Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk cho biết, sau thời gian tạm dừng để phòng chống dịch Covid-19, chương trình biểu diễn "Âm vang đại ngàn" sẽ trở lại phục vụ công chúng, du khách đến Đắk Lắk và cả phố đi bộ ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Chương trình “Âm vang đại ngàn" biểu diễn văn hóa cồng chiêng được tổ chức định kỳ 2 lần mỗi tháng tại Trung tâm văn hóa tỉnh Đắk Lắk.
Cùng với các tiết mục âm nhạc đặc sắc, chương trình còn tái hiện các nghi lễ, nghi thức và phong tục của các dân tộc tại chỗ. Đây được xem là sản phẩm du lịch đặc sắc nhằm thu hút khách du lịch đến với Đắk Lắk ngày càng nhiều hơn.
Bên cạnh đó, Sở đã lên kế hoạch chương trình biểu diễn quảng bá tại phố đi bộ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Đây sẽ là hai địa điểm quảng bá văn hóa cồng chiêng đến với du khách trong và ngoài nước nhằm thu hút đông đảo hơn nữa khách du lịch đến với Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk để đón đầu cho Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, năm 2021.
Trước đó, ngày 23/5, Chương trình biểu diễn "Âm vang đại ngàn" đã tổ chức biểu diễn trở lại tại Trung tâm Văn hóa tỉnh và tiếp tục được tổ chức vào hai tối thứ Bảy trong tháng do các nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng và dân ca, dân vũ Đoàn ca múa Đăk Lắk thực hiện.
Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, âm hưởng cồng chiêng gắn bó với họ suốt cả cuộc đời. Tiếng cồng chiêng theo con người từ lúc mới sinh ra cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng. Vì thế, cồng chiêng có ở lễ đặt tên, lễ mừng lúa mới, lễ đâm trâu, lễ cầu mưa, lễ cưới, lễ mừng nhà mới, Lễ bỏ mả... Và nó cũng là sợi dây thanh âm huyền bí kết nối giữa thế giới trần tục với thế giới thần linh.
Trải qua bao năm tháng, cồng chiêng đã trở thành nét văn hoá đặc trưng, đầy sức quyến rũ và hấp dẫn của vùng đất Tây Nguyên. Cồng chiêng Tây nguyên đặc biệt hay, không chỉ ở sự đa dạng độc đáo về các bè trầm bổng, mà cồng chiêng chính là cuộc sống của người Tây Nguyên. Nghe cồng chiêng thì thấy được cả không gian săn bắn, không gian làm rẫy, không gian lễ hội... của người Tây Nguyên.
Cồng, chiêng là loại nhạc khí bằng hợp kim đồng, có khi pha vàng, bạc hoặc đồng đen. Cồng là loại có núm, chiêng không núm. Nhạc cụ này có nhiều cỡ, đường kính từ 20 đến 50-60cm, loại cực đại tới 90-120cm.
Cồng chiêng có thể được dùng đơn lẻ hoặc dùng theo dàn, bộ từ 2 đến 12 hoặc 13 chiếc, thậm chí có nơi tới 18-20 chiếc. Trong một bộ chiêng có chiêng mẹ (chiêng cái) là quan trọng nhất.
Khi biểu diễn vòng tròn, các nghệ nhân đánh và di chuyển dàn cồng chiêng từ phải qua trái, là ngược chiều với thời gian, có ý nghĩa ngược về nguồn cội. Cồng chiêng là văn hóa của người dân tộc vùng Tây nguyên với những đặc thù còn giữ nguyên gốc như thế. Còn về kỹ thuật, chính cách phối hợp âm thanh của dàn cồng chiêng giữa các chiếc cồng “cha mẹ”-cồng “con”-cồng “cháu” để làm thành thang âm điệu thức là rất đặc biệt.
Kể từ khi Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại (tháng 11/2005), tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực triển khai thực hiện việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản tiêu biểu này thông qua 3 đề án được cấp thẩm quyền phê duyệt với tổng kinh phí gần 65 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, qua 3 Đề án “Bảo tồn, phát huy Di sản Không gian Văn hóa Cồng chiêng Đắk Lắk” (giai đoạn 2007-2010, 2011-2015 và 2016- 2020) đã làm được những phần việc cơ bản như tổng điều tra cồng chiêng trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền, mở lớp dạy đánh cồng chiêng, chỉnh chiêng cho lớp trẻ trong cộng đồng; tôn tạo không gian văn hóa tại một số buôn làng; phục dựng một số lễ hội truyền thống và tổ chức liên hoan, giao lưu văn hóa cồng chiêng các cấp./.