Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nên dừng lại vì những lý do này

Những thách thức từ Tổng thống Mỹ Donald Trump cho thấy sự tổn thương đáng ngạc nhiên ở cả lĩnh vực kinh tế và chính trị của Trung Quốc.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nên dừng lại vì những lý do này ảnh 1Hóa chất xuất khẩu của Trung Quốc được bốc dỡ tại kho cảng ở Trương Gia Cảng, thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc ngày 7/8. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo bài viết mới đây trên trang mạng newsweek.com, Trung Quốc được cho là có sức mạnh chính trị và kinh tế đủ để giành thắng lợi trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Tuy nhiên, thách thức từ Tổng thống Mỹ Donald Trump cho thấy sự tổn thương đáng ngạc nhiên ở cả lĩnh vực kinh tế và chính trị của Trung Quốc.

Sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc phụ thuộc vào thiện ý của các nhà lãnh đạo thế giới để đánh giá về những vấn đề như đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ, nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp và đặt ra những rào cản cho các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, Trump đã cho thấy ông không có thiện chí như vậy.

Ông đã lấy việc áp thuế để chống lại những hành động không công bằng trong thương mại của Trung Quốc là nòng cốt để thực hiện những cam kết chính trị của ông đối với các cử tri trung lưu.

Ông đánh cược rằng các nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế Trung Quốc đang bị tổn thương nhiều hơn trước áp lực này so với những gì mà giới chuyên gia dự đoán.

Và ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy ông Trump đã đúng.

[Trung Quốc và Mỹ liệu có "xuống thang" trong cuộc chiến thương mại?]

Lợi thế quan trọng của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại chưa bao giờ là vấn đề kinh tế, bởi Trung Quốc không nhập khẩu đủ từ Mỹ để “ăn miếng trả miếng” trong cuộc chiến về thuế. Tuy nhiên điều đó không phải là vấn đề của Bắc Kinh.

Ngay cả khi Trung Quốc không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến thuế quan thì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng vẫn có được lợi thế chính trị bởi ông không phải trả lời chất vấn của cử tri.

Trong khi đó ngược lại, Trump và đảng Cộng hòa của ông sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn để giải thích cho cử tri về lý do khởi động cuộc chiến thương mại đau đớn về mặt kinh tế như vậy.

Nói cách khác, dân chủ được cho là nhược điểm lớn nhất của Mỹ trong một cuộc chiến thương mại.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nên dừng lại vì những lý do này ảnh 2Hàng hóa Trung Quốc được xếp tại cảng ở Long Beach, Los Angeles, Mỹ ngày 23/8. (Nguồn: THX/TTXVN)

Tuy nhiên, câu chuyện chưa kết thúc. Có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang phải chịu áp lực từ các loại thuế của Mỹ, trong khi nền kinh tế Mỹ phát triển thịnh vượng.

Tờ New York Times nói rằng giọng điệu bất đồng đã xuất hiện ở những nơi đáng ngạc nhiên - từ giới học giả có tiếng tại các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc đến các nhà nghiên cứu tại Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Và ở đâu những quan điểm này bị dập tắt, ở đó đồng tiền "lên tiếng."

Đồng nội tệ yếu của Trung Quốc - đã giảm đáng kể từ khi căng thẳng thương mại leo thang hồi tháng Tư vừa qua - có thể là dấu hiệu của sự bắt đầu xu hướng thoái vốn nhiều hơn của các nhà đầu tư nước ngoài khỏi Trung Quốc.

Dòng vốn đó chắc chắn sẽ tìm được đường đến Mỹ, nơi thuế đầu tư được cắt giảm, tỷ lệ lãi suất tăng, tăng trưởng kinh tế mạnh hơn và giảm thiểu những quy định đã tạo ra một thiên đường an toàn hấp dẫn các nhà đầu tư.

