Đại dịch COVID-19 nhuộm một màu ảm đạm lên kinh tế toàn cầu

Thêm 3,2 triệu người Mỹ xin trợ cấp thất nghiệp; sản lượng công nghiệp của Đức và Pháp giảm mạnh với các mức tương ứng là 9,2% và 16,2% trong tháng Ba, còn GDP của của Anh ước giảm 14% trong năm nay.
Những người thất nghiệp tới nhận thực phẩm cứu trợ bên ngoài sòng bài Palace Station ở Las Vegas, Nevada, Mỹ ngày 7/5/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Những người thất nghiệp tới nhận thực phẩm cứu trợ bên ngoài sòng bài Palace Station ở Las Vegas, Nevada, Mỹ ngày 7/5/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một loạt các số liệu kinh tế ảm đạm mới được công bố ngày 7/5 đang cho thấy tác động mạnh của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, khi châu Âu tiếp tục nới lỏng các biện pháp phong tỏa trong nỗ lực đưa người dân trở lại với công việc.

Trong nhiều tuần, các nhà kinh tế đã cảnh báo đại dịch sẽ khiến kinh tế toàn cầu rơi vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại Suy thoái những năm 1930 và các số liệu mới đã cho thấy mức độ tác động đến đâu.

Số liệu mới cho thấy có thêm 3,2 triệu người Mỹ xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước, trong khi sản lượng công nghiệp của Đức và Pháp giảm mạnh với các mức tương ứng là 9,2% và 16,2% trong tháng Ba, còn GDP của Anh ước giảm 14% trong năm nay.

Hàng không và du lịch nằm trong số các lĩnh vực chịu tác động mạnh nhất do đại dịch, khi các chuyến bay trên toàn cầu bị dừng và các biện pháp giãn cách xã hội khiến các chuyến du lịch và công tác bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

[Các hãng bay đang đối mặt với những thách thức mang tính sống còn]

Tổ chức Du lịch Thế giới ngày 7/5 cho biết lượng du khách quốc tế sẽ giảm 60-80% trong năm 2020 do đại dịch.

Các chính phủ trên khắp thế giới đang chịu sức ép lớn trong hạn chế những tác động kinh tế do các biện pháp được thực hiện nhằm kiểm soát đại dịch đã khiến hơn 266.000 người tử vong và 3,8 triệu người mắc này, và buộc một nửa dân số toàn cầu bị phong tỏa.

Nhiều nước châu Âu đang thận trọng nới lỏng các biện pháp hạn chế với hy vọng ổn định các nền kinh tế, với một số cửa hàng và trường học sẽ mở cửa trở lại, Italy cho phép các nhà thờ mở cửa từ ngày 18/5 và Na Uy mở lại các quán rượu từ ngày 1/6.

Việc nới lỏng hạn chế đã được bắt đầu tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, trong khi Pháp sẽ dỡ bỏ các biện phong tỏa được áp dụng từ giữa tháng Ba từ ngày 11/5.

Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson được cho là sẽ đưa ra một lộ trình nới lỏng các biện pháp hạn chế vào ngày 10/5.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đang thúc đẩy việc dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo vẫn cần duy trì việc giãn cách xã hội cho đến khi có vắcxin phòng chống COVID-19 và cần ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ hai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.