Những vết thương lòng của người dân sau chiến tranh và khát vọng sống của người phụ nữ là chủ đề nhân văn chạm đến trái tim những người làm sân khấu của Việt Nam và Hàn Quốc.
Đó cũng là lý do để Nhà hát Kịch Việt Nam và Hiệp hội các nhà sản xuất chương trình biểu diễn Hàn Quốc (KAPAP) phối hợp dàn dựng vở kịch mang tên “Bến không chồng.”
Ngày 12/10, Nhà hát Kịch Việt Nam tổ chức họp báo công bố dự án nghệ thuật đặc biệt này để kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Kịch bản vở diễn do tác giả Vũ Thị Thu Phong chuyển thể từ tiểu thuyết “Bến không chồng” của nhà văn Dương Hướng; đạo diễn Lâm Tùng và đạo diễn Kim Min Jeong (Hàn Quốc) dàn dựng.
“Bến không chồng” lấy bối cảnh ở làng Đông, một làng quê điển hình tại đồng bằng Bắc bộ Việt Nam. Nhân vật trong câu chuyện kịch là những người phụ nữ mắc kẹt giữa những hủ tục, định kiến của dòng họ và xóm giềng. Những lời dị nghị như những nhát dao cứa sâu vào mỗi người, làm cho họ bức bối đến nỗi tưởng chừng như nghẹt thở. Nhưng vượt qua tất cả những điều bất hạnh đó, ở sâu thẳm bên trong là tình thương yêu, sự hy sinh và khát vọng vươn lên trong cuộc sống.
Đó là lý do khiến kịch bản này chạm đến trái tim của đạo diễn Kim Min Jeong. Bà không có cảm giác xa lạ khi đọc tác phẩm này bởi Việt Nam và Hàn Quốc là hai quốc gia có nhiều điểm tương đồng về lịch sử văn hóa.
“Chúng ta đều đã trải qua đau thương do chiến tranh và đều có ý chí hướng tới tương lai. Tôi cảm thấy vinh dự khi được tham gia dàn dựng tác phẩm ý nghĩa như thế này để chào mừng 30 năm thiết lập quan hệ hữu nghị hai nước,” đạo diễn cho biết.
[Trao tặng Kỷ niệm chương cho Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam]
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, đạo diễn Kim Min Jeong cho biết câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn, là góc nhìn bao dung về thân phận người phụ nữ, đặc biệt là người phụ nữ thời hậu chiến, họ khát khao hạnh phúc và xứng đáng được hưởng hạnh phúc.
Bà tập trung xây dựng hình tượng nhân vật Hạnh, một cô gái mạnh mẽ. Nhân vật này sẽ là biểu tượng, mở ra con đường mới cho phụ nữ Việt Nam thoát khỏi những rào cản, tập tục xưa cũ trong xã hội.
“Trong quá trình làm việc, có nhiều khoảnh khắc khiến tôi xúc động. Trong đó, phân cảnh ấn tượng nhất là những con quỷ mặt đỏ đại diện cho bóng tối, sự dằn vặt trong lương tâm con người. Con quỷ đó có thể chính là chúng ta. Sau những dằn vặt, định kiến đó, con người vẫn luôn vươn lên, hướng về tương lai,” nữ đạo diễn Hàn Quốc chia sẻ.
Nói về quá trình làm việc với các nghệ sỹ Việt Nam, đạo diễn Kim Min Jeong cho biết bà đã có trải nghiệm tuyệt vời.
“Tôi và đạo diễn Lâm Tùng đã có những trao đổi, tranh luận để tìm ra hướng đi hợp lý nhất cho vở diễn. Dù bất đồng ngôn ngữ khiến cho việc dàn dựng có chút bất tiện nhưng thông qua phiên dịch, chúng tôi vẫn tìm thấy quan điểm nghệ thuật chung. Quan trọng nhất là 13 diễn viên Việt Nam tham gia diễn xuất đều rất tuyệt vời,” bà Kim Min Jeong cho biết.
Được biết, vở diễn sẽ được giới thiệu tại Hàn Quốc trong tháng 11 với phụ đề tiếng Hàn. Sau đó, các nghệ sỹ sẽ trình diễn phục vụ khán giả tại Việt Nam.
Đạo cụ, phục trang và phối cảnh sân khấu được thực hiện thuần Việt nhất có thể, hứa hẹn mang đến cảm xúc chân thực cho khán giả tại Hàn Quốc. Đặc biệt, đạo diễn Kim Min Jeong bật mí rằng bà sẽ tạo ra một sân khấu nước, trên đó có hình ảnh bến sông Đình là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt vở kịch, gắn liền với thân phận nhân vật.
Nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam chia sẻ vở diễn này là bước đầu trong dự án quan trọng của hai đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hai nước.
“Cả hai quốc gia đều đã từng trải qua chiến tranh. Hình ảnh người phụ nữ gắn liền với những nỗi khổ cực. Cuộc sống của người dân trong thời chiến và thời hậu chiến kéo dài nhiều năm tạo nên những ‘vết thương’ cần được chữa lành,” nghệ sỹ Xuân Bắc cho biết./.