Đắk Lắk, Gia Lai đảm bảo an ninh đi đôi phòng dịch phục vụ bầu cử

Để phục vụ cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai đảm bảo tuyệt đối an ninh trật tự phục vụ công tác bầu cử.
Đắk Lắk, Gia Lai đảm bảo an ninh đi đôi phòng dịch phục vụ bầu cử ảnh 1Nhân viên Trạm Y tế xã Buôn Triết (huyện Lắk) đo thân nhiệt cho đại biểu và người dân tham dự Hội nghị tiếp xúc cử tri giữa các ứng cử viên HĐND tỉnh với cử tri xã Buôn Triết và Buôn Tría. (Nguồn: baodaklak.vn)

Để đảm bảo tuyệt đối an ninh trật tự trước, trong và sau cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp tỉnh Đắk Lắk, nhiệm kỳ 2021-2026, lực lượng công an tỉnh Đắk Lắk đã và đang triển khai các biện pháp đấu tranh trấn áp tội phạm, xử lý và ngăn chặn hoạt động chống phá của thế lực thù địch có âm mưu phá hoại “Ngày hội non sông” nhằm góp phần vào thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp.

Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, cử tri tỉnh Đắk Lắk sẽ bỏ phiếu bầu ra 9 đại biểu Quốc hội, 75 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, 513 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện và 4.658 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã.

Toàn tỉnh có 1.794 khu vực bỏ phiếu với 1.802 điểm bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

[Đắk Lắk cần tiếp tục rà soát lại các công việc chuẩn bị bầu cử]

Là tỉnh miền núi, biên giới, có địa bàn rộng, nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên việc đảm bảo an ninh trật tự trở thành một trong những yếu tố quan trọng, góp phần vào thành công cuộc bầu cử sắp tới.

Theo Đại tá Lê Vinh Quy, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, để đảm bảo an ninh, an toàn trước, trong và sau ngày bầu cử, Công an tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng kế hoạch, phương án nhằm bảo vệ tuyệt đối an toàn cho cuộc bầu cử.

Công an tỉnh đã tập trung lực lượng, huy động tối đa phương tiện mở đợt tấn công, trấn áp mạnh mẽ các loại tội phạm xâm phạm trật tự an toàn xã hội, như tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường... đảm bảo trật tự an toàn giao thông; tăng cường công tác quản lý cư trú, quản lý xuất, nhập cảnh; đẩy mạnh kiểm tra phòng cháy, chữa cháy... góp phần giữ vững an ninh trật tự trên các lĩnh vực, làm giảm tội phạm về trật tự xã hội, tạo niềm tin, sự phấn khởi trong cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, đảm bảo ngày bầu cử diễn ra an toàn và thành công.

Đối với các địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự xã hội, Công an tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo lực lượng công an các huyện, thị xã, thành phố, công an xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ an ninh, an toàn mục tiêu, chủ động phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc, vấn đề phức tạp phát sinh có liên quan đến công tác bầu cử, đặc biệt là các địa bàn xảy ra tranh chấp, khiến kiện đông người phức tạp.

Cụ thể hóa các nội dung chỉ đạo của Công an tỉnh Đắk Lắk, Đại úy Đặng Trọng Minh, Trưởng Công an xã Ea Tlu, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, cho biết xác định công tác đảm bảo an ninh trật tự ngay tại địa bàn cơ sở là yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của cuộc bầu cử nên trong giai đoạn trước, trong và sau bầu cử, lực lượng Công an xã tập trung lực lượng triển khai nghiêm túc, quyết liệt kế hoạch và phương án của cấp trên về công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tuyệt đối cho cuộc bầu cử.

Lực lượng Công an xã Ea Tul đã bám sát cơ sở, từ đó đề ra giải pháp phù hợp, trấn áp tội phạm, đấu tranh mạnh mẽ với các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho ngày bầu cử. Trong đó, chọn mũi đánh có tính chất đặc thù trên địa bàn xã là tấn công các loại tội phạm có hành vi trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng và các hành vi liên quan đến an ninh trật tự.

Nhờ vậy, đến nay, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã cơ bản ổn định, không xảy ra các vụ việc phức tạp liên quan đến an ninh trật tự, đảm bảo phục vụ tốt cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.

“Song song với nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, là địa bàn đặc thù với 97% đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, đông đảo nhân dân là tín đồ Tinh lành, Công giáo, lực lượng Công an xã cũng phối kết hợp với các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các cuộc họp dân, lễ hội truyền thống, kết hợp với người có uy tín trong cộng đồng để lồng ghép nội dung tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện bầu cử, để mỗi người hiểu về quyền lợi, trách nhiệm của cử tri và tham gia đầy đủ bầu cử trong Ngày hội toàn dân,” Đại úy Đặng Trọng Minh cho biết.

Đắk Lắk, Gia Lai đảm bảo an ninh đi đôi phòng dịch phục vụ bầu cử ảnh 2Đoàn công tác kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại Ủy ban Bầu cử phường Thành Công, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk Đại tá Lê Vinh Quy cho biết trong thời gian qua, lực lượng Công an đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn âm mưu phá hoại của các đối tượng thù địch, lưu vong, phản động trong và ngoài nước khi gia tăng các hoạt động phá hoại cuộc bầu cử.

Qua nắm bắt tình hình, Công an tỉnh đã kịp thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử, vạch trần âm mưu, thủ đoạn, hoạt động xuyên tạc chống phá bầu cử của các thế lực thù địch, qua đó, tiếp tục củng cố vững chắc niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Theo Đại tá Lê Vinh Quy, thời gian qua, không gian mạng được xác định là nơi các thế lực thù địch, phản động khai thác, lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp.

Tại Đắk Lắk, các đối tượng phá hoại cũng gia tăng hoạt động chống phá thông qua mạng xã hội. Do đó, lãnh đạo Công an tỉnh luôn đặc biệt quan tâm, tập trung chỉ đạo kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc trên không gian mạng

Thông qua mạng xã hội Facebook các lực lượng chuyên môn của Công an tỉnh Đắk Lắk đã kịp thời đăng tải 11 bài viết, trong đó có 2 bài viết phản bác, 9 bài viết định hướng tuyên truyền và chia sẻ hơn 100 bài viết để đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá cuộc bầu cử.

Lực lượng Công an tỉnh Đắk Lắk cũng tiến hành mời làm việc và đấu tranh, xử lý 6 đối tượng trên địa bàn tỉnh tham gia nhóm họp trực tuyến do các phần tử phản động lưu vong bên ngoài tổ chức nhằm phá hoại cuộc bầu cử và chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Để tổ chức đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả hoạt động chống phá bầu cử, Công an tỉnh Đắk Lắk cũng chỉ đạo lực lượng Công an cơ sở bám sát địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý các đối tượng lợi dụng bầu cử để phát tán tài liệu phản động, chia rẽ nội bộ, kích động quần chúng tham gia các hoạt động chống đối; tăng cường tuần tra, giám sát tại các khu vực công cộng, khu vực tổ chức bầu cử, địa điểm niêm yết danh sách cử tri, đại biểu... đề phòng đối tượng phản động rải truyền đơn, viết, vẽ khẩu hiệu phản động, phá hoại, gây cháy nổ.

Bên cạnh đó, đối với đơn thư nặc danh có liên quan đến cán bộ là các ứng cử viên, lực lượng Công an tỉnh phối hợp với Ủy ban Bầu cử các cấp xác minh nội dung đơn thư, đảm bảo khách quan và đúng quy định; đồng thời, xác minh làm rõ người gửi, động cơ, mục đích nhằm ngăn chặn hành vi lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật về bầu cử.

Theo Đại tá Lê Vinh Quy, dự báo tình hình trong những ngày tới, nhất là gần ngày bầu cử, các thế lực thù địch sẽ gia tăng các hoạt động chống phá, Công an tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng bám sát tình hình để phối hợp với các đơn vị chức năng kịp thời phản bác lại các quan điểm sai trái, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin mang tính định hướng dư luận, tạo môi trường an toàn, an ninh, trật tự để nhân dân thể hiện quyền và trách nhiệm của cử tri trong ngày bầu cử, góp phần vào thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đặc biệt tính đến sáng 15/5, tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 3 ca mắc COVID-19 và phải phong tỏa một khu dân cư hơn 40 hộ tại thành phố Buôn Ma Thuột, với vai trò Thường trực Tiểu ban An ninh trật tự và Y tế, lực lượng Công an tỉnh Đắk Lắk sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh xảy ra trong quá trình bầu cử.

Đặc biệt, sẵn sàng điều tra, truy vét thần tốc phục vụ công tác khoanh vùng dập dịch, chuẩn bị phương án đảm bảo an ninh trật tự tại các điểm bỏ phiếu ở khu cách ly, khu vực phong tỏa...  thích ứng với tình hình dịch bệnh.

Gia Lai chủ động các phương án phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo công tác bầu cử an toàn, thành công

Tại Gia Lai, trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các địa phương tại tỉnh Gia Lai đã xây dựng các phương án phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo công tác bầu cử trong toàn tỉnh diễn ra đúng luật, an toàn và thành công.

Đến thời điểm này, tại tỉnh Gia Lai, Ủy ban bầu cử tỉnh đã thành lập 3 tiểu ban phục vụ bầu cử với 22 thành viên; thành lập 3 Ban bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV theo 3 đơn vị bầu cử do Hội đồng Bầu cử quốc gia ấn định; thành lập 21 Ban bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh, 176 Ban bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện, 1.367 Ban bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã.

Ủy ban Nhân dân các xã, phường, thị trấn đã thành lập tổng số 1.437 tổ bầu cử ở mỗi khu vực bỏ phiếu để thực hiện công tác bầu cử.

Đắk Lắk, Gia Lai đảm bảo an ninh đi đôi phòng dịch phục vụ bầu cử ảnh 3Kiểm tra công tác bầu cử tại Điểm bầu cử số 5, làng tại làng Bruk Ngol, phường Yên Thế, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Nguyễn Hoài Nam/TTXVN)

Việc triển khai các quy trình bầu cử cũng được các địa phương trong tỉnh thực hiện nghiêm túc. Ủy ban bầu cử tỉnh đã công bố chính thức danh sách 14 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV; lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Gia Lai khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) theo từng đơn vị bầu cử tại 21 đơn vị bầu cử với số lượng người ứng cử là 119 người, bầu lấy 71 đại biểu.

Ủy ban bầu cử cấp huyện cũng lập và công bố danh sách chính thức 951 người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện để bầu lấy 571 đại biểu; ở cấp xã có 8.455 người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân xã để bầu lấy 5.009 đại biểu.

Công tác chuẩn bị bầu cử ở các địa phương được triển khai đồng bộ, đảm bảo theo đúng lộ trình quy định. Đặc biệt, các phương án phòng, chống dịch COVID-19 đã được xây dựng cụ thể, chủ động ứng phó với những tình huống xấu có thể xảy ra.

Hầu hết các địa phương đã hoàn thành cơ bản công tác chuẩn bị bầu cử, sẵn sàng cho ngày hội lớn của đất nước.

Tại huyện Đăk Pơ với trên 30.200 cử tri, 9 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện, 49 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã. Huyện đã phê chuẩn 53 khu vực bỏ phiếu (trong đó có 50 khu vực bỏ phiếu dân sự và 3 khu vực bỏ phiếu riêng của lực lượng vũ trang).

Công tác chuẩn bị các điều kiện, cơ sở vật chất phục vụ cho ngày bầu cử cũng được tiến hành khẩn trương, từ việc trang trí khu vực bỏ phiếu, chuẩn bị loa, đài, bàn ghế, hòm phiếu, con dấu, phiếu cử tri đầy đủ, đảm bảo cho ngày bầu cử thành công.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được huyện Đak Pơ chú trọng triển khai bằng nhiều hình thức như: Thông qua hội nghị, qua các phương tiện thông tin đại chúng, cổ động, trực quan, lưu động, lồng ghép tại các buổi họp triển khai thực hiện nhiệm vụ của các ban, ngành, đoàn thể xã, thị trấn, thôn, làng, tổ dân phố, cấp phát tài liệu, tờ rơi cho nhân dân...

