Ngày 2/8 tới đây, triển lãm “Dạo bước qua vùng đất của sơn mài” sẽ diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, giới thiệu gần 30 tác phẩm của 10 nghệ sỹ tên tuổi trong lĩnh vực sơn mài.
Triển lãm là sự hợp tác giữa đơn vị nghệ thuật The Muse Artspace, giám tuyển Vân Vi và 10 họa sỹ đã thành danh: Lý Trực Sơn, Nguyễn Quang Trung, Phan Cẩm Thượng, Triệu Khắc Tiến, Vũ Văn Tịch, Nguyễn Thị Nguyệt, Nguyễn Thị Quế, Đỗ Thị Kim Đoan, Nguyễn Xuân Lục, Phạm Trà My.
Mỗi người đều đang khai phá sơn mài theo những cách riêng của bản thân, tiếp cận sơn mài theo những quan điểm nghệ thuật riêng, mang đến trải nghiệm thú vị cho công chúng yêu hội họa.
Theo Giám tuyển nghệ thuật Vân Vi, tranh sơn mài được tôn vinh là đặc sản của mỹ thuật Việt. Sơn ta đã có từ lâu đời ở Việt Nam, nhưng kể từ khi có Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1925), các họa sỹ mới đưa chất liệu này từ mỹ nghệ vào sáng tác nghệ thuật. Bước đầu, các họa sỹ vẽ theo cách các thầy người Pháp sang đây dạy họ, tuy nhiên không thành công. Bởi vậy họ quyết định phải tìm ra một lối đi khác cho chất liệu này.
“Triển lãm này giúp công chúng tìm hiểu thêm về sơn mài một cách nhẹ nhàng, như đang thư thả đi bộ, vừa thưởng thức, vừa đủ thời gian để nhận thấy nhiều cách tiếp cận nghệ thuật sơn mài trên con đường phát triển chung của nó,” Giám tuyển Vân Vi chia sẻ.
Tham gia triển lãm, hoạ sỹ Phan Cẩm Thượng cho hay ông làm sơn mài theo lối người ta làm tượng Phật cổ. Lối này có các tiêu chí rõ ràng như khối phải đầy, mầu phải “no”, đạt đến độ “đẹp vàng son, ngon mật mỡ” mới chịu thôi.
[Sự giao thoa của nghệ thuật sơn mài và điêu khắc của nghệ nhân xứ Đoài]
“Sơn ta kiểu cũ thì lâu khô nhưng cho hiệu quả trong như nước. Nhưng cuối cùng thì nên hiểu rằng sơn mài là lối vẽ, chứ không phải là vật liệu, vật liệu thì không nói lên điều gì cả,” nghệ sỹ chia sẻ.
Họa sỹ Lý Trực Sơn là một nhân tài sớm phát lộ khả năng hội họa từ năm 12 tuổi. Ông là người thành lập nhóm “Sơn ta” và được nhiều đồng nghiệp trong giới công nhận là họa sỹ đứng đầu về nghệ thuật sơn mài đương thời. Ông tự đặt ra nhiệm vụ cho mình là tiếp nối thời kỳ Đông Dương theo một cách khác, gần gũi hơn.
“Người ta nói rằng tôi vẽ rất tự do nhưng thực ra tôi làm việc trong một kỷ luật thép. Mỗi bức tôi đều vẽ với sự kính cẩn, thậm chí vẽ đi vẽ lại nhiều lần. Để tạo ra được hiệu quả nghệ thuật mà mình mong muốn, tôi đã vô cùng nỗ lực. Tôi luôn biết rằng mình chưa đi được đến nơi mình mong muốn, nơi đó luôn ở phía trước tôi,” họa sỹ Lý Trực Sơn bày tỏ.
Với họa sỹ Triệu Khắc Tiến, anh là tiến sỹ chuyên ngành về nghệ thuật sơn mài duy nhất tại Việt Nam vào thời điểm hiện tại. Anh bảo vệ luận văn tiến sỹ tại Đại học Mỹ thuật Tokyo, Nhật Bản.
“Khi tôi tiếp xúc với nghệ thuật sơn mài Nhật Bản và chứng kiến một hệ thống sơn mài được trình bày bài bản về mặt kỹ thuật, cách người Nhật bảo tồn, phát triển học thuật trên lĩnh vực sơn mài qua các thời kỳ lịch sử, tôi đã mong muốn chuẩn hóa các kỹ thuật sơn ta, nhằm tăng độ bền và mở rộng biên độ chất liệu,” họa sỹ nói.
Triển lãm diễn ra từ ngày 2-8/8 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội./.