

Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình: Điểm đến thu hút du khách yêu thiên nhiên ảnh 3Các em học sinh tham quan, tìm hiểu tại Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)

Trải nghiệm mô hình, du khách được tham quan, chứng kiến cảnh sinh hoạt ngoài trời của những chú gấu từ tuyến đường tour skywalk trên cao dài 250 mét.

Đặc biệt, du khách sẽ có khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa khi trải nghiệm triển lãm tương tác về loài gấu. Triển lãm gồm 3 phần tương ứng với 3 chòi.

Chòi 1 với tên gọi: "Xin chào đây là gấu" giới thiệu thông tin về tám loài gấu trên thế giới qua những trang sách khổng lồ. Chòi 2: "Thế giới 1m vuông" đưa du khách đến với câu chuyện cuộc đời của những chú chú gấu bị nuôi nhốt nhiều năm để con người khai thác mật.

Đồng thời, du khách sẽ hiểu được quy trình cứu hộ gấu của Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình tại đây. Chòi số 3 với tên gọi: "Những chú gấu hạnh phúc" sẽ mang đến cho du khách trải nghiệm dí dỏm ngắm nhìn những tư thế nằm, ngồi, chơi đùa của các bạn gấu tại cơ sở bảo tồn.

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu của các nhóm du khách mong muốn tìm hiểu sâu hơn về cuộc sống của gấu và công việc của những người chăm sóc gấu, Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình cung cấp dịch vụ tham quan có hướng dẫn trong khu vực nội bộ vào thứ năm, thứ bảy và Chủ nhật hàng tuần.

Để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch mong muốn tìm hiểu sâu hơn về cuộc sống của gấu và công việc của những người chăm sóc gấu, bên cạnh việc cung cấp dịch vụ tham quan có hướng dẫn, Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình có các hoạt động tham gia triển lãm, hội thảo, thi viết.

Cơ sở kết nối với các trường học thiết kế các chương trình giáo dục trải nghiệm theo yêu cầu, phù hợp với lứa tuổi như "Hướng dẫn bé làm đồ ăn cho gấu," "Em biết gì về gấu"...

Sau trải nghiệm các hoạt động tại cơ sở và tìm hiểu về cuộc sống của gấu cũng như công việc của những người chăm sóc gấu, chị Phùng Phương Loan (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thấy nơi đây thú vị hơn nhiều so với nhiều tour du lịch trước đây mình đã từng trải nghiệm. Ở đây, tôi không chỉ được nhìn các bạn gấu mà còn nghe những câu chuyện về các bạn ấy đã được cứu hộ và bảo tồn như thế nào. Sau trải nghiệm, tôi thấy có ý thức hơn về vấn đề bảo vệ động vật hoang dã nói chung.”

Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình đang dần trở thành điểm đến thu hút du khách yêu thiên nhiên. Trong năm 2022, cơ sở đã đón hơn 10.000 lượt khách và nhận được rất nhiều đánh giá tích cực, đặc biệt là từ khách quốc tế và các nhóm học sinh.

Anh Đinh Văn Thế, Công ty Cổ phần dịch vụ du lịch Ninh Bình, đánh giá mô hình gắn bảo vệ loài gấu với phát triển du lịch bền vững mà Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình đang triển khai rất tiềm năng, bởi ở Việt Nam hiếm có những mô hình như thế.

"Cơ sở nên tổ chức nhiều chương trình khảo sát điểm đến du lịch cho các đơn vị lữ hành, chuyên gia du lịch để kết nối, quảng bá mô hình du lịch đặc sắc này. Bên cạnh đó, đơn vị cũng cần tăng tính liên kết với các cơ sở, điểm đến khác trong và ngoài tỉnh để tạo tính đa dạng, phong phú cho loại hình sản phẩm du lịch này," anh Đinh Văn Thế chia sẻ.

Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình đã tham gia vào bản đồ du lịch như một điểm đến hấp dẫn về công tác cứu hộ và bảo vệ động vật hoang dã.

Cùng với các hoạt động cứu hộ nhân đạo, cơ sở vận hành mô hình du lịch bền vững kết hợp giáo dục thay đổi hành vi thông qua các thông điệp "Hãy đối xử với động vật bằng sự tôn trọng, cảm thông và thấu hiểu" và "Nói không với các sản phẩm từ động vật hoang dã" hay "Mỗi hành động nhỏ sẽ góp phần tạo ra hiệu quả lớn trong bảo vệ thiên nhiên và môi trường."

Sự nỗ lực không ngừng của cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình trong việc phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm đã góp phần lan tỏa thông điệp kêu gọi nâng cao ý thức bảo vệ động vật hoang dã tới cộng đồng.

Mặc dù phát triển mô hình du lịch nhưng Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình luôn đảm bảo không quá ồn ào để tránh ảnh hưởng đến các cá thể gấu. Chính vì vậy, số tour trong ngày và số lượng người trong tour được hạn chế ở mức phù hợp.

Ngoài ra, các hoạt động dành cho du khách tại cơ sở phải tuân thủ nguyên tắc tôn trọng phúc lợi động vật và lồng ghép nhiều chương trình giáo dục nâng cao nhận thức về phúc lợi động vật và bảo vệ động vật hoang dã cho cộng đồng.

Bà Ngô Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã nước Việt, mong muốn việc triển khai mô hình du lịch này ở Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình sẽ góp phần xây dựng các sản phẩm du lịch bền vững, góp phần tạo nên hình ảnh riêng của du lịch Ninh Bình đối với du khách.

Bà Ngô Thị Mai Hương cho biết thêm thời gian tới cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình sẽ tiếp tục mở rộng xây dựng thêm 3 nhà nuôi dưỡng gấu, 8 khu bán hoang dã và xây dựng khu giáo dục ngoài trời, khu vực triển lãm phục vụ du khách, phấn đấu nơi đây sẽ trở thành điểm đến lý tưởng về du lịch sinh thái tại Ninh Bình.

Song song với đó, các hoạt động về du lịch, về giáo dục liên tục sẽ được đẩy mạnh quảng bá đến các trường học, các buổi triển lãm được triển khai ở các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Cơ sở cũng sẽ liên kết phối hợp cùng với các nhà hàng, khách sạn, những địa điểm du lịch cùng chung định hướng phát triển, để kết hợp quảng bá các thông điệp du lịch bền vững đến với mọi người./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Cổng nhà rêu phong cùng phần mái ngói đặc trưng của kiến trúc làng cổ Việt. (Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát)

Cự Đà - làng cổ lưu dấu hồn xưa giữa phố thị

Cự Đà là ngôi làng cổ nổi tiếng thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, sở hữu những căn nhà mang nét truyền thống, mộc mạc của làng quê Bắc Bộ, giao thoa hài hòa với vẻ cổ kính đậm dấu ấn kiến trúc Pháp.

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Liên minh Kỷ lục thế giới phối hợp với Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Tổ chức kỷ lục gia Việt Nam Vietkings tổ chức trao Bằng công nhận Kỷ lục thế giới với Tháp Thần nông.