Đại lễ Vesak 2019: Thảo luận 5 chuyên đề và dự thảo Tuyên bố Hà Nam

Trong khuôn khổ chương trình Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2019, ngày 13/5, các đại biểu dành cả ngày thảo luận về 5 chuyên đề xoay quanh chủ đề chính của Đại lễ năm nay.
Đại lễ Vesak 2019: Thảo luận 5 chuyên đề và dự thảo Tuyên bố Hà Nam ảnh 1Các đại biểu Phật giáo quốc tế trao đổi bên lề hội thảo chuyên đề, ngày 13/5. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trong khuôn khổ chương trình Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2019, ngày 13/5, các đại biểu dành cả ngày thảo luận về 5 chuyên đề xoay quanh chủ đề chính của Đại lễ năm nay là “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững.”

Năm hội thảo nhóm tập trung vào các vấn đề: Sự lãnh đạo bằng chính niệm vì hòa bình bền vững; Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xã hội bền vững; cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục đạo đức toàn cầu; Phật giáo và Cách mạng công nghiệp 4.0; cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững.

Gần 400 bài tham luận của các học giả quốc tế và 110 bài tham luận bằng tiếng Việt đã được gửi đến hội thảo, được các học giả thảo luận sôi nổi tại các phiên, trong đó tập trung phân tích về giáo lý của Phật giáo, hướng con người tới hòa bình, tránh xa xung đột, cùng nhau hành động đi đến một xã hội tốt đẹp hơn, thế giới bền vững hơn.

[Đại lễ Vesak 2019: Phật giáo và cách mạng công nghiệp 4.0]

Các ý kiến tại hội thảo cho rằng, điểm cốt lõi của chính niệm là con đường ngắn nhất đưa đến thành đạo. Để đạt được hòa bình bền vững, phải thực hành chính niệm từ bên trong bản thân, nâng cao khả năng thực hành chính niệm, kết hợp kỹ năng lãnh đạo với chính niệm… Hòa bình bền vững có thể được dẫn dắt bởi những nhà lãnh đạo tài ba ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhà lãnh đạo phải thực sự có có trí tuệ, sống cuộc đời chính niệm và an lạc. Sẽ không có hòa bình thực sự nếu như không có an tĩnh trong tâm hồn. Nếu như tâm thức của chúng ta đều an lạc và từ bi, xã hội và thế giới này sẽ tràn ngập bình an và nhân văn. Để nuôi dưỡng sự an lạc và trí tuệ, dường như hành thiền là một trong những cách tốt nhất và hiệu quả nhất.

Các đại biểu cho rằng, hoạt động của con người do tâm mà ra. Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong hình thành đạo đức xã hội. Giáo lý Phật giáo là sự an lành, thể hiện một nếp sống đạo đức mà khi trải nghiệm sẽ nhận được các giá trị hạnh phúc, khi an lành được sẻ chia thì hòa bình sẽ đến và xã hội sẽ phát triển bền vững.

Liên quan đến chủ đề “Phật giáo và cách mạng công nghiệp 4.0”, đại biểu nhấn mạnh, những thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ góp phần hỗ trợ Phật giáo trong hoạt động tổ chức, quản lý và hoằng pháp, đưa Phật giáo tới gần hơn nữa với đời sống sinh hoạt của người dân. Giáo dục Phật giáo đã đóng góp nhiều cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như sử dụng những chính niệm, từ bi trong việc sử dụng công nghệ hiện đại trên không gian mạng, loại bớt những ngôn từ mang tính hận thù, gây chia rẽ trên không gian mạng.

Chia sẻ quan điểm về chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững,” đại biểu cho rằng, hiện nay chúng ta đang đối mặt với nhiều vấn đề về lương thực, sức khỏe, gia đình. Những vấn đề này xảy ra trên khắp thế giới, không chỉ tại một quốc gia. Không giải quyết được những vấn đề này, con người không thể làm được bất cứ điều gì.

Trong khuôn khổ Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc – Vesak 2019, tối 13/5 đã diễn ra chương trình Lễ hội hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới với sự hiện diện của Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Tối cùng ngày, Ban thư ký Đại lễ Vesak 2019 đã họp, tổng hợp kết quả hội thảo và thảo luận dự thảo “Tuyên bố chung Vesak 2019 - Tuyên bố Hà Nam”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục