“Trong nước, giá nguyên-nhiên vật liệu đầu vào tăng theo thế giới; giá điện, nước sinh hoạt tăng do nhu cầu tiêu dùng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Sáu tăng 0,19% so với tháng trước, tăng 1,62% so với tháng 12/2020 và tăng 2,41% so với tháng 6/2020. Theo đó, CPI bình quân sáu tháng tăng 1,47% so với cùng kỳ và là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016,” bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê cho hay.
8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng giá
Báo cáo của Tổng cục Thống kê công bố chỉ ra trong mức tăng CPI tháng Sáu, khu vực thành thị có mức tăng 0,22% và khu vực nông thôn tăng 0,15%.
Cụ thể, có 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính đã tăng giá so với tháng trước, hai nhóm giảm giá. Riêng, nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giữ giá ổn định.
Trong đó, nhóm giao thông có mức tăng so với tháng trước cao nhất với 1,07% (làm CPI chung tăng 0,1 điểm phần trăm) do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu (ngày 12/5; 11/6; 26/6), trong đó giá xăng E5 tăng 1.340 đồng/lít so với tháng trước, giá xăng A95 tăng 1.380 đồng/lít, giá dầu diezen tăng 1.340 đồng/lít.
[Dù COVID-19 phức tạp, GDP 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng 5,64%]
Tại các nhóm hàng giảm giá,khu vực hàng ăn và dịch vụ ăn uống xuống 0,13% so với tháng trước (làm CPI chung giảm 0,04 điểm phần trăm) do giá lương thực, thực phẩm giảm khi nguồn cung dồi dào. Ngoài ra, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 giảm 0,08%.
Về tỷ giá, bà Oanh cho biết USD trên thị trường thế giới tiếp tục đà phục hồi sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) phát đi tín hiệu sẽ sớm thực hiện việc điều chỉnh chính sách tiền tệ nới lỏng. Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bảo đảm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp nhập khẩu, giá USD bình quân trên thị trường tự do quanh mức 23.129 VND/USD.
Như vậy, chỉ số giá USD tháng Sáu đã giảm 0,3% so với tháng Năm đồng thời giảm 0,32% so với tháng 12/2020 và giảm 0,87% so với cùng kỳ năm 2020. Theo đó, bình quân 6 tháng giá USD đã giảm 0,85%.
Tuy nhiên, giá vàng trong nước lại biến động trái chiều với thế giới. Tính đến ngày 25/6, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.845,63 USD/ounce, giảm 0,67% so với tháng trước. Song trong nước, chỉ số giá vàng trong tháng tăng 1,12% so với tháng trước và tăng 0,23% so với tháng 12/2020 đồng thời tăng 12,37% so với cùng kỳ, bình quân 6 tháng giá vàng đã tăng 18,06%.
CPI bình quân 6 tháng thấp nhất 5 năm
Theo báo cáo, chỉ số giá tiêu dùng bình quân sáu tháng tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước và đây là mức tăng bình quân 6 tháng thấp nhất kể từ năm 2016.
Bà Oanh chỉ ra một số nguyên nhân làm tăng CPI trong sáu tháng, bao gồm giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 10 đợt và làm cho giá xăng A95 tăng 4.440 đồng/lít, giá xăng E5 tăng 4.250 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 3.740 đồng/lít.
“Như vậy, giá xăng dầu bình quân sáu tháng đã tăng 17,01% so với cùng kỳ năm trước và làm CPI chung tăng 0,61 điểm phần trăm,” bà Oanh nói.
Ngoài ra, giá gas cũng tăng 16,51% so với cùng kỳ năm trước, giá dịch vụ giáo dục tăng 4,47% (cùng làm CPI chung tăng 0,24 điểm phần tram). Bên cạnh đó, giá gạo trong nước cũng tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp, gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán khiến giá gạo lên 6,97% so với cùng kỳ năm trước và làm CPI chung tăng 0,18 điểm phần trăm.
Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, bà Oanh cho biết cũng có một số nguyên nhân làm giảm CPI trong sáu tháng, như giá các mặt hàng thực phẩm 6 tháng đầu năm giảm 0,39% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,08 điểm phần trăm, (trong đó giá thịt lợn giảm 4,15%, giá thịt gà giảm 2,04%).
Thêm vào đó, Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch COVID-19, như gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam-giá điện sinh hoạt bình quân sáu tháng giảm 3,06% so với cùng kỳ và tác động làm CPI chung giảm 0,1 điểm phần trăm.
“Với kết quả trên, lạm phát cơ bản tháng Sáu đã tăng 0,07% so với tháng Năm, tăng 1,14% so với cùng kỳ năm trước. Và, lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng chỉ tăng 0,87% so với cùng kỳ, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,47%). Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu và giá gas tăng. Hiện, mức lạm phát cơ bản tháng sáu và 6 tháng so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất kể từ năm 2011,” bà Oanh cho hay./.