Trong khi sự thất vọng tại Trung Quốc liên quan đến chiến lược kinh tế của ông Tập Cận Bình đang phải lẩn tránh sự kiểm duyệt và sự tức giận trước những bài thuyết trình công khai thì trên nhiều mặt báo của Mỹ, nhiều tiêu đề lớn đã báo hiệu lạc quan về nền kinh tế Mỹ khởi sắc. Thị trường chứng khoán đã khôi phục trở lại và lòng tin của các doanh nghiệp nhỏ đang tăng rất cao.

Tổng thống Trump đã đúng khi đặt cược vào những cải cách ủng hộ tăng trưởng kinh tế có thể khiến Mỹ có vị thế mạnh hơn trong đàm phán với Trung Quốc. Ông đã công khai những gì ông muốn, và giờ đây ông cần kết thúc thỏa thuận này.

Tin tốt là có rất nhiều điều mà người Mỹ muốn từ phía Trung Quốc trong vấn đề thương mại cũng chính là cái mà người Trung Quốc cần để trở nên mạnh mẽ hơn: siết chặt hơn quyền sở hữu, giảm vai trò liên đới của nhà nước và mở cửa hơn cho đầu tư bên ngoài.

Có nhiều loại chính sách sẽ hấp dẫn đầu tư ở Trung Quốc và mở ra thị trường nước ngoài đối với doanh nghiệp sáng tạo ngày càng tăng của Trung Quốc. Sẽ là một lỗi rất lớn của ông Tập Cận Bình khi tự đào hố dưới chân mình và từ chối thực thi những nguyên tắc về sự tự do và công bằng của thương mại quốc tế, bởi đó là những quy tắc mà sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của Trung Quốc như một nền kinh tế đầy sinh lực.

Bằng những minh họa tương tự, ông Trump nên tìm kiếm một thỏa thuận khiến Trung Quốc cam kết cải cách rõ ràng, có thể kiểm chứng để bảo vệ tốt hơn quyền sở hữu trí tuệ, trao cho doanh nghiệp Mỹ nhiều cơ hội hơn để bán sản phẩm và dịch vụ tại Trung Quốc và dỡ bỏ rào cản thuế quan cũng như việc nhà nước trợ cấp cho các doanh nghiệp ở cả hai phía.

Sẽ không nước nào có điều kiện tốt hơn Mỹ trong việc đóng vai trò quan trọng trong thị trường tiêu dùng khổng lồ của Trung Quốc.

Nếu tổng thống có thể mở cửa thị trường thương mại Trung Quốc tự do và công bằng hơn thì đó sẽ là mối lợi to lớn cho doanh nghiệp và người lao động Mỹ.

Cuối cùng, một cuộc chiến thương mại kéo dài thể hiện bằng việc tăng thuế sẽ chẳng giúp được gì cho Mỹ hay Trung Quốc. Vấn đề thuế của Trung Quốc đang ảnh hưởng đến các đơn vị bầu cử quan trọng tại Mỹ, từ người nông dân vốn cần vươn tới các thị trường nước ngoài cho đến các hãng chế tạo vốn cần nước ngoài cung cấp nguyên liệu thô.

Một nền kinh tế khỏe mạnh sẽ có khả năng làm vợi đi phần nào nỗi đau đó, nhưng sẽ không thể có tác dụng lâu dài. Và những rắc rối của nền kinh tế Trung Quốc là con dao hai lưỡi.

Ngay bây giờ, cơ hội đàm phán đang mở ra. Tuy nhiên, nếu những vấn đề trên trở nên tồi tệ hơn, điều đó cũng có thể khiến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ sụt giảm.

Thiện chí của ông Trump thách thức tính nguyên trạng trong thương mại đã tạo ra sự cởi mở đáng ngạc nhiên cho thương mại tự do hơn và công bằng hơn với Trung Quốc.

Ông Trump đang có lợi thế khá mạnh để đạt được thỏa thuận nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cải thiện tiếp cận đối với người tiêu dùng và mở rộng những cơ hội cho doanh nghiệp và người lao động ở cả hai nước. Hiện là thời điểm để hoàn tất việc này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.