Đại đoàn kết dân tộc nhìn từ góc độ lý luận và thực tiễn lịch sử

Để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, yêu cầu đặt ra cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là mở rộng nghiên cứu, tổng kết những vấn đề lý luận, thực tiễn về đoàn kết và đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đại đoàn kết dân tộc nhìn từ góc độ lý luận và thực tiễn lịch sử ảnh 1Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chiều 29/9, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đại đoàn kết toàn dân tộc - Những vấn đề lý luận và thực tiễn lịch sử.”

Tiến sỹ Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Tiến sỹ Lê Mậu Nhiệm, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chủ trì Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu nhấn mạnh, trải qua những thăng trầm của lịch sử, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành một trong những bài học kinh nghiệm lớn, là phương thức và cũng là điều kiện bảo đảm thực hiện thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước hiện nay, bài học kinh nghiệm này còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục phát huy nhằm khơi dậy sức mạnh to lớn của toàn dân tộc để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Để tiếp tục xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh của tinh thần đoàn kết trong giai đoạn mới, khẳng định vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, một trong những yêu cầu đặt ra cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là mở rộng nghiên cứu, tổng kết những vấn đề lý luận, thực tiễn về đoàn kết và đại đoàn kết toàn dân tộc.

Qua đó có cơ hội nhìn lại vai trò, sự kế thừa truyền thống và những thành tựu cũng như hạn chế về đường lối, chính sách đoàn kết dân tộc trong lịch sử dựng nước, giữ nước của nhân dân ta để có thêm những bài học kinh nghiệm quý.

[Đổi mới để triển khai hiệu quả công tác Mặt trận năm 2022]

"Có nhận thức đúng, hiểu đúng các giá trị của đoàn kết và tầm quan trọng của việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ góp phần củng cố niềm tin vào sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Từ đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với vị trí là trung tâm của khối đại đoàn kết, nơi tập hợp, xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ có thêm kinh nghiệm và sự vận dụng sáng tạo để thực hiện tốt hơn vai trò, sứ mệnh của mình trong hiện tại. Đồng thời, kết quả nghiên cứu sẽ đóng góp vào việc bổ sung, phát triển hệ thống lý luận cơ bản về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,” ông Lê Tiến Châu khẳng định.

Khẳng định đại đoàn kết toàn dân tộc là một trong những giá trị cốt lõi của văn hóa Việt Nam, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, đại đoàn kết còn là cội nguồn của sức mạnh dân tộc, đã tạo nên sức sống trường tồn của dân tộc Việt Nam trong quá khứ và cả trong hiện tại, được thể hiện qua các khía cạnh như đại đoàn kết trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, phát triển kinh tế-xã hội; đại đoàn kết trong chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc; đại đoàn kết để xây dựng một quốc gia thống nhất và thống nhất dân tộc...

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Hậu, nguyên Giám đốc Trung tâm công tác lý luận Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, để nâng cao chất lượng, hiệu quả của đoàn kết dân tộc, khắc phục những hạn chế, nên tìm hiểu sâu hơn nội hàm và các nguyên tắc xây dựng khối đoàn kết dân tộc trong điều kiện nước ta hiện nay.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Hậu, mọi điều hay, lẽ phải trên lý thuyết về đoàn kết dân tộc chỉ có ý nghĩa và có sức thuyết phục khi mỗi thành viên trong cộng đồng dân tộc thực hiện những việc làm cụ thể, ý nghĩa trong đời sống hằng ngày, nhằm góp phần vào việc phát huy truyền thống tốt đẹp này.

Do đó, nguyên tắc then chốt trong xây dựng đoàn kết dân tộc là kết hợp lý thuyết với thực hành, nói đi đôi với làm. Tách rời nói và làm tự nó sẽ phủ định ý nghĩa của đoàn kết dân tộc, khi đó đoàn kết dân tộc trở hình thức, xói mòn lòng tin của người dân, dẫn đến hậu quả khôn lường.

“Phải tin vào dân, dựa vào dân, phấn đấu vì quyền lợi của nhân dân với tất cả tinh thần trách nhiệm, tình cảm cách mạng thương yêu nhân dân, đền ơn đáp nghĩa với dân để đoàn kết toàn dân,” Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Hậu nhấn mạnh.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hà (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), để góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc các cấp đáp ứng nhiệm vụ thực tiễn là một yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Đại đoàn kết dân tộc nhìn từ góc độ lý luận và thực tiễn lịch sử ảnh 2Tiến sỹ Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng thư ký, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong giai đoạn hiện nay, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hà đề xuất, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, bồi dưỡng và phát huy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, truyền thống uống nước nhớ nguồn, nhân nghĩa, khoan dung, ý thức về sức mạnh đại đoàn kết trong quá trình phát triển đất nước.

Bên cạnh đó, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cần được tiếp tục đổi mới nhằm phát huy tốt hơn vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, thực hiện sáng tạo, hiệu quả chức năng giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận, làm rõ thêm một số vấn đề lý luận về đại đoàn kết toàn dân tộc, như nhận thức chung về đại đoàn kết toàn dân tộc và vấn đề xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; các nguyên tắc, nội dung, phương thức xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phân tích mối quan hệ giữa đại đoàn kết toàn dân tộc với đoàn kết quốc tế, với phát huy dân chủ, giữa xây dựng khối đại đoàn kết với việc giải quyết các vấn đề về lợi ích; vai trò của nhà nước trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; các lý thuyết về đoàn kết xã hội…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục