Cục Hàng không xác minh việc hành khách bị phá khóa, mất đồ

Nhiều khả năng các kiện hành lý của khách trên chuyến bay VJ902 Bangkok-Hà Nội bị bung khóa có thể là do quá trình phục vụ, bốc xếp đưa lên tàu bay tại Bangkok.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Liên quan đến vụ việc mất hành lý của hành khách trên chuyến bay VJ902, đường bay Bangkok (Thái Lan)-Hà Nội của hãng hàng không Vietjet Air, Cục Hàng không Việt Nam vừa phát đi thông cáo báo chí trong đó đưa ra kết quả xác minh ban đầu thấy rằng, nhiều khả năng các kiện hành lý bị bung khoá có thể là do quá trình phục vụ, bốc xếp đưa lên tàu bay tại Bangkok.

Chỉ lập biên bản một hành lý bung khóa?

Theo thông cáo của Cục Hàng không Việt Nam, chuyến bay VJ902 đường bay BKK-HAN (Bangkok-Hà Nội) ngày 23/5/2015 hạ cánh tại Nội Bài lúc 15 giờ 45. Sau khi nhận hành lý ký gửi, có 3 trường hợp hành lý của hành khách bị bung khóa và bị mất quần áo, mỹ phẩm trong hành lý.

Hành khách THAN THI THUY gửi một vali hành lý ký gửi 20kg, khi nhận bị bung khóa, khách khai mất đồ bên trong gồm quần áo hiệu BURBERY, TOP SHOP, nước hoa hiệu channel, Tổ yến. Khi cân lại hành lý còn 13kg (mất 7kg).

Hành khách BUI THI THANH TAM gửi hai vali hành lý ký gửi 20kg, khi nhận một va li bị bung khóa được cuốn lại bằng băng dính, khách khai mất đồ bên trong gồm quần áo hiệu Uniqlo, Burberry. Khi cân lại hành lý còn 13,5kg (mất 6,5kg).

Hành khách NGO HONG NHUNG gửi bốn kiện hành lý ký gửi 20kg, khi nhận một vali bị bung khóa khách khai mất đồ bên trong gồm kem hiệu Ocsen và một số quần áo khách không nhớ nhãn hiệu. Khi cân lại hành lý là 31,5kg (thừa 11,5kg).

Qua kết quả điều tra xác minh ban đầu của Cục Hàng không, chuyến bay trên hạ cánh tại Nội Bài lúc 15 giờ 45 ngày 23/5/2015 do Công ty phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS) thực hiện bốc xếp, vận chuyển hành lý của hành khách từ tàu bay vào khu vực trả hành lý trong nhà ga hành khách T2.

Khi tàu bay hạ cánh, nhân viên bốc xếp của HGS mở cửa hầm hàng của tàu bay để bốc dỡ hành lý xuống thì phát hiện hành lý có số thẻ VJ183675 (của hành khách BUI THI THANH TAM) bị vỡ, theo quy trình nhân viên bốc xếp đã thông báo cho ông Dương Đức An là nhân viên giám sát chuyến bay VJ902 của hãng hàng không Vietjet đến xác nhận và lập biên bản bất thường đối với hành lý.

“Tuy nhiên có ba kiện hành lý bị bung khóa nhưng chỉ có một kiện được lập biên bản bất thường để xác nhận. Các kiện khác bị bung khoá chỉ được phát hiện sau khi hành khách nhận hành lý,” thông cáo của Cục Hàng không nêu rõ.

Trích xuất hình ảnh từ camera quá trình bốc xếp hành lý tại khu vực đảo băng chuyền hành lý số 1 của chuyến bay VJ902, Cục Hàng không Việt Nam thấy rằng, hành lý của chuyến bay được đưa vào băng chuyền từ 16 giờ 23 đến 16 giờ 40 và kiện hành lý bị vỡ được nhân viên quấn băng dính đưa lên băng chuyền cuối cùng vào lúc 16 giờ 56.

Tuy nhiên, camera tại khu vực đảo hành lý lại chỉ thu được hình ảnh của một phần khu vực đảo hành lý số 1. Xem phần hình ảnh thu được thì không có dấu hiệu nào bất thường.

Nhiều khả năng hành lý bị bung khóa tại Bangkok

Qua các kết quả xác minh ban đầu, Cục Hàng không Việt Nam nhận định, đánh giá, nhiều khả năng các kiện hành lý bị bung khóa có thể là do quá trình phục vụ, bốc xếp đưa lên tàu bay tại Bangkok.

Lý giải rõ hơn, Cục Hàng không đưa ra luận chứng khi cho rằng, ngay khi mở cửa buồng hàng tàu bay để bốc hành lý xuống tại Nội Bài nhân viên đã phát hiện vali bị bung khóa. Trong ba kiện bị vỡ có hai kiện bị mất 13,5kg hành lý thì có một kiện lại dôi ra 11,5kg. Vì vậy, cũng có khả năng ba kiện hành lý bị vỡ bung khoá hành lý rơi ra, nhân viên bốc xếp tại đầu Bangkok đã cho lại vào một kiện.

Đưa ra những biện pháp tiếp theo để làm rõ vụ việc, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu hãng hàng không VietJet làm việc với đơn vị có liên quan phía Bangkok để làm rõ vụ việc và thực hiện đúng trách nhiệm của mình với hành khách; kiên quyết xử lý nghiêm minh các cá nhân, tổ chức vi phạm.

Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị tăng cường các biện pháp phòng chống mất cắp hành lý và thực hiện nghiêm túc đầy đủ Chỉ thị số 03/CT-BGTVT ngày 29/1/2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về kiểm soát an ninh chống trộm cắp nhiên liệu hàng không; Chỉ thị về chống mất cắp hành lý, hàng hoá và Kế hoạch về phòng, chống mất cắp hành lý ký gửi và hàng hoá vận chuyển đường hàng không năm 2015.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có Công văn số 349/BGTVT-VT ngày 26/12/2014 gửi Bộ Công an về việc xử lý tình trạng trộm cắp hàng hoá, hành lý của hành khách tại các cảng hàng không, sân bay, trong đó đề nghị Bộ Công an chủ trì, chỉ đạo phối hợp với các cơ quan trong ngành hàng không có biện pháp, chuyên án để triệt phá các đối tượng có hành vi trộm cắp trong ngành. Bộ Công an hoàn toàn ủng hộ và đã chỉ đạo triển khai.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 46/2013/TT-BGTVT ngày 25/11/2013 về chế độ kỷ luật đặc thù đối với nhân viên hàng không, trong đó quy định những biện pháp kỷ luật hết sức nghiêm khắc đối với các trường hợp lợi dụng vị trí làm việc để thực hiện các hành vi trộm cắp, kể cả biện pháp loại vĩnh viễn ra khỏi hệ thống nhân viên hàng không./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục