CPI tháng Sáu tăng 0,61%, mức cao nhất trong 7 năm qua

Nối tiếp đà tăng trước đó, chỉ số giá tiêu dùng tháng Sáu đã tăng mạnh 0,61% so với tháng Năm và đây là mức tăng cao nhất trong bảy năm qua, như vậy CPI tháng Sáu đã tăng 2,22% so với tháng 12/2017.
CPI tháng Sáu tăng 0,61%, mức cao nhất trong 7 năm qua ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nối tiếp đà tăng trước đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Sáu đã tăng mạnh 0,61% so với tháng Năm và đây là mức tăng cao nhất trong 7 năm qua, số liệu trên được công bố từ Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 29/6.

[Các lĩnh vực kinh tế đồng thời khởi sắc khiến GDP tăng kỷ lục 7,08%]

Theo đó, CPI tháng Sáu đã tăng 2,22% so với tháng 12/2017 và tăng 4,67% so với cùng kỳ đồng thời chỉ số CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29% so với cùng kỳ.

Nhóm thực phẩm dẫn dắt

Trong rổ hàng hóa và dịch vụ tính CPI, chỉ số giá của 10/11 nhóm hàng đã tăng so với tháng trước, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng cao nhất 1,08%.

Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê giá cho biết, nguyên nhân chủ yếu đến từ nhóm thực phẩm với mức tăng 1,75%, trong khi nhóm lương thực lại giảm 0,45%.

“Cụ thể trong nhóm thực phẩm, giá thịt lợn trên thị trường có mức tăng cao nhất 8,12%, là bởi sau thời gian dài thua lỗ, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và trang trại đã quyết định bỏ chuồng khiến nguồn cung trên thị trường sụt giảm,” bà Ngọc nói.

Tuy nhiên trong rổ CPI, các nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình, nhóm thuốc và dịch vụ y tế lại có mức tăng khá thấp 0,03%. Bên cạnh đó, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác cũng tăng nhẹ 0,02%. Riêng, nhóm bưu chính viễn thông còn giảm 0,11%.

Yếu tố mùa vụ

Phân tích một số nguyên nhân khác tác động đến chỉ số giá tiêu dùng trong tháng, bà Ngọc cho hay, thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt trong dân chúng tăng lên và khiến chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 0,86%, chỉ số giá nước sinh hoạt tăng 0,38%. Thêm vào đó, đây là thời điểm học sinh nghỉ hè nên nhu cầu đi du lịch tại các gia đình tăng và làm cho chỉ số giá nhóm du lịch trọn gói nhích lên 0,36%.

“Ngoài ra, giá xăng dầu mặc dù được điều chỉnh giảm (ngày 22/6) nhưng do ảnh hưởng từ các đợt tăng giá của tháng trước nên mức giá bình quân trong tháng này vẫn nhích 2,38%. Chưa hết, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,2%, chủ yếu ở mặt hàng xi măng lên trung bình 20.000đ/tấn bởi giá nguyên liệu đầu vào tăng,” bà Ngọc cho biết.

Tuy nhiên, một số mặt hàng trong nhóm lương thực, thực phẩm lại có xu hướng giảm và góp phần kiềm chế đà tăng của CPI trong tháng.

Cụ thể, năm nay các địa phương trong cả nước được mùa, nhờ đó giá gạo đã giảm 0,5%. Tại miềm Bắc, người dân đã thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân với năng suất khá cao ước đạt 63,7 tạ/ha và tăng 2,3% so cùng kỳ năm trước. Phía Nam, năng xuất lúa cũng đạt khoảng 67,6 tạ/ha và tăng 8,5% so cùng kỳ. Vụ Đông Xuân năm nay, cả nước thu hoạch ước đạt 20,5 triệu tấn (tăng 1,1 triệu tấn, tương ứng 5,7% so với năm ngoái) đã tạo ra nguồn cung gạo dồi dào.

Năm nay, thời tiết ủng hộ bà con nông dân, tuy nhiên được mùa thì giá hoa màu lại giảm. Trên thị trường, giá một số loại quả tươi và chế biến giảm (như xoài giảm 1,16%, quả có múi giảm 0,03% và giá các loại quả tươi khác giảm 0,08%).

Chỉ số giá vàng  giảm 0,79%

Ngày 13/6, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25%, đây là lần thứ hai Cơ quan này tăng lãi suất trong năm 2018.

Bà Ngọc cho biết, tính đến ngày 23/6, chỉ số USD đạt mức bình quân là 94,13% và cao hơn mức 93,23% của tháng Năm, khiến tỷ giá USD của các Ngân hàng thương mại và thị trường tự do trong nước rậm rịch đi lên.

“Tuy nhiên, với lượng dự trữ ngoại tệ dồi dào cùng với cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giúp giá USD ổn định ngay, nhờ vậy mức giá bình quân ở thị trường tự do chỉ quanh mức 22.770 đồng/USD và tăng 0,2% so với tháng trước,” bà Ngọc nói.

Trái với thị trường ngoại tệ, giá vàng trong nước giảm theo biến động của thế giới, bình quân giảm 0,79% và dao động quanh mức 3,67 triệu đồng/chỉ vàng SJC.

Nhìn chung, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng Sáu đã tăng 0,1% so với tháng Năm, tăng 1,37% so với cùng kỳ và 6 tháng đầu năm so cùng kỳ cũng tăng 1,35%./.

CPI tháng Sáu tăng 0,61%, mức cao nhất trong 7 năm qua ảnh 2(Nhấp chuột vào ảnh để xem kích thước chuẩn.)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.