Sáng 23/5, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị tổng kết thi hành Nghị định số 162/2016/NĐ-CP ngày 14/12/2016 quy định một số chế độ, chính sách đối với cá nhân và công tác bảo đảm đối với các tổ chức của Việt Nam tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình của Liên hợp quốc.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ Công tác liên ngành, Trưởng Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc chủ trì Hội nghị.
Hội nghị nhằm đánh giá toàn diện việc quán triệt triển khai và kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc của Nghị định số 162/2016/NĐ-CP nhất là bất cập về chế độ, chính sách đối với cá nhân và công tác bảo đảm cho đơn vị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Hội nghị nêu cụ thể các kiến nghị để Bộ Quốc phòng đề xuất Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 162/2016/NĐ-CP theo hướng phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành, thực tiễn và những vấn đề mới phát sinh.
Báo cáo tóm tắt tổng kết thực hiện Nghị định số 162/2016/NĐ-CP ngày 14/12/2016 của Chính phủ do Đại tá Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục gìn giữ hòa bình Việt Nam (Bộ Quốc phòng) trình bày cho thấy từ tháng 6/2014 đến nay, Việt Nam đã cử 533 lượt sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp (trong đó có 4 sỹ quan Công an) đi thực hiện nhiệm vụ Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc theo hai hình thức cá nhân và đơn vị.
Từ khi triển khai lực lượng, lãnh đạo các cấp đã quan tâm, thường xuyên theo dõi, tạo điều kiện và ban hành nhiều chủ trương, chính sách đãi ngộ đối với Lực lượng Gìn giữ Hòa bình của Liên hợp quốc.
Theo đó, việc ban hành Nghị định số 162/2016/NĐ-CP ngày 14/12/2016 của Chính phủ đã kịp thời, động viên đối với lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, góp phần đảm bảo cho các lực lượng của Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Liên hợp quốc giao.
Tuy nhiên, Nghị định chưa bao quát hết đối tượng được áp dụng do sự thiếu đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Cùng với đó, còn tồn tại bất cập về chế độ chi trả phụ cấp theo tỷ lệ phần trăm (%) tính trên mức chi trả bình quân của Liên hợp quốc cho cá nhân tham gia hình thức đơn vị theo trách nhiệm ở từng vị trí, nhất là các vị trí chỉ huy đơn vị.
Chế độ, chính sách ưu tiên cho lực lượng nữ chưa toàn diện và chưa mang tính khuyến khích cao. Công tác bảo đảm đối với tổ chức, đơn vị chưa tương xứng và chưa phù hợp với mỗi loại hình đơn vị theo quy định; chưa có quy định cụ thể hướng dẫn thực hiện công tác đảm bảo bồi thường, hồi hương lực lượng Việt Nam trong trường hợp vi phạm kỷ luật tại phái bộ.
[3 Phái bộ Gìn giữ Hòa bình của VN tạo dấu ấn trên trường quốc tế]
Nghị định cũng chưa có quy định và hướng dẫn chế độ trợ cấp địa bàn cho lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; chưa có quy định, hướng dẫn hỗ trợ chi phí phát sinh khi đi phép bị hủy chuyến bay do tình hình an ninh; đảm bảo công tác phí trong quá trình đi phép, công tác xa đơn vị.
Phát biểu tại Hội nghị, Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho rằng trong tình hình mới, lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cần đáp ứng yêu cầu cao hơn rất nhiều so với trước đây do môi trường làm việc ở nơi khó khăn nhất thế giới về điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật; đời sống của nhân dân sở tại gặp khó khăn, môi trường phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm các dịch bệnh...
Đặc biệt gần đây, khu vực Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc nảy sinh xung đột quân sự, xung đột vũ trang, nội chiến phức tạp, đe dọa đến tính mạng.
Trong khi đó, những chế độ, chính sách do Nghị định 162 quy định còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu đồng thời, chưa được thống nhất giữa các lực lượng, thậm chí chưa thống nhất với các nước, các lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Theo đó, Nghị định 162 cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng tạo sự thống nhất giữa các lực lượng trong nước tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc với trách nhiệm chính trị cao nhất.
Trung tướng Trịnh Văn Quyết cho rằng cần giải quyết những điểm nghẽn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị định 162, đặc biệt là khi thực hiện Nghị quyết số 130/2020/QH14 của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Trong sửa đổi, cần chú trọng nội dung quy định lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc phải có bản lĩnh tốt, tay nghề cao, có phương pháp, kỹ năng trong quan hệ môi trường quốc tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng lĩnh vực tham gia.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thượng tướng, Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến nhất trí, đánh giá cao với báo cáo tổng kết và các ý kiến phát biểu tại hội nghị; đồng tình với đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 162 theo hướng phù hợp với những nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thời gian tới, Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến cho biết Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các đối tượng trực tiếp tham gia của Liên hợp quốc, tiếp tục mong muốn nhận được sự quan tâm, ủng hộ và phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành trong quá trình chuẩn bị triển khai lực lượng cũng như là quá trình đảm bảo các chế độ, chính sách cho lực lượng hoạt động ở các phái bộ.
Đối với các cơ quan, đơn vị từ trước tới nay thường xuyên cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở cả loại hình cá nhân và đơn vị, bệnh viện dã chiến cấp 2, đội công binh, cần phải tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Bộ, nhất là liên quan đến chế độ, chính sách theo Nghị định 162 để cán bộ, chiến sỹ là yên tâm, phấn khởi nhận nhiệm vụ.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến giao nhiệm vụ, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm các chế độ, chính sách để cán bộ, chiến sĩ yên tâm, phấn khởi nhận nhiệm vụ quốc tế.
Cùng với đó, xin ý kiến các cơ quan liên quan để báo cáo Chính phủ cho phép sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 162 theo trình tự Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; giao Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị cùng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành và cơ quan, đơn vị tiến hành đầy đủ các bước theo quy trình, lựa chọn các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung để nghiên cứu, tiến hành lập hồ sơ sửa đổi, bổ sung một số điều phù hợp với nhu cầu thực tế.
Sau khi có sự đồng ý của Chính phủ, đề xuất thành lập Tổ biên soạn sửa đổi Nghị định 162 do một thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu làm tổ trưởng.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến yêu cầu các đơn vị nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; trước mắt làm tốt công tác chuẩn bị tổ chức Lễ xuất quân Đội Công binh số 2 và Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 5, lên đường vào tháng Sáu tới./.