Đàm phán FTA giữa MERCOSUR và Liên minh châu Âu gặp khó khăn

Ủy ban châu Âu (EC) cho biết đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do FTA giữa EU với MERCOSUR đang gặp khó khăn, bởi những đòi hỏi của các nước Nam Mỹ.
Đàm phán FTA giữa MERCOSUR và Liên minh châu Âu gặp khó khăn ảnh 1Các nước thuộc Khối thị trường chung Nam Mỹ. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Ngày 28/3, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh châu Âu (EU) với Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) đang gặp khó khăn, bởi những đòi hỏi của các nước Nam Mỹ.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Ủy viên phụ trách thương mại EU, Cecilia Malmstrom, cho biết trong những tuần tới hai bên sẽ tiếp tục đàm phán để giải quyết những bất đồng mà chủ yếu là do MERCOSUR “có quá nhiều tham vọng.”

Năm 2010 MERCOSUR và EU đã nối lại đàm phán về một hiệp định FTA, sau khi bị bế tắc trong 6 năm. Theo dự kiến, từ năm 2014, sẽ có nhiều mặt hàng sẽ không phải bị áp thuế, tuy nhiên cho tới nay điều này chưa được thực thi.

Tháng 8/2014, Tổng thống Brazil Dilma Roussef và Tổng thống Argentina Cristina Fernandez cho biết MERCOSUR đã có danh sách các mặt hàng được miễn thuế.

Tuy nhiên, đến cuối năm ngoái, Brazil - nền kinh tế số một Mỹ Latinh lại tỏ ra không mặn mà với việc ký thỏa thuận với EU sau khi trao đổi nội khối MERCOSUR giảm từ 16% xuống 13% trong vòng 2 năm gần đây.

Trong khi đó, Argentina - nền kinh tế thứ ba Mỹ Latinh cũng tỏ ra không mặn mà với EU vì muốn bảo hộ ngành công nghiệp trong nước. Chỉ riêng Uruguay muốn đẩy nhanh tiến trình này. Tại châu Âu, Pháp không quan tâm nhiều thỏa thuận này vì muốn bảo hộ ngành nông nghiệp.

MERCOSUR được thành lập năm 1991, hiện có 5 thành viên chính thức là Brazil, Argentina, Uruguay, Venezuela và Paraguay, nhưng nước này đang bị đình chỉ tư cách thành viên. Ngoài ra, tổ chức này còn có 4 thành viên liên kết là Chile, Ecuador, Colombia và Peru.

MERCOSUR hiện là khối kinh tế lớn thứ 5 thế giới và là một trong những nhà sản xuất hàng đầu về lương thực, nguyên liệu và năng lượng cũng như là một thị trường đầy tiềm năng, với hơn 275 triệu người tiêu dùng.

Theo thống kê, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khối lên đến 3.300 tỷ USD, chiếm 83% tổng GDP của Nam Mỹ, với trao đổi thương mại nội khối hàng năm đạt gần 62 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.