Công tác cán bộ quyết định thành công của cuộc chiến chống tham nhũng

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông, để kiểm soát quyền lực trong phòng, chống tham nhũng, cần phải tập trung vào công tác cán bộ, bởi quyền lực gắn với con người cụ thể.
Công tác cán bộ quyết định thành công của cuộc chiến chống tham nhũng ảnh 1Ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương, Trưởng Ban Nội chính Trung ương chủ trì hội thảo. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Ngày 21/1, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học “Kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng - thực trạng và giải pháp,” tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng Đề án “Tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành hoặc chỉ đạo ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng.”

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng; Giáo sư-Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn, nguyên  Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương đồng chủ trì Hội thảo.

Hội thảo có sự tham dự của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín.

Tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ

14 ý kiến phát biểu và các tham luận gửi tới Hội thảo đã tập trung đi sâu phân tích một số vấn đề có tính lý luận về kiểm soát quyền lực cũng như thực trạng kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực như quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công; hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng. Từ đó, các đại biểu đã đưa ra các đề xuất, kiến nghị, giải pháp để kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng có hiệu quả.

Nêu ý kiến tại Hội thảo, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, kiểm soát quyền lực là vấn đề khó, nhưng nhất thiết phải làm tốt, nếu không cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ không có kết quả.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông, để kiểm soát quyền lực trong phòng, chống tham nhũng, cần phải tập trung vào công tác cán bộ, bởi quyền lực gắn với con người cụ thể.

“Thành công trong việc công phá vào tham nhũng quyền lực trong công tác cán bộ có ý nghĩa rất lớn, làm rung chuyển các loại tham nhũng khác, là yếu tổ quyết định thành công của cuộc chiến chống tham nhũng,” Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông khẳng định.

[Nhìn lại nhiệm kỳ XII: Quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng]

Chia sẻ quan điểm với Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông, Tiến sỹ Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội; ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Phát triển cùng thống nhất cho rằng chủ thể của mọi sự tha hóa quyền lực là công tác đánh giá, bổ nhiệm, giám sát nhân sự, đặc biệt là người đứng đầu không chặt chẽ, chuẩn xác."

Với kinh nghiệm nhiều năm trong theo dõi, quản lý lĩnh vực đầu tư, mua sắm công, ông Đặng Huy Đông chỉ ra thực trạng hiện nay hầu hết các cuộc thanh tra, kiểm tra chỉ tập trung xem xét ở khâu trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật mà về điểm này, các nhóm lợi ích đã chủ động tính toán, chuẩn bị rất kín kẽ trong hồ sơ để không bị bắt lỗi vi phạm, trong khi những thiệt hại rất rõ ràng, ai cũng nhìn thấy.

Từ thực trạng này, ông Đặng Huy Đông đề nghị nếu mục tiêu mua sắm công không đạt được thì đó là vi phạm Luật Đấu thầu. Dù chưa chỉ ra được có hành vi trục lợi cá nhân, vẫn cần quy trách nhiệm của những người liên quan đến quá trình mua sắm, đặc biệt người đứng đầu về mua sắm chi tiêu công không hiệu quả, gây thiệt hại kinh tế. Việc đầu tiên là điều chuyển công tác.

“Khi người đứng đầu không còn yên vị, sự thật dễ được phơi bày ra ánh sáng. Những cán bộ kiên trung trong hệ thống, thực sự là công bộc của dân mới dám lên tiếng,” ông Đặng Huy Đông nhấn mạnh.

Trong khi đó, Tiến sỹ Lê Thanh Vân đề nghị cần phải đổi mới công tác đánh giá, bổ nhiệm cán bộ hiện nay. Trong đó lấy tiêu chí thực chứng, hiệu quả công việc được giao làm căn cứ để đánh giá cán bộ thay vì định tính.

“Nếu định tính bằng bằng cấp, người ta sẽ mua bằng, nếu định tính bằng phiếu tín nhiệm, người ta sẽ mua phiếu. Như vậy việc đánh giá cán bộ sẽ không chuẩn. Việc đánh giá cán bộ không chuẩn là một nguy cơ với chế độ,” Tiến sỹ Lê Thanh Vân nói.

Phòng, chống tham nhũng đạt được sự đồng thuận cao trong xã hội

Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho biết, kiểm soát quyền lực là một khái niệm mới, chính thức được đưa vào Cương lĩnh của Đảng năm 2011 và Hiến pháp năm 2013 với nội dung “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp,” trở thành nguyên tắc hiến định về tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước. Đây là lĩnh vực rất mới, rộng, khó và đòi hỏi việc nghiên cứu công phu, chuyên sâu.

Trưởng ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh, kiểm soát quyền lực là một điều kiện bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong cơ chế vận hành của các thể chế chính trị nói chung, đồng thời cũng là yếu tố có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng nói riêng.

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều đổi mới nhận thức về kiểm soát quyền lực, chú trọng ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực nói chung và kiểm soát quyền lực để phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng nói riêng.

Công tác cán bộ quyết định thành công của cuộc chiến chống tham nhũng ảnh 2Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện; đã hình thành một bước cơ chế phòng ngừa chặt chẽ theo hướng bảo đảm “không thể,” “không dám,” ”không muốn,” “không cần” tham nhũng.

Công tác phòng, chống tham nhũng những năm qua được chỉ đạo mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội; củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Tuy nhiên, Trưởng ban Nội chính Trung ương cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như chưa chế định rõ, đồng bộ, hiệu quả cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước ở các cấp; công tác phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ rệt; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp; tham nhũng “vặt” chưa được ngăn chặn có hiệu quả…

Xuất phát từ thực trạng trên, Bộ Chính trị đã giao Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng Đề án “Tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành hoặc chỉ đạo ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng.”

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đánh giá cao và tiếp thu các ý kiến phát biểu, tham luận gửi tới Hội thảo để làm cơ sở hoàn thiện, nâng cao chất lượng xây dựng Đề án./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục