Trong sáu tháng đầu năm, điểm nổi bật của kinh tế thế giới có cả dấu hiệu tích cực từ các nền kinh tế lớn pha lẫn với tình trạng bất ổn ở một số khu vực có sức ảnh hưởng lớn đến thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Mặc dù trong thế giới có quá nhiều biến động, bất ổn địa-chính trị như hiện nay, đà phục hồi còn bấp bênh của kinh tế thế giới dễ dàng bị xoay chuyển theo chiều hướng không thuận lợi, nhưng nhiều người vẫn hy vọng vào những vệt sáng trong những tháng cuối năm.
Để hiểu rõ hơn về tình hình kinh tế thế giới hiện nay, phóng viên TTXVN đã có cuộc trò chuyện với phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, Học viện Ngoại giao Việt Nam.
- Thưa ông Nguyễn Anh Tuấn, sau cú “sảy chân” quý đầu năm 2014, tăng trưởng kinh tế Mỹ đã vững hơn trong ba tháng trở lại đây. Vậy hiện tại đã có đủ cơ sở để chúng ta tin tưởng vào sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới hay chưa?
- Ông Nguyễn Anh Tuấn: Thông tin tích cực nhất đối với kinh tế Mỹ trong 6 tháng đầu năm nay là lòng tin của các nhà đầu tư và người tiêu dùng đều gia tăng. Điều này sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư “đổ tiền” vào hoạt động sản xuất, lĩnh vực dịch vụ, bất động sản; người tiêu dùng tăng chi tiêu và đây chính là động lực tạo đà phục hồi cho kinh tế Mỹ.
Bên cạnh đó, nền kinh tế lớn thế giới cũng được hỗ trợ nhờ sự đi lên của giá bất động sản, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 có nguồn gốc từ sự đổ vỡ của thị trường nhà đất.
Một nhân tố khác cũng có tác động tích cực đối với kinh tế Mỹ trong nửa đầu năm nay là chính sách nới lỏng tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), với việc áp dụng lãi suất siêu thấp và chương trình mua trái phiếu trị giá hàng chục tỷ USD mỗi tháng.
- Tháng 6/2014, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã hạ lãi suất chủ chốt xuống mức thấp kỷ lục, trong đó lãi suất tiền gửi lần đầu tiên trong lịch sử bị hạ xuống mức âm. Theo ông, động thái quyết liệt này có ý nghĩa như thế nào đối với kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trên con đường vươn lên từ khủng hoảng với nhiều khó khăn còn tồn đọng?
- Ông Nguyễn Anh Tuấn: Để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu, các nhà lãnh đạo khu vực này đã đưa ra nhiều biện pháp, trong đó chính sách nới lỏng tiền tệ đóng vai trò rất quan trọng. Việc giảm mức lãi suất tiền gửi xuống âm 0,1% sẽ thúc đẩy nhu cầu đầu tư, tiêu dùng, đồng thúc tạo thuận lợi cho hoạt động tín dụng của các ngân hàng, qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, tạo việc làm. Thêm vào đó, hạ lãi suất cũng làm giảm giá đồng euro so với các đồng tiền chủ chốt khác và kích thích lĩnh vực xuất khẩu. Nhờ vào biện pháp này, châu Âu có thể dần thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ.
- Biến động chính trị, xung đột giữa các nhóm lợi ích trên đất nước Ukraine và khu vực Trung Đông đang làm thay đổi cục diện kinh tế tại quốc gia, khu vực này và cả nền kinh tế thế giới ra sao?
- Ông Nguyễn Anh Tuấn: Mặc dù cùng gây ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ, song tình trạng xung đột tại Ukraine và Trung Đông có nhiều điểm khác biệt. Tại Ukraine, bất ổn bắt đầu từ đầu năm 2014, với việc lực lượng nổi dậy chống lại chính quyền của cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych và sau đó là sự sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga. Động thái này đã gây nên tình trạng căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine-Liên minh châu Âu (EU)-Mỹ.
Với việc phương Tây tiến hành áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Moskva, hoạt động huy động vốn của Nga trở nên khó khăn, khi lượng vốn đổ vào Nga trong 6 tháng đầu năm nay là 4 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức 16 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, việc áp dụng các lệnh trừng phạt cũng gây thiệt hại cho cả EU và Mỹ.
- Dầu mỏ - “huyết mạch” của nền kinh tế toàn cầu - liên tục tăng giá là mối đe dọa lớn đối với kinh tế thế giới trong nửa đầu năm nay. Theo ông, sự bấp bênh của nguồn cung giữ giá dầu ở mức cao gây ra những hệ lụy nào cho hoạt động kinh tế trên thế giới?
- Ông Nguyễn Anh Tuấn: Bất ổn địa chính trị tại các nước Trung Đông như Iran, Iraq, Syria, gây ra tình trạng gián đoạn nguồn cung và buộc nhiều nước phải mua thêm dầu mỏ để đảm bảo an ninh năng lượng. Điều này đã đẩy giá dầu trên thị trường thế giới lên cao và ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động kinh tế, trong bối cảnh “vàng đen” là “đầu vào” của nhiều khu vực sản xuất.
Điển hình, tại Trung Quốc, người khổng lồ châu Á này tiêu thụ khoảng 8,5 triệu thùng dầu/ngày, trong khi lượng sản xuất trong nước chỉ đáp ứng ở mức 3,6 triệu thùng dầu/ngày. Trong nửa đầu năm nay, giá dầu đã tăng rất mạnh (trên 100 USD/thùng), đặc biệt là sau vụ máy bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia rơi tại Ukraine. Một số người dự đoán giá dầu sẽ vọt lên 120 USD/thùng.
- Theo nhận định của ông thì chúng ta có thể mong chờ những tín hiệu kinh tế tích cực nào trong những tháng còn năm 2014?
- Ông Nguyễn Anh Tuấn: Tôi nghĩ rằng điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế thế giới 6 tháng cuối năm 2014 là ở 3 nền kinh tế Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ. Chúng ta có thể hy vọng ở kinh tế Nhật Bản, bởi lẽ chính sách kinh tế của ông Shinzo Abe đã giúp kinh tế Nhật Bản phát triển trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt có sự phát triển mạnh nhất trong ba tháng gần đây. Với tình hình kinh tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cứ đà này kinh tế Nhật Bản sẽ phát triển tốt trong 6 tháng cuối năm cùng với nền kinh tế khác đưa kinh tế thế giới đi lên.
Điểm sáng thứ hai là nền kinh tế Trung Quốc, mặc dù tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đã giảm từ 10% xuống khoảng 7 đến 8% song so với các nước đây vẫn là mức cao.
Ông Tập Cận Bình đã nói nền kinh tế Trung Quốc phải quen với mức tăng trưởng kinh tế không cao như trước nhưng cũng không thể chậm quá được. Bởi lẽ, nếu chậm quá sẽ gây ra những bất ổn xã hội. Chính vì thế, Trung Quốc sẽ không để nền kinh tế của họ đi xuống.
Điểm sáng thứ ba, theo tôi, nền kinh tế Ấn Độ có sự phục hồi rất mạnh mà đặc biệt là chính sách hỗ trợ xuất khẩu với việc chính phủ duy trì đồng rupi yếu. Điều này sẽ giúp kinh tế Ấn Độ tăng trưởng tương đối tốt.
- Vâng thưa ông, hy vọng thì rất nhiều nhưng những rủi ro đang đe dọa đà hồi phục còn mong manh của kinh tế thế giới cũng không ít. Ông có thể đánh giá về mức độ cao thấp của những rủi ro và thách thức đang đón chờ kinh tế toàn cầu ở phía trước?
- Ông Nguyễn Anh Tuấn: Tôi cho rằng kinh tế thế giới có thể tăng trưởng 3,4% hay 3,5% trong năm 2014 nhưng cũng không thể lường trước được cục diện chính trị thế giới sẽ như thế nào. Khủng hoảng Nga-Ukraine, Nga và EU sẽ ra sao, nếu rất căng thẳng thì kinh tế Nga, EU sẽ tăng trưởng chậm lại, hệ quả là kinh tế Mỹ, kinh tế Mỹ Latinh rồi kinh tế một số nước châu Phi phụ thuộc nhiều vào kinh tế châu Âu sẽ bị ảnh hưởng theo. Hiện nay, kinh tế thế giới nói chung cũng như kinh tế Mỹ và một số nền kinh tế khác trên thế giới đang tăng trưởng nhờ vào chính sách tiền tệ.
Thời gian tới, với việc Mỹ giảm gói QE3 còn 35 tỷ/tháng như hiện nay hay dưới 30 tỷ USD/tháng hoặc cắt đi hoàn toàn thì đấy sẽ là một nguy cơ, có thể làm kinh tế thế giới suy giảm. Một điểm nữa, đó là nếu cắt đi những chính sách kích thích kinh tế trong khi chính sách thắt lưng buộc bụng vẫn được tiếp tục thì có thể tổng cầu sẽ giảm xuống làm cho nền kinh tế thế giới giảm sút.
Chính vì vậy, các chuyên gia kinh tế đã khuyến cáo ngân hàng trung ương các nước đặc biệt lưu ý khi loại bỏ các chương trình kích thích kinh tế, loại bỏ phải rất từ từ, vừa loại bỏ vừa xem tín hiệu từ nền kinh tế.
- Ông dự báo thế nào về tương lai của kinh tế thế giới cũng như triển vọng kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm nay?
- Ông Nguyễn Anh Tuấn: Như tôi đã phân tích, kinh tế thế giới 2014 sẽ khá hơn năm 2013 vì tất cả các nền kinh tế đều có dấu hiệu phục hồi dù là mong manh. Kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm cũng phát triển tốt, thị trường xuất khẩu có dấu hiệu phục hồi. Nửa cuối năm, sau vụ giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981), tôi nghĩ rằng với sự năng động, điều hành quyết đoán của chính phủ, chúng ta đa dạng hóa bạn hàng, tránh bị phụ thuộc vào Trung Quốc và có điều kiện thúc đẩy nền kinh tế đi lên. Chính vì vậy, Chính phủ cho đến giờ chưa điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, giữ tăng trưởng kinh tế Việt Nam cả năm ở mức 5,8%.
- Xin cám ơn ông!