Công nhận Hệ thống bia ma nhai Động Kính Chủ là bảo vật quốc gia

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên đã trao Quyết định công nhận Hệ thống bia ma nhai Động Kính Chủ là bảo vật quốc gia.
Công nhận Hệ thống bia ma nhai Động Kính Chủ là bảo vật quốc gia ảnh 1Bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao quyết định công nhận hệ thống bia mai nha Động Kính Chủ là bảo vật quốc gia cho lãnh đạo huyện Kinh Môn. (Ảnh: Hiền Anh/TTXVN)

Ngày 23/2, Lễ khai hội Xuân Mậu Tuất 2018 và công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Hệ thống bia ma nhai Động Kính Chủ là bảo vật quốc gia, đã diễn ra tại Khu di tích Động Kính Chủ, xã Phạm Mệnh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.

Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên đã trao Quyết định công nhận Hệ thống bia ma nhai Động Kính Chủ là bảo vật quốc gia.

Hệ thống bia ma nhai Động Kính Chủ nằm trong Quần thể di tích quốc gia đặc biệt An Phụ-Kính Chủ-Nhẫm Dương (huyện Kinh Môn). Trước đây, hệ thống này có 54 văn bia, tuy nhiên do tác động của thiên nhiên và chiến tranh nên đến nay chỉ còn 47 văn bia có thể đọc được.

Động Kính Chủ hấp dẫn bởi những văn bia ma nhai độc nhất vô nhị đều được tạc vào vách đá, vách động. Vua chúa, quan lại, danh nhân nhiều thời đại đã từng đến đây, cảm xúc trước cảnh sông núi kỳ vĩ và để lại những dòng suy tư với đất nước, thời cuộc.

Cảm xúc đó được thợ đá ở đây ghi lại bằng những tấm bia tạc vào vách động, vách đá, trong đó, đặc sắc nhất là tấm bia hình chữ nhật nằm ngang trên nóc động, khắc thơ của vua Lê Thánh Tông (1442-1497) khi ông đến thăm nơi này. Đây là một bảo tàng đá thiên nhiên, lưu giữ các văn bia, tác phẩm điêu khắc là những bút tích của các bậc hiền nhân, vua chúa, quan lại, nhân sỹ... từ cuối triều Trần đến cuối triều Nguyễn.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khảo cổ đặc biệt, Quần thể di tích quốc gia đặc biệt An Phụ-Kính Chủ-Nhẫm Dương đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2016.

Tháng 12/2017, tỉnh Hải Dương tiếp tục được công nhận thêm 2 bảo vật quốc gia, trong đó có Hệ thống bia ma nhai Động Kính Chủ thuộc Quần thể di tích quốc gia đặc biệt An Phụ-Kính Chủ-Nhẫm Dương. Đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những đóng góp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương trong công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa của dân tộc.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thêm một lần nữa khẳng định vị thế, vai trò, tầm vóc và giá trị lịch sử, văn hóa, khảo cổ to lớn của Khu di tích.

[Công nhận bảo vật quốc gia đối với 24 hiện vật và nhóm hiện vật]

Hội Xuân Mậu Tuất 2018 tại Quần thể di tích quốc gia đặc biệt An Phụ-Kính Chủ-Nhẫm Dương, ngoài các nghi lễ truyền thống, Ban tổ chức có nhiều đổi mới về nội dung ở phần hội với hoạt động văn hóa văn nghệ đặc sắc như: Chương trình giao lưu thơ tại Động Kính Chủ; phục dựng, đưa các trò chơi dân gian truyền thống vào lễ hội như đấu vật dân tộc, hội thi gói bánh chưng, giã bánh dày...

Thời gian tới, tỉnh Hải Dương tập trung quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Quần thể di tích quốc gia đặc biệt An Phụ-Kính Chủ-Nhẫm Dương.

Huyện Kinh Môn cũng tích cực, chủ động phối hợp tham mưu xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể Quần thể di tích quốc gia đặc biệt An Phụ-Kính Chủ-Nhẫm Dương; có kế hoạch phù hợp, đồng bộ giữa bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển kinh tế và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh đó, tỉnh nâng cao chất lượng quản lý với tầm nhìn chiến lược để khu di tích sớm trở thành một quần thể di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ hoàn chỉnh, thống nhất và kết nối với hệ thống di sản văn hóa của tỉnh và khu vực, trở thành hạt nhân quan trọng trong phát triển du lịch tỉnh Hải Dương…

Hội Xuân Mậu Tuất 2018 tại Quần thể di tích quốc gia đặc biệt An Phụ-Kính Chủ-Nhẫm Dương diễn ra từ ngày 23/2 đến ngày 15/5 (ngày 1 tháng Giêng đến ngày 1/4 âm lịch)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục