Tác phong giản dị, gần gũi, Đại tá, nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng luôn để lại ấn tượng với bất kỳ ai ông từng gặp bởi niềm đam mê mãnh liệt với nhiếp ảnh.
* Vẹn nguyên cách sống giản dị của bộ đội Cụ Hồ
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng sinh năm 1947, ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, nhập ngũ năm 1968, là lính bộ đội Trường Sơn. Ông tốt nghiệp khóa 1 chuyên ngành nhiếp ảnh, trường Đại học Báo chí (1969-1973), là phóng viên ảnh của báo Quân đội Nhân dân.
Gần 50 năm trong quân ngũ, trong đó có 8 năm làm phóng viên chiến trường, khi được biệt phái sang Báo ảnh Việt Nam (thuộc Thông tấn xã Việt Nam ngày nay), những hồi ức đẹp nơi chiến trường máu lửa, hay những khó khăn, vất vả khi làm nhiệm trên đất bạn luôn nhắc nhở ông sống sao cho không thẹn với lòng, cho xứng với đồng chí, đồng đội đã từng cùng nhau vào sinh ra tử.
Căn phòng nhỏ chừng hơn chục mét vuông của vợ chồng nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng tại số 3 Đường Thành, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, được cơi thêm một gác xép nhỏ dường như không còn chỗ trống nào, trên tường, trong tủ hay góc nhà, bởi đâu đâu cũng thấy có ảnh.
Bộ bàn ghế mây giản dị được dùng để tiếp khách đặt ở giữa phòng là nơi người nghệ sỹ gần gũi với thiên nhiên bên ngoài ban công, vừa nhìn ngắm lại những tác phẩm của mình, vừa thuận lợi trong việc sắp xếp, tra cứu những thước phim, tư liệu quý. Không gian tuy nhỏ hẹp nhưng ông vẫn khéo léo dành một ngăn tủ bố trí những thiết bị sấy tiện lợi để lưu giữ, bảo quản phim, tư liệu.
Trước kia khi chưa nghỉ hưu, ông từng từ chối vị trí quản lý để chuyên tâm theo đuổi công việc chụp ảnh; nay ông cũng thường tự tổ chức triển lãm với tất cả khả năng của bản thân.
Bạn bè đều công nhận Trần Hồng là người sống có trước có sau và đã làm gì thì làm đến tận cùng. Ở ông còn có sự ngăn nắp, cẩn thận nên giờ đây tuy đã nghỉ hưu, tư liệu của ông vẫn cứ “ngồn ngộn”. Riêng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông đã lưu giữ được gần 2.000 bức chân dung và cũng có khoảng chừng ấy bức chụp các bà mẹ Việt Nam.
* Nhiếp ảnh - niềm đam mê trọn đời
Sự nghiệp báo chí của Trần Hồng bắt đầu ở giai đoạn cuộc chiến tranh chống Mỹ đang diễn ra khốc liệt. Bằng nhiệt huyết của người lính, của tuổi trẻ, sự nhạy cảm của một nhà báo, nghệ sỹ, Trần Hồng có rất nhiều bài và ảnh thời sự nóng hổi đăng tải thường kỳ trên nhiều tờ báo thời bấy giờ…
Niềm đam mê nhiếp ảnh của Trần Hồng rất khó lý giải, chỉ biết rằng từ khi mới bước chân vào nghề và làm việc ở báo Quân đội Nhân dân (1973), ông đã có sẵn ý tưởng cho những đề tài mà mình theo đuổi.
Chiến tranh đã lùi xa, người phóng viên chiến trường năm xưa nay đã nghỉ hưu, nhưng vẫn tiếp tục với niềm đam mê ấy của mình. Đi khắp mọi miền Tổ quốc chụp ảnh mẹ Việt Nam và chụp ảnh Đại tướng, với Trần Hồng "vẫn như là được chụp cả một thời hào hùng của dân tộc."
Kết quả của những đam mê đó là 8 triển lãm ảnh đã được tổ chức, trong đó có 5 triển lãm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những triển lãm của ông đều được công chúng đón nhận, mong chờ; đặc biệt là triển lãm về “Chân dung những người thường gặp” (12/1992), “Chân dung mẹ” (12/1995), “Đại tướng Võ Nguyên Giáp những lần tôi được gặp” (8/2006), “Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Những khoảnh khắc” (5/2009)…
Xem ảnh của ông, hầu hết công chúng đều tấm tắc bởi chúng có những nét độc đáo riêng, thể hiện cá tính của người chụp. Trần Hồng chụp các “vĩ nhân” nhưng luôn hướng đến những khoảnh khắc bình dị, đời thường nhất. Điều này cũng gây không ít khó khăn cho “một thợ chụp ảnh” như ông khi nhân vật lại là vị Đại tướng đứng đầu quân đội của quốc gia luôn muốn hình ảnh của mình phải chuẩn mực, giữ được tác phong quân nhân hay khi nhân vật là những bà mẹ chịu nhiều đau thương, mất mát nhưng luôn giữ vững ý chí, niềm tin vào lý tưởng.
Vượt qua những khó khăn đó, Trần Hồng tạo ra được những bức ảnh thấm đẫm chất nhân văn, khẳng định vị thế trong lòng công chúng. Ngay cả “vĩ nhân” mà ông được may mắn chụp suốt mười mấy năm - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - cũng mỉm cười và tặng ông dòng chữ “Những tấm ảnh (những bức tranh…) như thơ, như nhạc qua những hình ảnh ghi lại, người xem rất xúc động với những tình cảm, những nỗi đau thương và những niềm vui qua những con mắt làm cho người xem nhớ mãi. Chúc Trần Hồng, người nghệ sỹ, chiến sĩ, có những tác phẩm lớn!”.
Những dòng chữ đó cũng như lời nhắc nhở Trần Hồng luôn vững vàng, sáng tạo những tác phẩm mới mang tính nghệ thuật cao, thể hiện được tính chân-thiện-mỹ, đem đến cho công chúng yêu nhiếp ảnh một cuộc sống có ý nghĩa tốt đẹp hơn.
Suốt mấy chục năm làm việc không mệt mỏi, giờ đây ngoài những bức ảnh đã được giới thiệu tới công chúng, Trần Hồng còn rất nhiều tư liệu quý mà theo lời ông là khai thác lâu mới hết được và “nếu để phí thì rất tiếc. Tôi chỉ mong có sức khỏe để tiếp tục làm việc mình yêu thích.”
Lăn xả vì nghệ thuật nhiếp ảnh báo chí, đề cao tính nhân văn trong nghệ thuật, Đại tá-Nhà báo Trần Hồng đã vinh dự nhận được hơn 20 giải thưởng trong nước và quốc tế.
Đã gần tuổi "thất thập cổ lai hy” song sức sáng tác của Trần Hồng vẫn căng tràn. Ông đã ra mắt tập ảnh rời đầu tiên “Võ Nguyên Giáp-Những khoảnh khắc đời thường” (2013) và vừa giới thiệu cuốn sách ảnh về “Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những khoảnh khắc bình dị” với 6 thứ tiếng. Cuốn sách này gồm những tấm ảnh được chọn lọc trong vô vàn bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hy vọng sẽ làm xúc động hàng triệu trái tim nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế về sự dung dị của Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam-Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trần Hồng đang chuẩn bị cho một chuyến đi dài vào miền Nam chụp các bà mẹ có con đã hy sinh trong chiến tranh để nói lên nỗi đau, ca ngợi đức hy sinh, tình yêu bao la của người mẹ dành cho con mình. Người lính mang tâm hồn nghệ sỹ ấy cũng ấp ủ dự định tổ chức một triển lãm chân dung các bà mẹ ở hai chiến tuyến Việt Nam-Mỹ.
Thời gian này, ông tích cực vận động, thuyết phục bà Lady Bonton (Mỹ), người đồng nghiệp chuyên nghiên cứu, viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chụp hoặc sưu tầm những bức ảnh các bà mẹ Mỹ có con tham gia chiến tranh ở Đông Dương hoặc ở Việt Nam để làm giàu thêm nguồn tư liệu cho triển lãm ấy./.