Nhiều thế hệ người Việt hẳn vẫn còn nhớ chương trình “Đọc truyện đêm khuya” trên radio. Những giọng đọc truyền cảm rủ rỉ bên tai đưa người nghe dần dần chìm vào giấc ngủ. Đó là phiên bản sơ khai của sách nói ngày nay.
Đến thời đại công nghệ số, sách nói đã trở thành một xu hướng mới của hoạt động xuất bản, một phần không thể thiếu của văn hóa đọc. Song hành cùng sách in truyền thống, sách nói ngày càng có vị thế trong cộng đồng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, mọi người có nhiều thời gian ở nhà hơn, trong khi nhiều kênh giải trí lại bị ngưng hoạt động.
Khi độc giả trở thành thính giả
Chị Xuân Nguyễn, CEO của Fonos, một trong những ứng dụng sách nói đầu tiên tại Việt Nam cũng đồng tình với quan điểm này.
“Nhịp sống hiện đại khiến cho việc bỏ ra 1-2 tiếng đồng hồ chuyên tâm đọc một cuốn sách cũng trở thành điều xa xỉ. Trong khi đó, chúng ta có thể tận dụng thời gian chờ đợi một ai đó, di chuyển trên tàu xe hay trong khi tập thể dục, làm việc nhà… để nghe một cuốn sách,” chị Xuân Nguyễn cho biết.
Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus, chị Xuân Nguyễn khẳng định xu thế phát triển của sách nói là tất yếu.
Sách nói tiện dụng, giúp cho chúng ta có cảm giác không lãng phí thời gian. Sách nói có bản quyền, đa dạng thể loại, không ảnh hưởng đến thị lực của người đọc. Chừng ấy ưu điểm khẳng định rằng sách nói ngày càng phù hợp với nhịp sống hiện đại.
Ông Lê Hoàng Thạch, CEO của Công ty WeWe, đơn vị sở hữu ứng dụng sách nói có bản quyền Voiz FM, chia sẻ rằng lúc mới thành lập, đã nhiều người nói rằng người Việt Nam chưa có thói quen trả tiền để nghe sách.
"Tuy nhiên, sau gần 2 năm ra mắt, Voiz FM đã có 2.000 đầu sách, 300.000 người dùng, những con số này đã chứng minh điều ngược lại. Đây là một tín hiệu tích cực giúp chúng tôi tin vào con đường mà mình đã chọn,” ông chia sẻ.
Đã là sách nói, thì yếu tố âm thanh, giọng đọc là vô cùng quan trọng. Các nhà xuất bản hiện nay đang có sự đầu tư chỉn chu ở khía cạnh này. Nhiều giọng đọc rất truyền cảm, hấp dẫn, khiến người nghe dễ “thấm” câu chuyện. Ngoài ra, nhiều nền tảng còn chèn thêm phần hình ảnh, video, tiếng động, âm nhạc. Sách nói trở thành một phiên bản mới mẻ, hấp dẫn so với tác phẩm gốc.
CEO Xuân Nguyễn cho hay mất vài tuần đội ngũ Fonos mới thực hiện xong một cuốn sách nói có thời lượng trung bình khoảng 8 giờ. Đó thực sự là một tác phẩm chỉn chu, có thể thuyết phục người đọc bỏ tiền ra mua sách.
Fonos tổ chức casting giọng đọc giống như quá trình tìm diễn viên cho một bộ phim. Sau khi tìm được giọng phù hợp cho cuốn sách, công ty thực hiện thu âm trong môi trường chuyên nghiệp để đảm bảo chất lượng âm thanh và sự bảo mật của tác phẩm. Khi đạt yêu cầu chất lượng, phần thu âm sẽ được chuyển sang bộ phận hậu kỳ để biên tập và chèn thêm nhạc nền. Cuối cùng, khi bản thu âm đã hoàn chỉnh thì mới được xuất bản.
Để sách nói ngày càng lan tỏa
Sách nói không chỉ hữu dụng với độc giả nói chung mà còn đặc biệt có ý nghĩa nhân văn với những người khiếm thị.
Tổ chức từ thiện phi chính phủ Vietnam and Friends (Việt Nam và những người bạn) đang thực hiện thu âm các bản sách nói để phục vụ những người không thể đọc được sách in thông thường. Mục tiêu ban đầu là 1.000 đầu sách sẽ được đưa lên mạng Internet thông qua một ứng dụng đọc sách dành riêng cho người khiếm thị.
[Ngành xuất bản năm 2021: Vượt khó để phát triển theo hướng tinh túy]
Nghệ sỹ ưu tú Bạch Lang, hiện đang công tác tại Nhà hát Múa rối Thăng Long là một trong những tình nguyện viên của dự án này.
Kể từ năm 2020 đến nay, anh đã thu âm những tác phẩm rất có giá trị trong kho tàng văn học Việt Nam như “Quê nội” và “Tảng sáng” của nhà văn Võ Quảng, “Thương nhớ Mười Hai” và “Món lạ miền Nam” của nhà văn Vũ Bằng, “Lãng du trong văn hóa Việt Nam” của tác giả Hữu Ngọc...
“Sách nói có một ưu điểm lớn là dễ dàng tiếp cận và lưu trữ, chỉ bằng một cú nhấp chuột. Đó là điều mà sách in không làm được. Sự phát triển của loại hình này chắc chắn sẽ còn tiếp tục lớn mạnh trong thời gian tới. Đặc biệt, đối với riêng người khiếm thị, sách nói giúp mở ra một thế giới mới lạ, đặc sắc. Họ sẽ được tiếp cận với sách qua giọng đọc của một người khác, tôi cho rằng điều đó thật nhân văn và tăng sự kết nối trong cộng đồng,” nghệ sỹ nhận định.
Dịch giả Nguyễn Lệ Chi, Giám đốc Công ty Chibooks, cho hay đơn vị này đang bán bản quyền để các đơn vị khác triển khai sản xuất sách nói. Bà Chi cho hay việc xét duyệt cấp phép sách điện tử và sách nói dễ dàng và nhanh chóng hơn trước kia, tuy nhiên vẫn không có nhiều đơn vị thực sự đầu tư làm sách nói với số lượng lớn ở thời điểm hiện tại.
Bên cạnh các lý do về doanh thu không cao, sản xuất tốn kém, thì việc sách nói dễ bị xâm phạm bản quyền có thể khiến đơn vị làm sách chùn bước.
Dù vậy, bà Chi khẳng định rằng ngành xuất bản Việt Nam sẽ hòa chung dòng chảy với khu vực và quốc tế, thị phần sách nói chắc chắn sẽ được nhiều đơn vị chú ý hơn.
"Tôi tin rằng nếu luật pháp Việt Nam đưa ra những quy định chặt chẽ hơn, thậm chí áp luật hình sự đối với các đơn vị làm sách lậu (áp dụng cho cả các loại sách giấy, sách điện tử và sách nói) đồng thời phạt tiền với trị giá cao thì các doanh nghiệp mới dám mạnh dạn đưa những đứa con tinh thần của mình chuyển đổi sang sách nói," bà Chi cho biết.
Ở cương vị cơ quan quản lý, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, cho biết cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để phát triển lĩnh vực xuất bản theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chú trọng các giải pháp chuyển đổi số.
Cụ thể, Cục Xuất bản, In và Phát hành sẽ xây dựng chính sách đầu tư khuyến khích cho xuất bản điện tử phát triển cùng với giải pháp tuyên truyền về bảo vệ bản quyền đồng thời có chế tài mạnh mẽ hơn đối với hành vi vi phạm bản quyền. Mặt khác, Nhà nước sẽ đầu tư nguồn lực cho một số nhà xuất bản, đơn vị trọng điểm để phát triển./.