Cuộc sống mới của người dân trên vùng tái định cư Thủy điện Sơn La

Với sự hỗ trợ của Nhà nước, đời sống của hơn 12.500 hộ dân vùng tái định cư Thủy điện Sơn La đang có những thay đổi rõ rệt; người dân tích cực xây dựng quê hương mới, tạo nên những bản làng giàu đẹp.
Cuộc sống mới của người dân trên vùng tái định cư Thủy điện Sơn La ảnh 1Bản tái định cư Quỳnh Phiêng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu (Sơn La). (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Thực hiện dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La, từ năm 2001, hơn 12.500 hộ dân tại tỉnh Sơn La đã nhường đất, di chuyển đến nơi ở mới. Đến nay, với sự hỗ trợ của Nhà nước, đời sống của họ đã có những đổi thay rõ nét. Người dân các vùng tái định cư đang tích cực xây dựng quê hương mới, tạo nên những bản làng giàu đẹp.

Diện mạo mới

Cuối năm 2007, những cư dân đầu tiên từ huyện Quỳnh Nhai đã đặt chân đến xã biên giới Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, theo chương trình tái định cư phục vụ dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La. Sau hơn 15 năm, cuộc sống trên quê hương mới của bà con ở đây đã từng bước ổn định, phát triển.

Những ngày này trên cánh đồng rộng gần 5ha, người dân bản tái định cư Quỳnh Phiêng, xã Lóng Phiêng đang tích cực trồng nhiều loại hoa màu như bắp cải, đỗ, dưa chuột. Những năm gần đây, người dân đã biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp với điều kiện đất đai và nhu cầu thị trường. Cùng với những loại cây ăn quả chủ lực như mận, nhãn, người dân còn ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật để thâm canh, rải vụ, giúp cây trồng có năng suất, chất lượng cao hơn.

Chị Lò Thị Xây (bản Quỳnh Phiêng) chia sẻ: “Mới đầu, bà con chuyển về đây nhiều khó khăn lắm. Họ chưa biết sử dụng đất đai để trồng hoa màu, cây ăn quả, kinh tế kém phát triển. Bà con vùng tái định cư đã dần học hỏi cách làm của người dân sở tại. Đến nay, họ đã biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp kinh tế phát triển hơn. Nhiều gia đình từ hộ nghèo nay đã có của ăn, của để.”

Bản Quỳnh Phiêng có có 66 hộ dân với gần 300 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Thái. Những ngày đầu chuyển lên vùng đất mới, bà con không tránh khỏi những bỡ ngỡ trong cách làm ăn, phát triển kinh tế. Với sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, các công trình: điện, đường, trường, trạm và đất ở, đất sản xuất được bố trí, đầu tư đầy đủ. Nhờ đó, người dân tái định cư ở Quỳnh Phiêng đã yên tâm, ổn định đời sống, tập trung phát triển kinh tế.

Cuộc sống mới của người dân trên vùng tái định cư Thủy điện Sơn La ảnh 2Người dân bản tái định cư Quỳnh Phiêng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu (Sơn La) thu hoạch bắp cải. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Ông Hoàng Văn Phó, Trưởng bản Quỳnh Phiêng cho hay: “Khi mới đến đây, bà con chủ yếu trồng cây ngô nhưng không hiệu quả. Chúng tôi chuyển sang trồng mận, nhãn và các loại hoa màu. Hiện nay, thu nhập mỗi hộ đạt trung bình 100 triệu đồng/năm. Cả bản hiện chỉ còn hai hộ nghèo.”

[Kiến nghị sớm nâng cấp giao thông vùng tái định cư thủy điện Sơn La]

Với các hộ dân tái định cư ở bản Mường Chiên 1, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, sau nhiều năm về nơi ở mới, họ đã thích nghi với cuộc sống như những người bản địa.

Trong ngôi nhà sàn bằng gỗ khang trang, được làm theo kiểu truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, ông Điêu Minh Lợi, bản Mường Chiên 1, xã Phổng Lái cho biết, gia đình ông chuyển từ Quỳnh Nhai đến đây đã gần 15 năm. Cũng như hơn 70 hộ dân đến tái định cư trong bản, gia đình ông đã dần quen với cuộc sống trên quê hương mới. Sau khi chuyển đến đây, dựng nhà cửa ổn định, gia đình ông được giao 7.500m2. Với diện tích đất được giao, ông đã trồng chè, càphê và chăn nuôi lợn, gà.

Ông Điêu Minh Lợi bộc bạch: “Bây giờ, ở đây, chè là cây chủ lực của bà con. Hàng năm, các hộ dân đã đầu tư phân bón để thâm canh cây chè. Nếu chăm sóc tốt, trung bình 1.000m2 cho sản lượng khoảng 3 tạ chè/lứa. Mỗi năm, gia đình ông thu hoạch được 12 lứa chè. Thu nhập bình quân đạt từ 70-80 triệu đồng.”

Tiếp tục quan tâm đầu tư

Thực hiện Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La, hơn 12.500 hộ dân ở Sơn La đã di chuyển đến 346 khu, điểm tái định. Đến nay, trên 2.600 công trình, phòng lớp học đã được đầu tư với số vốn hơn 9.000 tỷ đồng. Các công trình này đã phát huy hiệu quả, đảm bảo phục vụ đời sống sinh hoạt cho nhân dân.

Cuộc sống mới của người dân trên vùng tái định cư Thủy điện Sơn La ảnh 3Người dân tái định cư ở bản Mường Chiên 1, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu (Sơn La) thu hoạch chè. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế-xã hội vùng tái định cư Thủy điện Sơn La giai đoạn 2 tiếp tục triển khai với nhiều chương trình, dự án để hỗ trợ người dân tái định cư phát triển đời sống.

Tại huyện Yên Châu, việc đón nhận dân tái định cư Thủy điện Sơn La thực hiện từ năm 2007 và kết thúc vào năm 2009 với 388 hộ dân và trên 1.800 nhân khẩu. Địa phương này đã thu hồi hơn 1.000 ha đất để giao cho 5 khu và 10 điểm tái định, cư giúp họ có nơi ăn, chốn ở và có đất sản xuất.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Yên Châu Lê Huy Phong đánh giá, đến nay, đời sống của nhân dân tái định cư đã ổn định, gắn kết với người dân sở tại để cùng nhau phát triển sản xuất nâng cao thu nhập và từng bước làm giàu trên quê hương mới.

Đất sản xuất và đất ở của các hộ dân tái định cư đều được đảm bảo đúng quy định theo các chế độ chính sách của Nhà nước. Huyện tiếp tục thực hiện các chương trình, dự án đã được tỉnh, Chính phủ phê duyệt.

Tại huyện Thuận Châu, chính quyền địa phương đã đón gần 1.500 hộ dân về xây dựng cuộc sống mới ở 37 điểm tái định cư. Để ổn định đời sống nhân dân, nhiều công trình, dự án đã được triển khai. Sau khi hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, các công trình đã cơ bản phát huy hiệu quả tốt, đảm bảo phục vụ đời sống nhân dân vùng tái định cư.

Cuộc sống mới của người dân trên vùng tái định cư Thủy điện Sơn La ảnh 4Người dân bản tái định cư Quỳnh Phiêng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu (Sơn La) phát triển chăn nuôi để tăng thu nhập. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Cùng với đó, hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, tăng cường. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Người dân vùng tái định cư yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập sau tái định cư.

Để tiếp tục ổn định đời sống cho người dân sau tái định cư, hàng năm, Ủy ban Nhân dân huyện Thuận Châu đã rà soát, nắm bắt đời sống của bà con, từ đó, đưa ra các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ họ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nâng cao đời sống.

Ông Phạm Văn Lâm, Phó Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện Thuận Châu cho biết: Thực hiện Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế-xã hội vùng tái định cư Thủy điện Sơn La giai đoạn 2, huyện đã triển khai thực hiện và hoàn thành được 9 dự án cơ sở hạ tầng với tổng mức đầu tư khoảng 25 tỷ đồng.

Trong năm 2023, 2024, huyện tiếp tục triển khai 99 dự án, trong đó có 80 dự án nâng cấp, sửa chữa đường giao thông, 19 dự án cấp nước sinh hoạt, công trình thủy lợi. Sau khi triển khai thực hiện các dự án này, kết cấu hạ tầng của các khu, điểm tái định cư sẽ được ổn định, góp phần phát triển kinh tế-xã hội./.

Cuộc sống mới của người dân trên vùng tái định cư Thủy điện Sơn La ảnh 5Người dân bản tái định cư Quỳnh Phiêng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu (Sơn La) chăm sóc cây bắp cải. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.