Đặc biệt, Ủy ban bầu cử huyện Đăk Pơ đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống dịch COVID-19 trong quá trình bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn. Theo đó, 100% điểm bầu cử trên địa bàn huyện đều áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, các hoạt động của cuộc bầu cử thực hiện đầy đủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, 100% điểm bầu cử được khử khuẩn trước và sau cuộc bầu cử.

Ủy ban bầu cử các cấp bố trí các điểm bầu cử phù hợp với tình hình dịch bệnh, đảm bảo tất cả các công dân (kể cả công dân đang thực hiện cách ly y tế) được tham gia bầu cử; chủ động phương án hỗ trợ y tế và các biện pháp y tế phòng, chống dịch COVID-19 trong tình huống có dịch trên địa bàn huyện.

Bí thư Huyện ủy Đak Pơ Ngô Khắc Ngọc cho biết: “Ủy ban bầu cử huyện đã chỉ đạo xây dựng các kịch bản ứng phó theo từng cấp độ, phân công rõ ràng lực lượng nào sẽ tham gia ứng phó với từng cấp độ nhằm đảm bảo cho ngày bầu cử diễn ra thành công.”

Đối với các điểm bỏ phiếu ở khu vực biên giới, công tác chuẩn bị cho ngày hội lớn cũng đã sẵn sàng.

Tại xã biên giới Ia Nan với trên 4.200 cử tri, 9 đơn vị bầu cử Hội đồng Nhân dân cấp xã tại 9 thôn, làng.

Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, xã đã thành lập 27 tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng. Ủy ban bầu cử xã cũng xây dựng kế hoạch phun khử khuẩn tại Ủy ban Nhân dân xã và các khu vực bỏ phiếu, mua thuốc sát khuẩn và hướng dẫn các tổ bầu cử dọn dẹp vệ sinh khu vực bỏ phiếu, đặt điểm sát khuẩn phù hợp, hướng dẫn nhân dân vào sát khuẩn trước khi bỏ phiếu.

Tỉnh Gia Lai có 90 km đường biên giới tiếp giáp với Campuchia, vì vậy, công tác đảm bảo an ninh khu vực biên giới, phòng, chống dịch COVID-19 được tỉnh Gia Lai đặc biệt lưu tâm.

Hiện trên toàn tuyến biên giới, tỉnh Gia Lai đã thành lập 27 chốt biên phòng với sự tham gia của nhiều lực lượng mà biên phòng là chủ chốt. Với tinh thần nắm chắc địa bàn, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, tuyên truyền công tác phòng, chống dịch COVID-19. Nhiều chốt chặn nơi vùng biên đã trở thành “lá chắn thép,” bảo vệ vững chắc chủ quyền biên cương, phòng, chống dịch bệnh.

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên cho biết đến thời điểm này, tất cả danh sách các ứng cử viên đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp của tỉnh Gia Lai cơ bản đảm bảo đúng cơ cấu, thành phần theo quy định.

Danh sách cử tri đã niêm yết tại các tổ bầu cử đầy đủ, đồng thời cũng sẽ thường xuyên bổ sung danh sách cử tri theo luật định, đảm bảo tất cả những cử tri trên địa bàn tỉnh được tham gia bầu cử. Đặc biệt, tình hình an ninh biên giới được tỉnh đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh vẫn được giữ vững, đặc biệt trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong thời gian tới, tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác bầu cử, đồng thời với công tác phòng, chống dịch COVID-19; tăng cường pa nô, băng rôn, áp phích để tạo không khí phấn khởi cho ngày hội bầu cử; tiếp tục nắm chắc tình hình trên địa bàn tỉnh, không chủ quan, không lơ là, đảm bảo an toàn trước, trong và sau ngày bầu cử 23/5; tiếp tục theo dõi và đề nghị Ủy ban bầu cử các địa phương tập huấn, hướng dẫn cho các thành viên tổ bầu cử về các quy trình, công việc cần thực hiện trong ngày bầu cử.

Các thành viên Ủy ban bầu cử tăng cường phụ trách địa bàn tiếp tục làm việc nắm tình hình, lãnh đạo, chỉ đạo công tác bầu cử tỉnh đảm bảo đúng quy định./.



(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục