Cuộc chiến về giá trên thị trường viễn thông Nhật Bản đang nóng dần

Sau khi KDDI Corp. dự định sẽ cung cấp gói dữ liệu di động có dung lượng 20GB với giá 2.480 yen/tháng, NTT Docomo thông báo sẽ giảm gói cước dữ liệu di động 20 GB xuống còn 2.700 yen/tháng.
Cuộc chiến về giá trên thị trường viễn thông Nhật Bản đang nóng dần ảnh 1NTT Docomo Inc. sẽ giảm gói cước dữ liệu di động 20 GB xuống còn 2.700 yen/tháng. (Nguồn: japantimes)

Ngày 1/3, NTT Docomo Inc. thông báo hãng này sẽ giảm gói cước dữ liệu di động 20 GB xuống còn 2.700 yen (tương đương 25,30 USD)/tháng.

Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh cuộc chiến về giá trên thị trường viễn thông Nhật Bản đang nóng dần sau khi các hãng viễn thông lớn liên tục giảm giá do áp lực từ chính phủ.

Theo NTT Docomo, hãng sẽ bắt đầu tung ra thị trường gói cước Ahamo kể từ ngày 26/3. Với phí thuê bao 2.700 yen/tháng, thấp hơn 280 yen so với mức phí mà hãng này công bố hồi tháng 12/2020, những người sử dụng Ahamo sẽ được miễn phí sử dụng 20 GB dữ liệu và miễn phí các cuộc gọi có thời lượng tối đa 5 phút/cuộc.

Trước đó, vào tháng 1/2021, KDDI Corp. - đối thủ của NTT Docomo - cho biết hãng dự định sẽ cung cấp gói dữ liệu di động có dung lượng 20GB với giá 2.480 yen/tháng, đồng thời cho phép khách hàng sử dụng gói dữ liệu di động này có thể thực hiện các cuộc gọi có thời lượng tối đa 5 phút/cuộc với chi phí 500 yen/tháng.

[Các công ty viễn thông Nhật lo ngại về thương vụ lịch sử của NTT]

Sau đó, SoftBank Corp., một đối thủ khác của NTT Docomo, cho biết họ sẽ cung cấp cho khách hàng gói dữ liệu 20 GB với giá 2.480 yen/tháng kể từ giữa tháng 3/2021.

Trong khi đó, tập đoàn thương mại điện tử Rakuten Inc. dự định sẽ cung cấp gói dữ liệu tương tự với giá 1.980 yen/tháng từ tháng 4, với mục đích tăng số lượng thuê bao.

Sau khi lên nắm quyền vào giữa tháng 9/2020, Thủ tướng Yoshihide Suga đã liên tục thúc giục các hãng viễn thông phải giảm cước phí, với lý do cước phí viễn thông ở Nhật Bản cao hơn nhiều so với các quốc gia khác, và các hãng viễn thông đang có tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với các nhà cung cấp hạ tầng khác như điện nước.

Trước sức ép từ Chính phủ, các hãng viễn thông Nhật Bản đã công bố hàng loạt kế hoạch cắt giảm cước phí. Tuy nhiên, cho đến nay, phần lớn kế hoạch đó chưa được triển khai trong thực tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.