Đài Loan đứng thứ tư về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

Đài Loan có 2.401 dự án đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 28,5 tỷ USD, quy mô vốn bình quân mỗi dự án khoảng 11,8 triệu USD/dự án.
Đài Loan đứng thứ tư về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trong quý 1/2015, Đài Loan đã đầu tư 14 dự án mới và 5 dự án tăng vốn tại Việt nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký 47 triệu USD. Hiện, Đài Loan đang đứng vị trí thứ tư trong số  các quốc gia và vùng lãnh thổ có các dự án đầu tư tại Việt Nam.

Như vậy lũy kế đến tháng Ba, Đài Loan có 2.401 dự án đầu tư vào Việt Nam, tổng vốn đăng ký đạt khoảng 28,5 tỷ USD (chiếm 13% tổng số dự án và 11% tổng vốn đầu tư FDI của Việt Nam), quy mô vốn bình quân mỗi dự án khoảng 11,8 triệu USD/dự án.

Thông tin trên do Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố ngày 30/3.

Theo đó, các dự án của Đài Loan hiện tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với 1.872 dự án, giá trị đầu tư 23,5 tỷ USD, chiếm 78% tổng số dự án và 82,5% tổng vốn đăng ký của Đài Loan tại Việt Nam.

Tiếp đến, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai, với 26 dự án, giá trị vốn 1,69 tỷ USD (chiếm 6% tổng vốn đầu tư của Đài Loan).

Bên cạnh đó, ngành xây dựng đứng cũng thu hút được sự quan tâm đặc biệt từ các nhà đầu tư Đài Loan và giữ vị trí thứ 3, có 108 dự án với giá trị đầu tư đạt 1,5 tỷ USD (chiếm 5,4% tổng vốn đầu tư của Đài Loan).

Hiện, Hà Tĩnh là địa phương đứng đầu về thu hút FDI từ các nhà đầu tư Đài Loan, với 36 dự án, giá trị vốn đầu tư 10,2 tỷ USD (chiếm 36% tổng vốn đầu tư của Đài Loan tại Việt Nam). Trong đó, dự án Formosa Hà Tĩnh có vốn đầu tư là 9,996 tỷ USD và lớn nhất tại Việt Nam tại thời điểm này.

Đồng Nai xếp thứ thứ hai với 333 dự án, giá trị vốn đầu tư 4,8 tỷ USD và Bình Dương đứng thứ ba với 688 dự án và giá trị vốn đầu tư 2,6 tỷ USD./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.