Công nghiệp năng lượng là điểm sáng kinh tế của tỉnh Ninh Thuận

Các dự án phát triển năng lượng tái tạo đã góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm của tỉnh Ninh Thuận tăng trưởng mạnh ở mức hai con số, tăng 26,1% so cùng kỳ năm ngoái.
Công nghiệp năng lượng là điểm sáng kinh tế của tỉnh Ninh Thuận ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế trong giai đoạn mới, chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế được tỉnh Ninh Thuận thực hiện và đạt kết quả khá tích cực.

Một số nhóm ngành trụ cột, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp năng lượng tiếp tục là điểm sáng, phát huy hiệu quả kinh tế đáng kể.

Tính đến tháng 6/2020, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã hoàn thành và hòa lưới điện quốc gia 29 dự án/1.674MW (25 dự án điện Mặt Trời và 4 dự án điện gió).

Dự án thủy điện tích năng Bác Ái cũng đã khởi công; dự án điện khí LNG Cà Ná (huyện Thuận Nam) đã được bổ sung quy hoạch điện VII; dự án điện Mặt Trời Phước Minh kết hợp đầu tư trạm biến áp 500kV, đường dây truyền tải 500kV và các dự án hạ tầng truyền tải được tập trung đầu tư, cơ bản giải quyết tình trạng giảm phát các dự án năng lượng tái tạo.

Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho biết để đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, Ủy ban Nhân dân tỉnh tiếp tục tập trung xúc tiến đầu tư, mời gọi các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp tỉnh.

Bên cạnh đó, chủ động nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, kịp thời hỗ trợ để phục hồi sản xuất sau đại dịch COVID-19.

[Khánh thành Nhà máy điện mặt trời Solar Farm Nhơn Hải-Ninh Thuận]

Ủy ban Nhân dân tỉnh đã giao trách nhiệm cho các sở, ngành có liên quan và chính quyền các địa phương khẩn trương triển khai các thủ tục có liên quan đến các dự án, nhất là các dự án trọng điểm, cấp bách để đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành và đưa vào hoạt động, phục vụ cho sự phát triển của địa phương.

Có thể nói, dù bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và hạn hán tác động kéo dài nhưng với sự chỉ đạo, điều hành sâu sát, quyết liệt của Ủy ban Nhân dân tỉnh trong thực hiện các nhóm giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm nên một số lĩnh vực, cụ thể là lĩnh vực năng lượng tái tạo có bước phát triển vững chắc, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành công nghiệp của tỉnh.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm GRDP của tỉnh Ninh Thuận ước tăng 8,46%, đạt khá so với mức bình quân chung của cả nước và khu vực. Đây là dấu hiệu tích cực, tạo động lực để tỉnh có cơ sở và điều kiện phứt phá trong giai đoạn tiếp theo.

Mặc dù đại dịch COVID-19 tác động, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có một số nhóm, ngành lĩnh vực tăng trưởng âm như nông nghiệp, thương mại, dịch vụ.

Hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh Ninh Thuận lại có chuyển biến tích cực, giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh, trên 2 con số (tăng 26,1% so cùng kỳ năm 2019).

Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận cho biết, tuy có khó khăn do tác động của dịch bệnh và hạn hán… nhưng hoạt động công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 của tỉnh Ninh Thuận vẫn nỗ lực tạo đột phá, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế chung của tỉnh đi lên.

Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 4.380 tỷ đồng tăng 26,1% so cùng kỳ 2019; tốc độ phát triển tăng thêm ngành công nghiệp tăng 82,38%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 52,57% so cùng kỳ.

Đóng góp đáng kể cho sự phát triển của ngành công nghiệp tỉnh Ninh Thuận đó là nhờ sự đột phá về phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện Mặt Trời).

Đến thời điểm này, các dự án năng lượng tái tạo đã đưa vào vận hành thương mại nên giá trị sản xuất ngành điện tăng cao, đóng góp năng lực tăng thêm cho ngành công nghiệp (sản lượng điện Mặt Trời, điện gió 6 tháng ước đạt trên 1,4 tỷ kWh, tăng hơn 5,8 lần so với cùng kỳ năm 2019).

Giá trị xây dựng công trình và dự án điện Mặt Trời, điện gió dự ước khoảng 3.560 tỷ đồng (giá trị hiện hành), đóng góp vào giá trị xây dựng khoảng 67,6%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.