Công chúa Thái Lan sáng tác và trình diễn tác phẩm âm nhạc về Việt Nam

“Việt Nam an lòng” là bài thơ dài 68 câu do Công chúa Sirindhorn sáng tác, trong đó ghi lại những ấn tượng và tình cảm tốt đẹp của bà trước phong cảnh thiên nhiên đất nước và con người Việt Nam.

Công chúa Thái Lan Sirindhorn. (Ảnh: Losangeles)
Công chúa Thái Lan Sirindhorn. (Ảnh: Losangeles)

Một tác phẩm âm nhạc về Việt Nam có nhan đề “Việt Nam an lòng” do Công chúa Thái Lan Maha Chakri Sirindhorn viết lời đã được công diễn tại Đại học Chulalongkorn, Bangkok, trong khuôn khổ hòa nhạc thường niên kỷ niệm 107 năm thành lập trường.

Đặc biệt hơn, đích thân Công chúa đã tham gia trình diễn đàn nhị Thái Lan trong trang phục áo dài Việt Nam.

Buổi biểu diễn có sự tham dự của hơn 1.500 khán giả là học giả, trí thức, quan chức của Thái Lan và ngoại giao đoàn tại thủ đô Bangkok vào ngày 26/3.

“Việt Nam an lòng” là bài thơ dài 68 câu do Công chúa Sirindhorn sáng tác, trong đó ghi lại những ấn tượng và tình cảm tốt đẹp của bà trước phong cảnh thiên nhiên đất nước và con người Việt Nam. Bài thơ được chuyển thể thành 9 bài hát trên nền chất liệu âm nhạc Thái Lan và Việt Nam, với tổng thời lượng 50 phút.

Tác phẩm âm nhạc “Việt Nam an lòng” tổng hợp nhiều hình thức âm nhạc như hòa tấu, hợp xướng và múa.

Tham gia trình diễn tác phẩm này có gần 150 nhạc công, ca sỹ, diễn viên của dàn nhạc Sai Yai Chamchuri Band, dàn nhạc Phương Tây của Đại học Chulalongkorn và 2 giảng viên Nhạc viện Hà Nội.

Nhiều giai điệu quen thuộc như "Trống cơm," "Lý ngựa ô," "Bèo dạt mây trôi," "Cò lả"... đã được giới thiệu đến khán giả với phần đệm đàn của Công chúa.

Bài thơ bắt đầu bằng sự ca ngợi nền ẩm thực Việt Nam đa dạng, phong phú, với đặc trưng ba miền Bắc-Trung-Nam: "Ta đã nghe người xưa truyền kể lại/Căn bếp Việt vĩ đại món tuyệt ngon/Từ xa xưa họ đã ăn món phở/Đồ ăn Việt cũng chẳng khó để làm/Người ta nói món Việt có ba kiểu/Bắc-Trung-Nam ta cảm nhận đều ngon."

Tiếp đó, Công chúa đã tóm tắt lịch sử Việt Nam hào hùng, vượt qua gian lao, khó khăn đi đến thành công kinh tế ngày nay bằng những vần thơ: “Tới Việt Nam được tìm hiểu lịch sử/Bao câu chuyện của dân tộc mỗi thời/Pháp đô hộ đất nước đáng tiếc thay/ Nhưng độc lập giành được về tay như ý nguyện/ Kinh tế Việt Nam từ đó phát triển/Canh tác nông nghiệp được ở nhiều nơi/ Trồng nào lúa, càphê rồi cao su/ Hoa trái, rau màu thức gì cũng có."

Con người Việt Nam qua cảm nhận của Công chúa Thái Lan là những "Người dân ai nấy lao động hăng say/Sự cần mẫn giúp giang sơn lớn mạnh."

Tiết mục cũng dành nhiều lời ca ngợi đồ thủ công mỹ nghệ sơn mài, tơ lụa, thêu thùa, hội họa và âm nhạc truyền thống Việt Nam. Xuyên suốt chương trình, hình ảnh đẹp về đất nước-con người, ẩm thực Việt Nam được trình chiếu trên màn hình sân khấu.

Các trò chơi dân gian, điệu múa truyền thống cũng được tái hiện qua các hoạt cảnh được chuẩn bị chu đáo, sống động với các diễn viên trong trang phục áo dài, nón lá, múa hoa đăng...

Thông qua góc nhìn tinh tế của Công chúa, hình ảnh điệu múa sạp được thể hiện đầy hóm hỉnh: "Từng có lần được xem họ múa sạp/ Ta múa được nhưng nào giống được đâu/ Đừng sơ sẩy kẻo kẹp chân đau/ Không cẩn thận chớ trách nhau không nhắc."

Trong sự vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt của toàn bộ khán phòng, tiết mục biểu diễn khép lại bằng lời mời đến thăm và khám phá đất nước Việt Nam, được lặp lại nhiều lần: “Còn đó vô vàn chuyện không kể xiết/ Mà khó viết ra bởi lẽ quá nhiều/ Hễ khi nào có dịp ta sẽ mời/ Cùng đi một chuyến vui chơi an lòng.”

Công chúa Maha Chakri Sirindhorn là con gái cố Vương Bhumibol Adulyadej, em gái đương kim Quốc vương Maha Vajiralongkorn. Bà đã nhiều lần đến thăm và triển khai một số dự án từ thiện, giáo dục tại Việt Nam.

Hằng năm, Giải thưởng “Công chúa Thái Lan dành cho giáo viên có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và cộng đồng” được trao cho một giáo viên ưu tú của mỗi nước thành viên Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO), trong đó có Việt Nam. Bà được công chúng Thái Lan vô cùng yêu mến khi tôn vinh bà là “Công chúa Thiên thần”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Những năm tháng chiến tranh trước, sau ngày Giải phóng Thủ đô để lại dấu ấn trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có âm nhạc; nhiều tác phẩm trở thành bất hủ, thậm chí thành biểu tượng của Hà Nội.