Công nhận 4 sản phẩm ngô biến đổi gen đầu tiên làm thực phẩm

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa cấp giấy xác nhận thực vật biến đổi gen có đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi cho 4 sản phẩm ngô biến đổi gen đầu tiên ở Việt Nam.
Công nhận 4 sản phẩm ngô biến đổi gen đầu tiên làm thực phẩm ảnh 1 Ngô trồng trên vùng đất bãi của huyện Khoái Châu, Hưng Yên. (Ảnh: Trần Tuấn/TTXVN)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa chính thức cấp giấy xác nhận thực vật biến đổi gen có đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi cho 4 sản phẩm ngô biến đổi gen đầu tiên ở Việt Nam.

Cụ thể, các sản phẩm ngô biến đổi gen được phê duyệt lần này bao gồm giống Bt 11, MIR162 của Công ty trách nhiệm hữu hạn Syngenta Việt Nam và giống MON 89034, NK603 của Công ty trách nhiệm hữu hạn Dekalb Việt Nam (thuộc Tập đoàn Monsanto của Mỹ.)

Theo đó, giấy xác nhận phê duyệt được ban hành sau quá trình xem xét kỹ lưỡng và được chấp thuận bởi Hội đồng an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi biến đổi gen, theo đúng trình tự được quy định. Đây là 4 sản phẩm biến đổi gen đầu tiên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam và đảm bảo là không có bất kỳ ảnh hưởng bất lợi nào đối với con người và vật nuôi.

Các sản phẩm cây trồng biến đổi gen đã được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên, ở Việt Nam, đây là lần đầu tiên các sản phẩm này được xác nhận đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc đưa các sản phẩm biến đổi gen vào sản xuất trong nông nghiệp.

Đại diện Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, sự kiện trên được kỳ vọng sẽ giúp giảm thiểu tình trạng nhập siêu ngô tăng liên tục trong những năm trở lại đây. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này và có thể thực sự tiếp cận với tiến bộ khoa học nông nghiệp, nông dân còn phải chờ thêm chứng nhận an toàn đối với môi trường và thông qua quy trình khảo nghiệm và công nhận giống của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đại diện Cục Chăn nuôi cũng cho biết, mặc dù chưa chính thức công nhận, nhưng những sản phẩm ngô, đậu tương Việt Nam nhập khẩu về làm thức ăn gia súc từ trước đến nay hầu hết là cây trồng biến đổi gen./.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong 6 tháng đầu năm 2014, so với cùng kỳ năm trước, khối lượng nhập khẩu ngô đạt 2,33 triệu tấn và giá trị nhập khẩu đạt 599 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần về lượng và 87,1% về giá trị; khối lượng nhập khẩu đậu tương đạt 856.000 tấn, với giá trị 504 triệu USD, tăng 25,8% về lượng và 22,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.

Thông tin dự báo của Cục Chăn nuôi, nhiều khả năng đến hết năm nay, nước ta sẽ nhập khẩu đến trên 4,5 triệu tấn ngô (đáp ứng khoảng 2/3 nhu cầu) và ước chi phí sẽ lên đến khoảng hơn 1 tỷ USD.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.