Đằng sau thực trạng chẩn đoán nhầm bệnh loãng xương ở Việt Nam

Có một thực tế là tất cả máy đo mật độ xương ở Việt Nam chưa sử dụng tham chiếu này của người Việt, vì thế, nhiều người đang bị chẩn đoán mắc loãng xương chưa chuẩn xác nên bị chấn đoán "oan."
Bác sỹ đo độ loãng xương cho bệnh nhân. (Ảnh: TTXVN)

Việt Nam đã có giá trị tham chiếu về mật độ xương cho người Việt. Tuy nhiên có một thực tế là tất cả máy đo mật độ xương cho người bệnh ở Việt Nam chưa sử dụng tham chiếu này của người Việt, vì thế, nhiều người đang bị chẩn đoán mắc loãng xương chưa chuẩn xác, nên bị điều trị “oan."

Tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Hương, Đại học Y Hà Nội đã cho biết như vậy tại hội thảo về giải pháp dinh dưỡng phòng chống loãng xương, do Viện Nghiên cứu Y-Xã hội học tổ chức tại Hà Nội ngày 23/12.

Phân tích về bệnh loãng xương ở Việt Nam, tiến sỹ Nguyễn Thanh Hương cho hay, loãng xương là bệnh phổ biến ở Việt Nam, khoảng 25% phụ nữ 50 tuổi trở lên loãng xương ở cổ xương đùi; gần 50% bị loãng xương ở cột sống thắt lưng.

Tiến sỹ Hương dẫn chứng, qua công tác nghiên cứu, khảo sát hai máy đo loãng xương của hai trung tâm tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, trong vòng hai năm đã có 4.500 nam giới đến đo. Kết quả có 23% được chẩn đoán bị loãng xương nếu sử dụng tham chiếu do hãng chung cấp.

Tuy nhiên, nếu sử dụng tham chiếu của người Việt thì có 7% bị loãng xương và sử dụng tham chiếu của Nhật Bản thì là 10%. Như vậy có khoảng 13% người bị chẩn đoán nhầm, tương đương với 730 người.

Trong khi đó, những nghiên cứu đã chỉ ra, để điều trị một ca loãng xương người bệnh phải chi trả ít nhất 10 triệu đồng một năm. Không những thế họ còn chịu những tác dụng phụ không cần thiết do thuốc gây nên, chưa kể thuốc điều trị bệnh này với chi phí rất cao. Vì thế, theo tiến sỹ Hương cần đưa giá trị tham chiếu của người Việt vào ứng dụng trong lâm sàng để giảm chẩn đoán và điều trị “nhầm” cho người bệnh.

Theo nghiên cứu, tỷ lệ người mắc bệnh loãng xương của Việt Nam thấp hơn Hong Kong, nhưng cao hơn nhiều so với Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia… Hiện nay, không chỉ nữ giới mà nam giới cũng bị loãng xương, cứ 10 nam giới thì có một người bị loãng xương cổ xương đùi.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm có khoảng hơn 50 triệu trường hợp gãy xương có liên quan đến tình trạng loãng xương. Tại Việt Nam, tình trạng loãng xương tuy diễn ra âm thầm nhưng cũng gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Các chuyên gia khuyến cáo để phòng chống loãng xương người bệnh cần đảm bảo đủ canxi và vitamin D trong khẩu phần ăn theo nhu cầu khuyến nghị; Giữ vững cân nặng hợp lý, tập thể dục đều đặn; Không hút thuốc, không sử dụng nhiều rượu bia; Đi khám khi thấy các triệu chứng về xương khớp.

Cũng tại hội thảo, đại diện Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng, các chuyên gia tế bào gốc ở Việt Nam cần nghiên cứu về nguyên nhân suy tế bào gốc gây loãng xương cho cơ thể để ứng dụng vào công tác điều trị bệnh này.

Tại hội thảo, các chuyên gia tập trung vào thảo luận các thông tin khoa học, góp phần để các chuyên gia xác định rõ hơn các giải pháp can thiệp phòng chống loãng xương tại Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục