Cuộc chiến giữa các hướng dẫn viên du lịch tại Séc

Séc, quốc gia tuy nhỏ bé song lại có sức hút lớn đối với du khách, nhưng tại đây cũng đang diễn ra “cuộc chiến hướng dẫn viên du lịch.”

Cộng hòa Séc, quốc gia có vị trí “trái tim” châu Âu, tuy nhỏ bé song lại có sức hút vô cùng lớn đối với du khách nước ngoài bởi phong cảnh tuyệt mỹ, các công trình văn hóa, lịch sử nổi tiếng và người dân ở đây hiền hòa, hiếu khách. Nhưng tại đây cũng đang diễn ra “cuộc chiến hướng dẫn viên du lịch.”

Tại trung tâm thủ đô Prague ngày nay có vẻ như ai cũng có thể làm hướng dẫn viên du lịch. Có thể đó là một cậu sinh viên người Mỹ sang Séc chưa lâu và đi làm thêm vào dịp nghỉ Hè, là một bác tài xế xe buýt người Đức, là một du khách người Nga làm... Thực trạng này khiến Hiệp hội Hướng dẫn viên du lịch Séc phải phản ứng gay gắt. Hiệp hội cho rằng các hướng dẫn viên chuyên nghiệp của Séc đã bị “cướp trắng” công ăn việc làm bởi những người không có một chút chuyên môn nào.

Theo đài Radio Prague, năm 2008 Cộng hòa Séc đã sửa đổi quy định hành nghề hướng dẫn viên du lịch. Các kỳ thi bắt buộc để được cấp phép hành nghề không còn cần thiết nữa. Điều này đã dẫn đến việc hiện nay ở mỗi ngóc ngách của Prague, du khách đều có thể được mời chào đi tham quan mà không có gì bảo đảm rằng hướng dẫn viên thực sự hiểu biết về lịch sử thành phố này.

Trước thực trạng trên, Hiệp hội hướng dẫn viên du lịch Séc đang đòi nhà nước siết chặt trở lại quy định hành nghề hướng dẫn viên du lịch bằng cách áp dụng kỳ thi bắt buộc.

Chị Iva Karlickova, một hướng dẫn viên du lịch nói tiếng Italy và tiếng Anh, nói: “Tình hình không đơn thuần là nghiêm trọng, mà đã đến mức nguy kịch. Trước đây hướng dẫn viên du lịch phải là người làm nghề chuyên nghiệp. Bản thân tôi là hướng dẫn viên có tuổi nghề cao, chúng tôi đã phải vượt qua kỳ thi rất khó khăn về lịch sử, lịch sử nghệ thuật. Prague là một thành phố lịch sử tuyệt đẹp, mỗi viên đá ở đây đều có lịch sử của nó.

Nhưng giờ đây, nếu đi dạo ở khu trung tâm thành phố, bạn có thể nhìn thấy bất kỳ ai cũng có thể hướng dẫn tham quan. Họ chỉ đọc qua một cuốn cẩm nang du lịch nhưng lại đang “cướp trắng” công việc của chúng tôi - những hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp. Nhiều đồng nghiệp của tôi đã phải chuyển nghề. Chúng tôi ở trong tình cảnh giống như người bần cùng, giống như người ăn xin vậy.”

Bà Zdelka Kerlitska, người Prague, làm nghề hướng dẫn viên du lịch từ năm 1976, nói tiếng Anh, Tây Ban Nha và Nhật Bản, cũng có tâm sự tương tự: “Tôi rất khó chấp nhận việc một người nước ngoài, ví dụ là người Nhật Bản, làm công việc của tôi, thế chỗ của tôi trong thành phố, nơi tôi đã sinh ra và sống cả cuộc đời mình.”

Các hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp than phiền rằng điều khó chấp nhận ở đây là việc du khách được làm quen và tìm hiểu về Séc thông qua những người không có ngay cả những kiến thức cơ bản nhất về lịch sử đất nước Séc.

Bà Zdelka Kerlitska bức xúc: “Tôi đã nhiều lần chứng kiến việc các hướng dẫn viên du lịch kể với khách tham quan Prague những điều hoàn toàn nhảm nhí. Câu chuyện của các hướng dẫn viên du lịch này không liên quan gì đến việc lý giải trên thực tế lịch sử và hiện tại của chúng tôi.”

Cuộc chiến giữa các hướng dẫn viên du lịch tại Séc ảnh 1Khách du lịch nước ngoài ở Prague. (Ảnh: Trần Quang Vinh/Vietnam+)

Lý giải nguyên nhân vì sao Séc lại sửa đổi quy định hành nghề hướng dẫn viên du lịch hồi năm 2008, bà Zdelka Kerlitska cho biết theo suy nghĩ của bà, mỗi khi trong xã hội nảy sinh tình trạng lộn xộn thì luôn luôn có ai đó kiếm chác được gì đó. Quy định về hành nghề hướng dẫn viên du lịch đã được sửa đổi mà không được thảo luận tại các cơ quan có thẩm quyền, và sự việc này liên quan chủ yếu đến sự gia tăng dòng du khách đến từ Nhật Bản và Nga. Hệ quả là ai muốn làm gì thì làm và tình trạng quản lý lỏng lẻo đã khiến ngân sách Séc thiệt hại hàng chục triệu koruna.

Chị Iva Karlickova chia sẻ: “Đơn cử trường hợp với người Tây Ban Nha. Du khách Tây Ban Nha đến Prague bằng máy bay của nước họ, sau đó họ được đưa đến khách sạn của Tây Ban Nha bằng xe buýt cũng của họ và ở đó đã có hướng dẫn viên du lịch người Tây Ban Nha đợi sẵn rồi. Và tất cả mọi việc đều diễn ra trên đất nước Séc. Các du khách Tây Ban Nha thụ hưởng những báu vật của nước Séc, còn chúng tôi - những người Séc thì không nhận được gì cả. Hướng dẫn viên du lịch của chúng tôi dù thành thạo tiếng Tây Ban Nha, vẫn chịu cảnh thất nghiệp.”

Hiệp hội hướng dẫn viên du lịch Séc đang đấu tranh đòi siết chặt quy định hành nghề hướng dẫn viên du lịch dựa trên cơ sở luật của châu Âu năm 2008. Bộ Phát triển khu vực Cộng hòa Séc đã ủng hộ kháng nghị của Hiệp hội hướng dẫn viên du lịch và tuyên bố rằng bộ này sẽ thông qua các biện pháp chống lại những người cung cấp cho du khách các dịch vụ kém chất lượng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Cổng nhà rêu phong cùng phần mái ngói đặc trưng của kiến trúc làng cổ Việt. (Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát)

Cự Đà - làng cổ lưu dấu hồn xưa giữa phố thị

Cự Đà là ngôi làng cổ nổi tiếng thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, sở hữu những căn nhà mang nét truyền thống, mộc mạc của làng quê Bắc Bộ, giao thoa hài hòa với vẻ cổ kính đậm dấu ấn kiến trúc Pháp.

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Liên minh Kỷ lục thế giới phối hợp với Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Tổ chức kỷ lục gia Việt Nam Vietkings tổ chức trao Bằng công nhận Kỷ lục thế giới với Tháp Thần nông.