“Đã rút ngắn các quy trình khám chữa bệnh tại các bệnh viện”

Khảo sát, đánh giá các quy trình khám chữa bệnh ở các bệnh viện trước kia cho thấy có 12-13 quy trình, nay rút ngắn còn 6 bước khi người bệnh khám bệnh hông thường và chỉ với 1 xét nghiệm.
Bác sỹ khám, điều trị cho bệnh nhân. (Ảnh: TTXVN)

Giảm tình trạng quá tải để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người hưởng được hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao là vấn đề luôn được ngành y tế và người dân quan tâm.

Trong một năm qua, ngành y tế đã có những giải pháp hết sức tích cực. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này và kết quả triển khai trong thời gian qua, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với phó giáo sư Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế).

- Thưa phó giáo sư Lương Ngọc Khuê, sau một thời gian dài Bộ Y tế thực hiện các biện pháp giảm tải như bệnh viện vệ tinh, rút ngắn các quy trình khám chữa bệnh thì cho đến nay sự giảm tải ở các bệnh viện như thế nào?

Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê: Trong những năm gần đây lãnh đạo Bộ Y tế đã chỉ đạo quyết liệt đối với các bộ, cục chức năng của Bộ Y tế cũng như các bệnh viện, việc quản lý khám chữa bệnh được giao trách nhiệm đầu mối để thực hiện nhiệm vụ này nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Trong đề án giảm tải đã trình Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt, đã có rất nhiều giải pháp ngắn hạn, dài hạn mang tính chiến lược. Tuy nhiên, việc đầu tiên chúng tôi xác định là cải cách các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian khám chữa bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nhân khám bảo hiểm y tế với mục tiêu đem lại sự hài lòng và nâng cao chất lượng, lấy người bệnh làm trung tâm.

Khảo sát, đánh giá các quy trình khám chữa bệnh ở các bệnh viện trước kia cho thấy có 12-13 quy trình. Chúng tôi đã làm việc với Hội Bảo hiểm Việt Nam rút ngắn còn 6 bước khi người bệnh khám bệnh thông thường và chỉ với một xét nghiệm.


- Xin ông cho biết cụ thể hơn những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua?


Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê:
Trước kia ở các bệnh viện người bệnh phải chờ đợi khá lâu, thậm chí đến 1-2 ngày, chúng tôi đã xem xét và rút ngắn lại thời gian tùy theo điều kiện người bệnh ở các chuyên khoa khác nhau.

Bên cạnh đó, tất cả các bệnh viện phải công khai bảng giá viện phí, công khai các bước khám bệnh, công khai các bàn khám bệnh và đặc biệt phải triển khai việc lấy số điện tử. Khi người bệnh đến sẽ được đón tiếp, lấy số điện tử và đi vào các bàn khám.

Tất cả các khoa khám bệnh được cải tạo, có chỗ ngồi chờ dành cho bệnh nhân, có quạt mát; cải tạo các khu vực vệ sinh; khu vực cảnh quang trong bệnh viện cũng cải thiện cụ thể với từng biển chỉ dẫn khoa phòng, biển cấp cứu, biển nơi gửi xe...

Thời gian qua, Bộ Y tế cũng đã thiết lập, tăng cường hiệu quả của đường dây nóng. Chúng tôi đã tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Y tế, các bệnh viện hiện nay đều có ít nhất hai đường dây nóng, một là của nơi trực bệnh viện, một là của giám đốc bệnh viện.

Mục tiêu của đường dây nóng nhằm phản ánh kịp thời các bức xúc của bệnh nhân khi đến bệnh viện mà không được tổ chức cấp cứu ngay về mặt chuyên môn; Những trường hợp gây phiền hà cho người bệnh, tinh thần thái độ không đúng...

Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê phát biểu trong một hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

- Chúng ta có thể thấy những nỗ lực rất lớn của Bộ Y tế trong việc giảm tải ở các bệnh viện. Vậy, xin phó giáo sư cho biết nguyên nhân của việc quá tải ở các bệnh viện hiện nay?


Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê:
Trong báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi cũng đã tổng hợp trình Bộ trưởng Bộ Y tế đề án giảm tải. Nguyên nhân đầu tiên có lẽ là điều kiện giường bệnh còn thấp so với các nước trong khu vực.

Các nước ASEAN 33,4 giường bệnh trên 10.000 dân, ở Nhật và các nước tiên tiến khác khoảng 80-90 giường bệnh trên 10.000 dân, chúng ta hiện nay giường bệnh kế hoạch mới là 22,4 giường bệnh trên 10.000 dân. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi nước ta là nước đang phát triển, sau chiến tranh còn nhiều khó khăn thách thức.

Thứ hai, đó là cơ sở hạ tầng, các bệnh viện vẫn còn hạn chế, mặc dù đã được đầu tư trái phiếu, các bệnh viện ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh rất quá tải, chưa được xây dựng mới còn bệnh viện ở các tuyến điều kiện về trang thiết bị và cơ sở vật chất còn khá hạn chế.

Thứ ba đó là do sự phát triển của kinh tế xã hội, ý thức chăm sóc sức khỏe của người dân tốt hơn, ai cũng mong được đến nơi cao nhất để khám chữa bệnh. Đó là kết quả đạt được của việc tuyên truyền giáo nâng cao sức khỏe, đây cũng là điều đáng mừng bởi người dân biết chăm lo sức khỏe hơn.

Thứ tư, về mô hình bệnh tật của Việt Nam hiện nay đứng giữa mô hình bệnh tật kép của nước đang phát triển, những bệnh như giun sán vẫn còn nhiều, những bệnh tưởng chừng đã thanh toán ở những năm trước kia như tiêu chảy cấp, phẩy khuẩn tả quay trở lại, bệnh tưởng chừng đã hết như sởi chỉ cần điều chỉnh đơn giản tại nhà cũng bùng lên như một cơn dịch có ở hơn 100 nước trên thế giới. Các bệnh truyền nhiễm mới nổi như H1N1, H5N1, Sars, sốt xuất huyết, lao, tay chân miệng... Đặc biệt căn bệnh thế kỷ HIV đang là một gánh nặng y tế. Gần đây mới nổi lên những căn bệnh như Ebola ở châu Phi, H7N9 ở Trung Quốc luôn luôn rình rập, sẵn sàng xâm nhập vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, các tuyến y tế cơ sở trong điều kiện hoạt động kinh tế thị trường hiện nay cũng như điều kiện đầu tư cho nên cơ sở vật chất, cán bộ còn những cái là thiếu và còn những cái là yếu. Do vậy, niềm tin của người dân của đối với các tuyến dưới chưa đầy đủ, chất lượng cũng chưa đáp ứng được, nên người bệnh dồn lên tuyến trên. Chẳng hạn như, đối với các bệnh viện tim mạch, ung thư thì có đến 2-3 người nằm 1 giường, thậm chí 4-5 người loanh quanh ở giường bệnh, rất đáng khổ tâm.


Xin cảm ơn phó giáo sư Lương Ngọc Khuê!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục