Củng cố chuỗi cung ứng hàng thiết yếu Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Tuyên bố của IPEF không nêu cụ thể mặt hàng nào được coi là thiết yếu, nhưng một quan chức Nhật Bản cho biết mục tiêu là nhằm vào các khoáng sản quan trọng, thiết bị bán dẫn, công nghệ năng lượng mới.
Củng cố chuỗi cung ứng hàng thiết yếu Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ảnh 1Một phiên họp của Diễn đàn Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) ở Detroit (Mỹ). (Nguồn: Twitter)

Các bộ trưởng của Mỹ, Nhật Bản và 12 quốc gia khác tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngày 27/5 đã nhất trí tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng các mặt hàng quan trọng, trong đó có chip bán dẫn và dược phẩm, để ứng phó kịp thời hơn với các trường hợp khẩn cấp.

Theo hãng tin Kyodo, thỏa thuận trên đạt được tại một cuộc họp của Diễn đàn Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) ở Detroit (Mỹ).

Đây là kết quả thực chất đầu tiên kể từ khi IPEF được khởi động tháng 5 năm ngoái.

Trả lời phỏng vấn sau khi kết thúc đàm phán, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura nêu rõ thỏa thuận đa phương nói trên là "thỏa thuận đầu tiên kiểu này về chuỗi cung ứng."

Khả năng phục hồi chuỗi cung ứng là một trong 4 trụ cột của IPEF. Theo một tuyên bố được đưa ra tại cuộc họp, kế hoạch của IPEF là phát triển một hệ thống hiểu biết chung về những rủi ro đáng kể trong chuỗi cung ứng, hỗ trợ phân phối kịp thời các hàng hóa thiết yếu trong cuộc khủng hoảng thông qua cải thiện sự phối hợp và phản ứng giữa các quốc gia thành viên.

[Vòng đàm phán thứ ba về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương]

Tuyên bố không nêu cụ thể những mặt hàng nào được coi là thiết yếu, nhưng một quan chức Nhật Bản cho biết mục tiêu là nhằm vào các khoáng sản quan trọng, thiết bị bán dẫn, công nghệ năng lượng mới và các tài nguyên hoặc thiết bị khác có thể tác động đáng kể đến xã hội nếu nguồn cung bị đình trệ.

Tháng 5/2022, Tổng thống Joe Biden tuyên bố khởi động tiến trình thảo luận về IPEF nhằm củng cố quan hệ kinh tế với các nền kinh tế quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương - khu vực ước tính chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu hiện nay.

Các nước tham gia thảo luận về IPEF hiện gồm Mỹ, Australia, Brunei, Fiji, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.