Khẩn trương điều chỉnh vị trí tuabin Điện gió Tân Thuận

Cục Đường thủy yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh vị trí trụ tuabin số 6 và 7 về phía bờ với khoảng cách 50m và 23m, mở rộng khoảng cách giữa trụ tuabin số 4 và 5 lên 600m.

Chiều 9/6, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau thông tin về kết quả giải quyết những bức xúc, kiến nghị của người dân xã Tân Thuận (Cà Mau) và thị trấn Gành Hào (Bạc Liêu) liên quan đến xây dựng công trình dự án Nhà máy điện gió Tân Thuận, mà ngư dân hai tỉnh này cho rằng gây cản trở đến hoạt động ra vào cửa biển đánh bắt thủy sản.

Cục Đường thủy nội địa xác định vị trí các móng trụ tuabin dự án Nhà máy điện gió Tân Thuận nằm ngoài phạm vi luồng và hành lang bảo vệ luồng sông Gành Hào theo quy hoạch tại Thông tư số 46/2016/TT-BGTVT ngày 29/12/2016 của Bộ Giao thông Vận tải về Quy định cấp kỹ thuật đường thủy nội địa.

Trong khi đó, Thông tư số 02/2019/TT-BCT ngày 15/01/2019 của Bộ Công Thương về Quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió đã chỉ rõ “Hành lang an toàn của cột tháp gió là nửa hình cầu, có tâm là tâm của chân cột tháp gió, bán kính bằng chiều cao cột tháp gió cộng với bán kính cánh quạt tuabin.”

Tuy nhiên, do hành lang bảo vệ luồng tại trụ tuabin số 6 và 7 thuộc dự án Nhà máy điện gió Tân Thuận không đảm bảo quy định về hành lang an toàn của cột tháp gió.

Do đó, Cục Đường thủy nội địa đề nghị Công ty cổ phần Đầu tư năng lượng tái tạo Cà Mau (chủ đầu tư dự án) thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn công trình xây dựng và giao thông đường thủy tại khu vực dự án Nhà máy điện gió Tân Thuận theo đúng quy định.

Trên cơ sở ý kiến của Cục Đường thủy nội địa, chủ đầu tư sẽ khẩn trương điều chỉnh vị trí trụ tuabin số 6 và 7 về phía bờ với khoảng cách lần lượt là 50m và 23m để đảm bảo hành lang an toàn của cột tháp gió, mở rộng khoảng cách giữa trụ tuabin số 4 và 5 lên 600m.

Ngoài ra, phía chủ đầu tư dự án phải thực hiện lắp đặt thiết bị báo hiệu, chủng loại, màu sắc và tín hiệu giao thông đường thủy theo đúng quy định tại Thông tư số 08 của Bộ Giao thông Vận tải về ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường thủy nội địa Việt Nam.

Trước đó, ngày 8/6, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh chủ trì buổi làm việc với đại diện lãnh đạo Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông... để xem xét nội dung báo cáo của Công ty cổ phần Đầu tư năng lượng tái tạo Cà Mau tại Công văn số 171/CMC ngày 02/6/2020 về thực hiện ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại Thông báo số 1212/TB-VP ngày 22/5/2020 của Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh.

Tại buổi làm việc này, Ủy ban Nhân dân tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan đã xem xét ý kiến của Cục Đường thủy nội địa tại Công văn số 946/CĐTNĐ-QLKCHT ngày 02/6/2020 về các vấn đề liên quan đến luồng lạch khu vực cửa biển dự án Nhà máy điện gió Tân Thuận.

Qua đó, cơ quan chức năng tỉnh cũng đã thống nhất để chủ đầu tư tiếp tục triển khai dự án, nhưng đề nghị chủ dự án phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Cà Mau thực hiện bổ sung, điều chỉnh phù hợp hồ sơ thiết kế xây dựng công trình dự án Nhà máy điện gió Tân Thuận theo đúng quy định.

Dự án điện gió Tân Thuận do Công ty cổ phần Đầu tư năng lượng tái tạo Cà Mau làm Chủ đầu tư, Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 (PECC2) là Tổng thầu EPC.

Dự án có tổng mức đầu tư 2.950 tỷ đồng, công suất lắp đặt 75MW, đã được Bộ Công Thương bổ sung vào Quy hoạch. Nhà máy điện gió Tân Thuận sẽ được lắp đặt 18 tuabin gió, với công suất mỗi tuabin 4,15MW.

Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào quý 3 năm 2021, bổ sung cho hệ thống điện sản lượng khoảng 220 triệu kWh/năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục