Tại Thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Giá (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ thực trạng, hiệu quả và sự cần thiết của Quỹ bình ổn giá xăng dầu; điều hành phải công khai, minh bạch, hiệu quả, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật, tôn trọng quy luật của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Rà soát trường hợp và biện pháp bình ổn giá
Đối với những nội dung còn có ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục làm rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý thực tiễn, ưu, nhược điểm của từng loại ý kiến để xin ý kiến hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý rà soát để tuân thủ đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là quy định về áp dụng luật tại Điều 3; rà soát, thống nhất với các luật khác, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; lưu ý thống nhất với các quy định về giá dịch vụ khám, chữa bệnh tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh; quy định về giá đất, tài chính đất đai trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); quy định về thẩm định giá trong Luật Quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và các luật khác có quy định về thẩm định giá; rà soát kỹ các điều kiện chuyển tiếp.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan trung ương, chính quyền địa phương đảm bảo khả thi, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị, tương thích với phạm vi điều chỉnh của luật, đảm bảo xuyên suốt từ trung ương đến địa phương.
Ngoài ra, tiếp tục rà soát các trường hợp và biện pháp bình ổn giá; tiêu chí, phương pháp, thẩm quyền định giá; danh mục, các trường hợp hàng hóa, dịch vụ nhà nước định giá; cơ sở, căn cứ để hiệp thương giá, vai trò của nhà nước, trách nhiệm, vai trò của tổ chức, cá nhân trong hiệp thương giá; tính cụ thể, khả thi, công khai, minh bạch trong kê khai, niêm yết, tham chiếu giá, kiểm tra yếu tố hình thành giá; cụ thể hơn về đàm phán giá để bảo đảm tính khả thi; quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong bình ổn giá; bảo đảm vận hành theo cơ chế thị trường có quản lý, định hướng quản lý của Nhà nước để hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp và nhất là bảo vệ lợi ích của người yếu thế...
[Số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu đến hết quý 4/2022 còn hơn 4,6 tỷ đồng]
Về thẩm quyền quyết định mặt hàng bình ổn giá, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ lý do đề nghị thay đổi thẩm quyền quyết định điều chỉnh danh mục hàng hóa bình ổn giá so với quy định hiện hành, đánh giá tác động ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của công dân, của doanh nghiệp; nghiên cứu giữ như quy định hiện nay, Quốc hội quyết định danh mục hàng hóa bình ổn giá trong Luật, trong thời gian giữa 2 Kỳ họp, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp gần nhất.
Về tiêu chí bình ổn giá, đề nghị bổ sung tiêu chí giá hàng hóa, dịch vụ biến động lớn, có tác động đến phát triển kinh tế-xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.
Đối với Quỹ bình ổn giá, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cần có quy định về bình ổn giá trong Luật. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu đổi tên Điều 20 thành các biện pháp về bình ổn giá, quy định rộng hơn về các biện pháp bình ổn giá, tương thích với Luật Phòng thủ dân sự, Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp và các luật về khắc phục sự cố, thảm họa; hoàn thiện cơ chế quản lý Quỹ, quy định nguyên tắc, điều kiện thành lập Quỹ, nguồn hình thành Quỹ, thời hạn hoạt động của Quỹ và giao cho Chính phủ quyết định; bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích trước khi giao Chính phủ quyết định thành lập Quỹ.
Đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần đánh giá kỹ thực trạng, hiệu quả và sự cần thiết của Quỹ; điều hành phải công khai, minh bạch, hiệu quả, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật, tôn trọng quy luật của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trường hợp không phát huy hiệu quả thì nghiên cứu, đề xuất phương án đối với Quỹ.
Nghiên cứu quy định 2 loại giá tham chiếu
Về định giá, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu, chỉnh lý, tách thành 2 nội dung về nguyên tắc định giá. Đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, phải bảo đảm nguyên tắc bù đắp chi phí hợp lý, lợi nhuận (nếu có), cung cầu hàng hóa, dịch vụ, bổ sung quy định phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế-xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ.
Đối với những hàng hóa, dịch vụ khác, các tổ chức và cá nhân có thể chủ động định giá tài sản hàng hóa theo nguyên tắc bù đắp chi phí, có lãi và bảo đảm quy luật cung cầu, cạnh tranh của thị trường.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu sửa đổi quy định về căn cứ và phương pháp định giá theo hướng giao Chính phủ hoặc các bộ ban hành quy định chi tiết; nghiên cứu bổ sung quy định “Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá” và “Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan ban hành phương pháp định giá hàng hóa, dịch vụ” để bảo đảm đầy đủ, bao quát.
Về danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị rà soát kỹ, lấy ý kiến của các bộ, ngành trực tiếp quản lý, bảo đảm tính thống nhất với quy định của pháp luật liên quan, cần đánh giá tác động của việc điều chỉnh danh mục (dự kiến loại bỏ, bổ sung), làm rõ thời điểm công bố định giá.
Liên quan đến kê khai giá, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định đối tượng kê khai giá chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin đã kê khai theo quy định pháp luật, bổ sung quy định về kiểm tra (hậu kiểm) của cơ quan quản lý nhà nước. Quy định về niêm yết giá cần bảo đảm tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tế.
Về giá tham chiếu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu quy định thành 2 loại giá tham chiếu, gồm: giá tham chiếu do cơ quan có thẩm quyền công bố để các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng vốn ngân sách quyết định mua sắm và làm căn cứ quy định giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý giá và quyết định giá; giá tham chiếu do cơ quan có thẩm quyền công bố để tổ chức, cá nhân không sử dụng vốn ngân sách tham khảo trong quá trình xây dựng phương án giá, tự quyết định giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ và tự chịu trách nhiệm về quyết định giá của mình.
Về thẩm định giá, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị rà soát, nghiên cứu, chỉnh lý quy định về tiêu chuẩn thẩm định giá, bảo đảm tương thích với quy định của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; nghiên cứu, chỉnh lý quy định về điều kiện đăng ký hành nghề thẩm định giá; nghiên cứu bổ sung điều kiện không được phép hành nghề thẩm định giá.
Đồng thời, rà soát, nghiên cứu, chỉnh lý quy định về doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá, bảo đảm chặt chẽ về pháp lý, tương xứng giữa nghĩa vụ, trách nhiệm nhằm khuyến khích phát triển nghề thẩm định giá. Quy định phù hợp về tên công ty được thực hiện thẩm định giá, bảo đảm tính khả thi, tránh vướng mắc trong thực tế, tránh gây lãng phí chi phí xã hội...
Để tiếp tục hoàn thiện và bảo đảm chất lượng dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì, phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan rà soát để tiếp thu hoặc giải trình đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thông báo số 1479/TB-TTKQH ngày 26/9/2022 thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Giá (sửa đổi).
Cơ quan soạn thảo cần xin ý kiến Chính phủ trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật, trong đó nêu rõ các nội dung tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội; những nội dung còn có ý kiến khác nhau, phương án dự kiến tiếp thu, giải trình, giải thích rõ lý do tiếp thu, giải trình để Chính phủ cho ý kiến và Cơ quan soạn thảo thống nhất với Cơ quan thẩm tra trước khi xin ý kiến Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Nếu có nội dung thay đổi so với dự thảo Chính phủ đã có ý kiến thì tiếp tục xin ý kiến Chính phủ trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua Luật.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách cùng Cơ quan soạn thảo khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, xin ý kiến Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, lấy ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội và một số cơ quan hữu quan tập hợp đầy đủ các ý kiến tham gia để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Việc xin ý kiến của Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cần nêu rõ các nội dung lớn, các nội dung quan trọng, các nội dung còn có ý kiến khác nhau, quan điểm của Cơ quan thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và toàn bộ dự thảo Luật, báo cáo rõ việc đáp ứng các mục tiêu, quan điểm, định hướng chính sách lớn khi đặt ra việc sửa đổi Luật./.